TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai những địa phương có tiến độ thực hiện quy hoạch chậm nhất cả nước

Tiếp tục chương trình làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” với các địa phương, chiều 09/03, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dự buổi làm việc của Đoàn giám sát với TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai.

Qua báo cáo của 3 địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng Đoàn Giám sát cho rằng việc lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thành phố, quy hoạch 2 tỉnh thời kỳ 2021-2030 hiện nay đều rất chậm, thành phố Hồ chí Minh chưa được phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch; tỉnh Bình Dương chưa lựa chọn được tư vấn lập quy hoạch; tỉnh Đồng Nai đang triển khai lập.

Đối với lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, TP.Hồ Chí Minh còn nhiều nội dung chưa hoàn thành; chưa báo cáo nội dung phối hợp lập và thẩm định quy hoạch quốc gia và quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030; Đồng Nai, Bình Dương báo cáo còn chung chung, chưa nêu kết quả đạt được, bất cập, nguyên nhân, trách nhiệm.

Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Hải cũng cho rằng, các địa phương cần báo cáo rõ thêm vấn đề tích hợp các quy hoạch vào quy hoạch thành phố (tỉnh) và điều chỉnh quy hoạch thời kỳ 2011-2021. Với TP.Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch đề nghị báo cáo cụ thể hơn việc trùng lặp giữa quy hoạch chung đô thị của thành phố lập theo Luật Quy hoạch đô thị và Quy hoạch thành phố lập theo Luật Quy hoạch; đề xuất giải pháp xử lý và nêu rõ  cụ thể sự cần thiết sửa hệ thống pháp luật. 

Bên cạnh đó, việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, việc quy hoạch vùng huyện, liên huyện, trung tâm xã, quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn… của các địa phương về hiện trạng, dự kiến kết quả có thể đạt được đến cuối năm 2022 cũng cần được khẳng định thêm. 

Theo Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết giải thích một số điều của Luật Quy hoạch, theo đó đã tháo gỡ, cho phép các địa phương có thể lập đồng thời các quy hoạch mà không phải đợi các quy hoạch cao hơn. Tuy nhiên đối với thành phố Hồ Chí Minh - địa phương có đóng góp tỷ trọng kinh tế lớn, cũng như tác động không nhỏ đến định hướng phát triển của cả nước, việc lập quy hoạch vẫn gặp không ít lúng túng. Bên cạnh đó, việc chi phí lập, thẩm định quy hoạch lần đầu  được sử dụng từ vốn đầu tư công, việc lựa chọn đấu thầu nhà đầu tư trải qua nhiều thủ tục, thiếu các đơn vị tư vấn có đủ kinh nghiệm, năng lực..  là những nguyên nhân gây chậm thực hiện các quy hoạch. Đây cũng là tình trạng chung ở 2 địa phương Bình Dương và Đồng Nai.

Thanh Nga