Tháo gỡ những bất cập về phân định vùng liên quan tới chính sách an sinh xã hội, tín dụng

Tại phiên họp toàn thể lần thứ ba, Hội đồng Dân tộc đã cho ý kiến đối với Báo cáo kết quả khảo sát “Tác động của việc phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển”, theo Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 612 của Uỷ ban Dân tộc.

Thực hiện Quyết định 861 và Quyết định 612, giai đoạn 2021-2025, số xã không thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã khu vực III, và thôn đặc biệt khó khăn giảm rất nhiều so với giai đoạn 2016-2020. Điều này dẫn đến việc người dân tộc thiểu số và miền núi trước đây thuộc vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn nay ra khỏi diện này và sẽ không còn được hưởng các chính sách, đặc biệt là những chính sách về an sinh xã hội. 

Việc cắt giảm đột ngột các chính sách như hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ khám chữa bệnh, chính sách hỗ trợ giáo dục… gây khó khăn cho nhiều gia đình. Bên cạnh đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư cho địa phương cũng giảm hoặc không có. Từ thực tế địa phương, đại biểu đề nghị cần phải có tháo gỡ của Chính phủ, các bộ ngành.

Bà TRƯƠNG THỊ NGỌC ÁNH - Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ: “Ngày 4/6/2021, Quyết định 861 ra đời ngay tức khắc có hiệu lực, nghĩa là không còn kinh phí thực hiện, các chính sách bị cắt, tuy nhiên không thể không thực hiện được. Tôi nói, ví dụ như bảo hiểm đã tính từ đầu năm, thẻ đã phát cho bà con và hiệu lực cho đến ngày 30/6. Kinh phí đã chi rồi mà ngay thời điểm Quyết định 861 có hiệu lực thì không được tính kinh phí đó nữa, vậy phần đã chi rồi thì sao?"

Bà NGUYỄN THỊ HUẾ - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn: “Tất cả các chính sách an sinh xã hội, tín dụng đều mất đi, nên để lấy đánh giá sự hài lòng người dân nhằm đưa về đích nông thôn mới thì người dân chấm điểm rất thấp… Chính sách làm cản trở đến sự đồng thuận của người dân. Mặc dù đã về đích nông thôn mới nhưng ở một số xã miền núi, đời sống của đồng bào còn khó khăn… nên cần phải đánh giá chính xác, rõ ràng, có chính sách kéo dài đối với những xã về đích nông thôn mới, khích lệ tinh thần người dân hăng hái thi đua xây dựng nông thôn mới”.

Trao đổi làm rõ thêm các vấn đề mà đại biểu quan tâm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, Chính phủ đã có báo cáo đánh giá tác động kỹ lưỡng tất cả các chính sách, trên cơ sở ý kiến của 49 tỉnh, thành phố, Uỷ ban Dân tộc sau khi tổng hợp, lấy ý kiến của 13 bộ, ngành liên quan đã có tờ trình báo cáo Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có văn bản giao các bộ ngành để sửa quyết định hoặc xây dựng chính sách, hiện các bộ ngành đang triển khai tích cực, sớm có hướng giải quyết những bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện Quyết định 861 và Quyết định 612.

Dương Dung