Tết trong ký ức và nỗi nhớ của những người từng khoác áo lính

Tết xưa luôn lắng đọng trong lòng người những dư vị riêng. Đặc biệt với những người lớn tuổi, những người đã trải qua nhiều năm tháng cùng lịch sử đất nước, Tết là những cung bậc, những sắc màu đa dạng, không phải lúc nào cũng rộn ràng tiếng cười, không phải lúc nào cũng đủ đầy, sung túc, và không phải lúc nào cũng là quần tụ, ấm êm bên những người thân.

Trong căn phòng nhỏ chừng hơn 10m2, chúng tôi đã được gặp đại tá, nhà báo Trần Hồng, người được biết đến với những bức ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và mẹ Việt Nam anh hùng. Tuy nhiên điều hôm nay nhà báo Trần Hồng muốn chia sẻ với chúng tôi lại là những ký ức về Tết của những người lính, và điều đặc biệt đến ngỡ ngàng là với nhà báo đã từng chứng kiến những tháng ngày khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ này thì chỉ cần nhìn thấy đồng đội của mình mỗi ngày thì đó đã là những ngày Tết rồi.

Đại tá, Nhà báo Trần Hồng: “Thật ra từ khi nghỉ hưu đến bây giờ tôi mới có khái niệm tết chứ khi đã làm ở cơ quan gần như không có khái niệm về tết và Tết của chúng tôi là gì, Tết của chúng tôi là từ rừng ra, từ mặt trận ra gặp nhau, ôm nhau cười thì cái đấy là sướng nhất, trên cả Tết vui hơn cả Tết”.

Với những người lính xa nhà như ông, những ngày nghỉ Tết dù ngắn ngủi nhưng cũng đủ để tạo nên niềm vui, trở thành động lực cho những nhiệm vụ thiêng liêng cao cả.

Đại tá, Nhà báo Trần Hồng: “Tết năm 1983 khi ra hải đảo Trường Sa, mình không hình dung được có những gì từ đất liền ra họ chắt chiu từng tí. Ví dụ như là họ làm hoa thì họ lấy từ những cái giấy giấy vệ sinh, cảm động vô cùng. Những ngày đó thiêng liêng quá nhớ đất liền bao nhiêu yêu thì quý trọng những cái mà anh em hiện nay đang sử dụng. Và trong chiến tranh có nhiều kỷ niệm lắm, đơn vị tổ chức chu đáo lắm kể cả đi hành quân họ tổ chức rất chu đáo ngày Tết. Những ngày tết thường thì quân đội sẽ được ăn thêm, thường thì khẩu phần ăn bốn năm món thôi nhưng ngày Tết thì được gấp đôi lên nhưng thật ra thì ăn thì cũng bao nhiêu đâu nhưng cái thích nhất là dân chủ, vui lắm, ấn tượng như thế nó làm cho mình vơi đi nỗi nhớ nhà nhiều lắm”. 

Nếu như với đại tá, nhà báo Trần Hồng, những ký ức Tết giản dị mà sâu sắc, được ông lưu lại qua những bức ảnh thì với nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến, một người con sinh ra và lớn lên tại Hà Nội thì Tết và miền ký ức sinh động của Hà Nội qua nhiều năm tháng lại được kể qua những trang sách. Đó là những cuốn sách viết về Hà Nội như những cuộc dạo chơi, kể chuyển và thưởng thức.

Nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến: “Ngày xưa theo quan niệm dân gian, ngày 23 tháng Chạp, ngày ông Công ông Táo các thần cai quản ở dưới đi về trời, trên vũ trụ là vô chủ, không có ai cai quản, có nghĩa là ma quỷ hoành hành, thế lực hắc ám vì thế cho nên người xưa ngoài gắn đào phù ngoài cửa hoặc đôi câu đối hoặc là mua một cành đào cắm vào đó, bởi vì ma quỉ hắc ám rất sợ màu đỏ. Nếu có đào phù, có đôi câu đối hoặc hoa đào màu đỏ thì ma quỉ ko dám vào nhà. Do vậy, từ xưa cho đến nay người dân vẫn thích chơi hoa đào dù có thể thêm các loại hoa khác nhưng nói chung mỗi gia đình thường có 1 cành đào hoặc một cây đào”.

