• 1142 lượt xem
  • 06:50 03/02/2022
  • Xã hội

Tết eo hẹp của các cô giáo mầm non

Trong khi người người nhà nhà đang sum vầy, đầm ấm đón Tết bên gia đình mong một năm mới bình an, sung túc, thì có lẽ, Tết với các cô giáo mầm non lúc này, vẫn là những lo toan bộn bề, những gánh nặng của cuộc sống.

Cô giáo Thuỳ: Tết năm nay thì nhà mình buồn lắm. Hôm trước con mình cũng hỏi: Mẹ ơi, năm nay nhà mình không có Tết à? Nghe vậy cũng rất là buồn tủi…

Cô giáo Nga: Tết là dịp sum họp vui vẻ bên gia đình, nhưng năm nay do dịch bệnh và kinh tế eo hẹp, nên tôi không về quê ăn Tết được, tôi cảm thấy chạnh lòng...

Cô giáo Hải: Tết năm nay là một cái Tết rất đặc biệt, năm nay thì tôi sẽ không về quê được, mọi năm có thể sẽ biếu ông bà chút gì đó sắm Tết, nhưng năm nay...có lẽ chỉ một cái bánh chưng thôi cũng không lo được…

Mọi năm, với cô giáo Hoà, những ngày gần Tết là những ngày vui vẻ, háo hức nhất, bởi sắp được gác lại công việc của năm cũ, sắp sửa quần áo, trở về quê ăn Tết cùng gia đình. Thế nhưng năm nay, tâm trạng háo hức ấy lại xen lẫn nỗi buồn bởi một cái Tết không lương, không thưởng. Thiếu thốn đủ đường, chẳng có tiền sắm Tết, ngay đến cả tiền xe về quê cô cũng phải chạy vạy vay mượn khắp nơi.   

Cô giáo ĐẶNG THỊ HOÀ - Giáo viên mầm non tại Hà Nội: Năm nay rất khó khăn, cũng là khó khăn chung, nhưng như bọn em, thất nghiệp nửa năm nay rồi, thì với bọn em rất khó khăn, mọi sự chuẩn bị đều thiếu thốn đủ đường, sẽ không được đủ đầy như những năm trước. Kể cả là đi về quê thì cũng phải vay mượn để có tiền xe đi về.

Được về ăn Tết bên gia đình, có lẽ là mong ước của bất kì người con xa quê nào. Thế nhưng, nhiều cô giáo mầm non đã phải tạm quên đi niềm vui đoàn tụ ấy, như cô giáo Phạm Thị Nga – quê ở Nam Định. Phần vì tình hình dịch bệnh, phần vì không có tiền, cô Nga cùng gia đình nhỏ của mình đành ở lại ăn Tết tại thành phố.  

Cô giáo PHẠM THỊ NGA - Giáo viên mầm non tại Hà Nội: Năm nay dịch bệnh cũng khó khăn, cả năm vừa rồi cũng không có thu nhập, không đi làm được ra tiền, tôi không thể về quê được...

Xa nhà đã gần 3 năm, Tết này là cái Tết thứ 2 cô Phạm Thị Hải chưa về nhà. Vì gánh nặng mưu sinh, cơm áo gạo tiền, cô Hải phải chấp nhận ở lại thành phố để đi làm mong kiếm thêm thu nhập. Vất vả từ sáng sớm với sạp hàng Tết nhỏ này, thế nhưng, có những ngày chỉ bán được vài gói mứt, hộp ô mai, cũng chỉ lãi được vài chục nghìn, chẳng đáng là bao. Tranh thủ buổi trưa và tối, hễ có ai gọi, cô Hải lại nhận đi làm giúp việc theo giờ. Những ngày Tết ở lại thành phố, cô cũng nhận làm giúp việc xuyên Tết, chỉ mong kiếm được đồng nào, hay đồng ấy.

Cô giáo PHẠM THỊ HẢI - Nhóm trẻ, Lớp mẫu giáo độc lập Hoa Hồng, quận Hà Đông, Hà Nội: Dịch là một phần, thứ 2 nữa là cũng không có, đủ kinh tế để về quê lo trang trải, nên là Tết năm nay tôi ở lại Hà Nội đón Tết. Trong những dịp Tết thế này thì cũng cố gắng đi làm thêm để kiếm tiền trả nợ. Cũng như bán những thứ hàng linh tinh bán online rồi trực tiếp, rồi ai thuê lau nhà dọn nhà rồi việc làm mấy ngày Tết thì em cũng ở lại cố gắng kiếm thêm một phần thu nhập...

