Thanh Hóa: Gần 7.000 nghìn học sinh dân tộc không còn được hỗ trợ sau Quyết định 861/QĐ-TTg

Thực hiện Nghị quyết 120 của Quốc hội về việc phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Chính phủ đã ban hành Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 phê duyệt danh sách xã khu vực III, II, I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, nhiều thôn, xã từ khu vực III, II chuyển sang khu vực I, đồng nghĩa với việc người dân ở khu vực này không thuộc diện đặc biệt khó khăn nên không được hưởng một số chính sách dân tộc, trong đó có ngành giáo dục. Ghi nhận của Truyền hình Quốc hội tại tỉnh Thanh Hóa. 

Từ khi bị cắt chế độ bán trú theo Quyết định 861, Đăng và các bạn trong bản Liên Sơn phải chèo đèo, lội suối như thế này. Để đến trường với thời tiết nắng ráo thì quãng đường 8 km với các em đã là nhọc nhằn. Thế nhưng, khi trời mưa, lũ thì lại là một câu chuyện khác.

Em NGUYỄN HẢI ĐĂNG, Trường PTDT bán trú - THCS Xuân Lẹ, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa: “Mưa lũ thì có khi cháu cũng không đi học được ạ. Tại vì nước lũ rất là to, có khi 1 mưa nhỏ cháu cũng không thể đi học được. Cháu nghĩ không được ở bán trú sẽ không đi học được đâu ạ.”

Không được hỗ trợ chính sách bán trú, người nhà phải mất thời gian đưa đón, khiến cho tình trạng bỏ học của học sinh nơi đây là hiện hữu.

Ông HOÀNG TÂM LÝ, Thôn Liên Sơn, xã Xuân Lẹ, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa: “Nhà nước mà cắt chế độ học sinh không được hưởng như trước đây khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến học hành của các cháu. Thứ 2, việc đi lại có thể ảnh hưởng nhiều mặt, thứ nhất không kịp thời gian, ngày mưa gió thì khả năng các cháu không đến trường được.”

Trước khi có quyết định 861, tỉnh Thanh Hóa có 26 trường phổ thông bán trú được hưởng chế độ ăn bán trú, gạo và đồ dùng học tập. Tuy nhiên, từ khi quyết định này có hiệu lực chỉ còn lại 7 trường được hỗ trợ vùng đặc biệt khó khăn.

Ông NGUYỄN VĂN DĨNH, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa: “Trong bối cảnh những đối tượng đó vẫn phần nào khó khăn chứ không phải thoát hết khó khăn cho nên mong muốn đảng và nhà nước quan tâm đến vấn đề này để làm sao những xã vừa thoát khỏi vùng đặc biệt khó khăn có một phần hỗ trợ nhất định nào đó để không ảnh hưởng đến huy động giáo viên đến vùng khó rồi hỗ trợ học sinh ăn trú trong thời gian tới.”

Chính sách hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số và học sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn của Chính phủ đã tiếp sức cho các em đến trường, giúp nhiều hộ gia đình nghèo vơi bớt nỗi lo về kinh tế khi nuôi con ăn học. Tuy nhiên, từ khi quyết định 861 có hiệu lực, gần 7.000 nghìn học sinh của tỉnh không còn được thụ hưởng chính sách này và nguy cơ bỏ học giữa chừng là điều khó tránh khỏi. 

Việc cắt giảm chính sách dân tộc theo Quyết định 861/QĐ-TTg không chỉ có tác động đến học sinh mà còn ảnh hưởng đến thu nhập của cán bộ, giáo viên khi họ không còn được hỗ trợ tiền phụ cấp đứng lớp, thâm niên vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. 

14 năm gắn bó với ngành giáo dục là từng ấy năm cô giáo Hậu nỗ lực vượt mấy chục cây số để mang con chữ cho các em học sinh vùng khó khăn. Trước đay cô được hỗ trợ các chính sách phụ cấp vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, khi Quyết định 861/QĐ-TTg có hiệu lực, các khoản này bị cắt, đời sống của gia đình cô cũng vì thế mà khó khăn hơn.

Cô LÊ THỊ HẬU, Giáo viên Trường PTDT bán trú THCS Giao Thiện, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa: “Đi làm cách nhà khoảng 20 cây số đã vất vả bây giờ giá cả xăng lại lên nữa và chồng làm bên văn phòng lương chỉ hơn 6 triệu và chồng còn bị tiểu đường nên hàng tháng phải mua sữa, mua thuốc. Mau thuốc với sữa tiểu đường cho chồng thì tiền sữa của con thì phải giảm đi. Cảm thấy một quá trình vất vả và gian nan.”

Trường PTDT bán trú THCS Giao Thiện có 19 giáo viên. Toàn bộ số giáo viên này đều bị tác động từ Quyết định 861/QĐ-TTg. 

Thầy VÕ HỒNG THẮNG, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Giao Thiện huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa: “Giáo viên dạy 1 tuần 17 tiết bây giờ dạy 19 tiết như vậy 1 tháng thiệt hại 1 triệu đấy là phụ cấp trường chuyên biệt. Còn phụ cấp nghề theo nghị định 61 được hưởng 70% nay còn 35% như vậy thầy cô thiệt tiền đứng lớp là một nửa. Bình quân giáo viên mới ra trường mất khoảng 2 triều, lâu năm khoảng 5 triệu”Việc cắt, giảm các chế độ chính sách, phụ cấp cho ngành giáo dục vùng kinh tế đặc biệt khó khăn sẽ tác động mạnh đến chính sách thu hút đội ngũ cán bộ giáo viên về các xã nghèo công tác.

Ông PHẠM VĂN TUẤN, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa: “Đối tượng này ảnh hưởng rất lớn, giảm chế độ thu hút vào vùng đặc biệt khó khăn, giảm chế độ cho cán bộ công chức, giáo viên ở vùng thực hiện chế độ lâu năm. Đối với chế độ này, cán bộ giáo viên đã giảm 2/3 mức lương. Từ đây sẽ khó khăn cho việc thu hút nguôn nhân lực châts cao trong từ các địa phương khác trong và ngoài tỉnh thu hút về huyện Lang Chánh để làm việc.”

Ông NGUYỄN VĂN DĨNH, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa: “So với biên chế của tỉnh giao cho ngành Giáo dục đang con thiếu gần 10 nghìn giáo viên toàn tỉnh trong đó chủ yếu thiếu giáo viên vùng miền núi, vùng khó khăn.”Việc thu hút đội ngũ giáo viên về vùng khó khăn đã là 1 bài toán nan giải đối với ngành Giáo dục. Vì vậy, việc không còn được hỗ trợ phụ cấp, thâm niên đứng lớp khiến cho bài toán này càng trở nên khó hơn bao giờ hết khi mà hàng ngày họ vẫn phải làm việc nơi có điều kiện kinh tế khó khăn và thiếu thốn trăm bề.  

Phạm Cường