Thảo luận pháp lý: Người đại diện người bệnh có quyền chấm dứt điều trị cho bệnh nhân?

"Ở Nhi đồng 1 gặp rất nhiều trường hợp là cha mẹ yêu cầu chấm dứt điều trị và mang về. Mặc dù bác sĩ giải thích có thể cứu chữa được, nhưng ba mẹ vẫn muốn mang về" - ý kiến của một bác sĩ tại Hội thảo đóng góp ý kiến Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Hơn 20 đại biểu, đại diện cho các cơ sở khám, chữa bệnh, quản lý y tế và hoạt động có liên quan trên địa bàn thành phố và các đại biểu đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đã tham dự Hội thảo đóng góp ý kiến Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) diễn ra vào sáng 22/3 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Các ý kiến được đưa ra tại buổi góp ý được đánh giá rất sát sao và phù hợp với thực tiễn giai đoạn hiện nay. Nổi bật trong đó, nhiều ý kiến nhận định Luật Khám bệnh, chữa bệnh cần quy định rõ tính pháp lý của người đại diện người bệnh tại khoản 18, điều 2. Các ý kiến đóng góp cho rằng nên nói rõ ai là người đại diện và quyền của người đại diện là gì?

Bác sĩ CKII CAO MINH HIỆP, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh: Ở Nhi đồng 1 gặp rất nhiều trường hợp là cha mẹ yêu cầu chấm dứt điều trị và mang về. Mặc dù bác sĩ giải thích có thể cứu chữa được, nhưng ba mẹ vẫn muốn mang về. Nhiều lúc chúng tôi phải mang hiến pháp ra, không ai được quyền chấm dứt sự sống, mời công an vào. Rất nhiều xung đột. Đề nghị Luật nên nêu rõ người đại diện có quyền cho phép chữa bệnh nhưng không được quyền chấm dứt sự sống đối với người bệnh. 

Tiến sĩ, Bác sĩ NGUYỄN TRI THỨC, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy: Đa số là xảy ra mâu thuẫn giữa nhân viên y tế với người nuôi bệnh đó. Xảy ra rất nhiều ở bệnh viện Chợ Rẫy, không giải quyết được. Ví dụ khi tử vong thì cháu rể có được đưa về không? Hoặc là người bệnh nặng, bác sĩ biết không thể qua được, giải thích cho cháu rể thì cháu rể có được quyền cho về hay không? 

Thạc sĩ, Luật sư NGUYỄN HỮU KIM, Phụ trách tư vấn pháp chế bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn: Chúng tôi đề nghị bổ sung: Chính phủ quy định cụ thể về người đại diện của người bệnh. Vì trong khuôn khổ của Luật không thể nào nêu rõ hết. Do đó Chính phủ cần có trong 1 Nghị định nào đó để hướng dẫn thực hiện, cần có quy định cụ thể. 

Dự thảo sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh cũng bổ sung các quy định liên quan đến hoạt động của ngành y tế khi xảy ra dịch bệnh. Các đại biểu cho rằng Luật nên quy định mở rộng là bệnh dịch truyền nhiễm nhóm A, thay vì chỉ nói riêng Covid-19.

Bác sĩ CKII LÊ HOÀNG QUÍ, PGĐ Bệnh viện quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh: Chương 9, đối với các trường hợp xảy ra thiên tai thì hiểu là bão, sóng thần, lũ lụt. Thảm hoạ là cháy nổ, hoặc động đất… Nhưng lại không đề cập dịch bệnh. Có nên chăng bổ sung thêm 1 từ nữa là Khám bệnh chữa bệnh liên quan đến thiên tai, thảm hoạ, dịch bệnh, và tình trạng khẩn cấp. 

Bác sĩ CKII CAO MINH HIỆP, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh: Ở điều 93, khoản 3 thì thấy là ngân sách Nhà nước thanh toán các chi phí phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, xin đề nghị điều chỉnh là dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A vì không chỉ Covid mà còn rất nhiều dịch bệnh khác. 

Phóng viên PHƯƠNG THẢO: Dự kiến, dự thảo Luật Khám bệnh và chữa bệnh được đưa vào soạn thảo và thảo luận tại nghị trường tại kì họp thứ 3 và thông qua vào kì họp thứ 4. Nếu theo lộ trình này, sớm nhất là đến tháng 7/2023 Luật mới có hiệu lực. Qua đại dịch cho thấy, việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về khám chữa bệnh càng cấp thiết hơn nữa. Vì vậy, các đại biểu rất mong muốn tiếp tục ghi nhận những ý kiến đóng góp của các ngành liên quan để sửa đổi Luật sớm được thông qua và đưa vào thực tiễn một cách phù hợp.

Tăng Sắc