Người Hà nội xưa sành về mọi thứ, từ chơi ra sao rồi ăn như thế nào nhưng tất cả đều rất dung dị và đời thường.  Những câu chuyện kể về Tết của nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến đưa chúng tôi trở về miền ký ức xưa. Về cả những năm tháng còn nhiều khó khăn của đất nước. 

Nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến: “Chữ rất quan trọng và chữ không phải chỉ là chữ bình thường mà đối với những nhà nho thì người ta viết ra chữ và người ta để ở bàn nước. Tết đến người ta mời rượu bạn và mời rượu khách rồi họ sẽ bình về chữ ấy, đó là một thú rất là tao nhã. Còn đối với người bình dân thì họ lại đi ra chợ chữ và cái chữ cũng là mong muốn, tôn trọng tri thức. Ăn tết đối với người Hà nội xưa thì bất kể giàu hay nghèo, nghèo đến mấy cũng phải vay tiền để ăn tết. Một mâm cỗ tối thiểu cũng phải có 4 bát 6 đĩa, 4 bát ko thể thiếu được trong các cái bát và các đĩa đấy phải có đủ sản vật của 3 vùng tức là vùng núi gồm có măng, mộc nhĩ, nấm hương; vùng biển thì có tôm, tôm he, mực khô, vi cá và nước mắm ngon; và vùng đồng bằng thì có gà, thịt lợn và các loại rau củ. Rõ ràng ăn tết ở đây rất là cầu kỳ, tỷ mẩn và cách chế biến cũng phải đạt đến độ tinh tế”.

Với nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, mặc dù hình ảnh Tết Nguyên đán vẫn là hoa đào, hoa mai, vẫn bánh chưng và không khí nhộn nhịp của ngày Tết, nhưng Tết của ngày xưa và ngày nay đã khác nhau rất nhiều. Khác ở chính sự thay đổi trong quan niệm của con người.

Nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến: Thú chơi hoa một thời là hoa truyền thống, thế nhưng xã hội thay đổi thì thú chơi hoa cũng khác. Ví dụ như ngày xưa, có một thời người ta rất thích chơi cành đào càng to càng tốt và người ta lên tận rừng để lấy đào….. ko có cái gì là vĩnh cửu và khi quan niệm thay đổi thì mọi thứ thay đổi, trong đó chơi hoa tết cũng sẽ thay đổi.

Không phải ngẫu nhiên mà người dân Hà Nội chọn Hồ Gươm là nơi để đón giao thừa. Với rất nhiều người, việc chờ đợi thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới ở Hồ Gươm, đã trở thành một điều vô cùng quen thuộc và tự nhiên. Những dòng người chật ních, hồ hởi đón mừng năm mới là những hình ảnh vừa thân thuộc, đời thời, vừa thiêng liêng ở chốn linh thiêng của đất Thăng Long nghìn năm văn hiến. Và chính cái linh thiêng, nét dịu dàng và cả kho tàng văn hóa mà nó ôm chứa trong lòng,  Hà Nội chưa bao giờ thôi hấp dẫn trong hành trình khám phá của nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến.

Hà Nội hôm nay đã có nhiều đổi khác, ngay cả khi đại dịch đã làm vơi bớt cái nhộn nhịp sôi động của Hồ Gươm và 36 phố phường Hà Nội thì hồn cốt và cái tinh thần tết vẫn ấm nóng, vẫn âm thầm chảy trong lòng người dân Hà Nội, với những ai được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hà Thành và cả với những ai coi Hà Nội là quê hương thứ hai của mình.

Việt Hoà