Thành phố Hồ Chí Minh: Nhiều trẻ sốt xuất huyết nặng phải lọc máu, thở máy, số ca tăng gấp 7 lần

Theo thông tin từ Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, năm nay, số ca sốt xuất huyết nặng tăng gấp 7 lần so với năm trước, khả năng cao sẽ có dịch lớn về sốt xuất huyết theo chu kỳ. Trong đó, trẻ nhỏ mắc sốt xuất huyết trở nặng cũng đã có sự gia tăng đáng kể. Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 1 cho thấy, nhiều trẻ sốt xuất huyết sốc nặng, phải lọc máu, thở máy.

So với người lớn, trẻ nhỏ nhiễm sốt xuất huyết dễ trở nặng hơn bởi hệ miễn dịch kém. Tại khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã có những trường hợp trẻ mắc sốt xuất huyết rơi vào trạng thái nguy kịch, nguy cơ tử vong cao. 

Bác sĩ CKI TẠ MINH HOÀ HIỆP, Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, bệnh viện Nhi đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh: “Bé này vừa được cai máy thở, bé chưa thở quen nên nó hơi lo lắng, mình tập cho bé thở”. 

Trước đó, bệnh nhi này chuyển đến khoa Hồi sức trong tình trạng sốc sốt xuất huyết, suy đa tạng, phải can thiệp lọc máu, thở máy. 

Bác sĩ CKI TẠ MINH HOÀ HIỆP, Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh: “Bé này vô là độ 4 – độ nặng nhất của sốt xuất huyết, suy gan, suy thận, tình trạng thường rất xấu, may mắn chúng tôi đã cố gắng hết sức và cứu được bé”.  

PGS.TS.BS PHẠM VĂN QUANG, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh: "Trong vòng khoảng 2 tuần lễ gần đây, chúng tôi đã tiếp nhận khá nhiều trường hợp sốt xuất huyết nặng độ 3 - 4. Đặc biệt trong số, đó tỉ lệ trẻ béo phì nhiều, vấn đề điều trị rất khó khăn vì các cháu suy hô hấp, phải thở máy, suy đa cơ quan và phải lọc máu"

Các bác sĩ lưu ý những dấu hiệu trở nặng của sốt xuất huyết bao gồm: bé hết sốt nhưng lừ đừ, than mệt nhiều, tay chân lạnh, nôn ói nhiều, nôn ra máu và đi tiêu phân đen. Khi gặp các dấu hiệu này, trẻ cần được đưa đến bệnh viện để chấn đoán và điều trị kịp thời.

Phương Thảo