Vất vả trăm bề không nề hà bất cứ công việc gì, nhưng số tiền ít ỏi cô Hải kiếm được cũng chẳng thấm vào đâu so với số nợ lên đến hơn 800 triệu đồng đang phải gánh trên vai. Là chủ một Nhóm trẻ, Lớp mẫu giáo độc lập tại Hà Nội, năm 2019, cô Hải quyết định vay mượn khắp nơi mở rộng thêm 2 cơ sở trường. Nhưng không may, đi vào hoạt động đúng thời điểm dịch, trường học buộc phải đóng cửa, cô Hải chấp nhận mất trắng số tiền vốn, chỉ có thể gắng gượng giữ lại một cơ sở duy nhất. Thế nhưng, giờ đây mỗi tháng cô cũng kiệt sức, vì còn phải cõng thêm chi phí thuê mặt bằng trường và các khoản phụ chi khác là hơn 30 triệu đồng để duy trì hoạt động mong chờ ngày trường được mở cửa trở lại. 

Cô giáo PHẠM THỊ HẢI - Nhóm trẻ, Lớp mẫu giáo độc lập Hoa Hồng, quận Hà Đông, Hà Nội: Mình đã giải thể hai cơ sở rồi thì cũng như đã buông đi hai đứa con tinh thần của mình rồi. Cũng cố gắng để cầm cự. Thật ra cũng muốn buông nhưng nghĩ rằng cũng đã tâm huyết từ trước đến giờ nên cố giữ lại một cơ sở để duy trì.

Cuộc sống bấp bênh, khó khăn chồng chất. Đó là tình cảnh chung của nhiều cô giáo mầm non tư thục cũng như các chủ trường ở địa phương có dịch phức tạp năm nay. Do dịch bệnh, nhiều trường mầm non trên toàn quốc phải đóng cửa suốt gần một năm ròng rã. Giáo viên các trường ngoài công lập rơi vào cảnh thất nghiệp. Xa nghề quá lâu, nhiều cô đã phải suy nghĩ đến chuyện bỏ nghề, về quê tìm công việc ổn định khác. Còn với những người cố bám trụ lại thành phố, không còn nguồn thu nhập, buộc họ phải chuyển sang làm các công việc tạm thời khác như làm giúp việc, bán hàng online, bán rau, thịt…để kiếm sống. Cuộc sống của các cô giáo mầm non tư thục lúc này, chỉ trông chờ vào những khoản tiền ít ỏi từ những công việc thời vụ, ngày có, ngày không. Tiền trọ, tiền ăn, tiền học cho con còn không đủ, họ thực sự không dám mơ tới một cái Tết đủ đầy. 

Không thể chăm lo cho con được đón Tết như các bạn cùng trang lứa, cô giáo Nguyễn Thị Thuỳ cảm thấy chạnh lòng khi nghe con hỏi “năm nay nhà mình không có Tết à mẹ?”. Thương con, nhưng hoàn cảnh quá khó khăn, mỗi ngày mong kiếm được chút ít tiền lãi từ quầy hàng hoa tươi này để lo trang trải chi phí cuộc sống, rồi tiền trả nợ, trả lãi, tiền nhà, chi phí duy trì trường..., cô Thuỳ chỉ có thể cố gắng sắm sửa cho các con bộ quần áo mới, để các con cảm thấy đỡ buồn.   

Cô giáo NGUYỄN THỊ THUỲ - Hiệu trưởng Trường Mầm non Ong Việt, quận Hà Đông, Hà Nội: Là một người mẹ thì ai cũng mong cho con được đủ đầy, bằng bạn bằng bè. Năm nay cũng khó khăn, người ta khó khăn một, thì mình khó khăn 10, nhưng cũng cố gắng để cho các bạn đi mua sắm một bộ quần áo mới rồi cho các bạn đi chơi, đi ngắm đồ Tết, để cho bằng bạn bằng bè, để cho các con đỡ buồn...

Là cô giáo mầm non, và cũng là một chủ trường tại Hà Nội, Tết đến là biết bao muộn phiền với cô Thuỳ. Ngoài lo cái Tết cho gia đình, cho các con, cô cũng trăn trở rất nhiều vì không thể hỗ trợ phần nào khoản tiền Tết cho các cô giáo của trường. 

Cô giáo NGUYỄN THỊ THUỲ - Hiệu trưởng Trường Mầm non Ong Việt, quận Hà Đông, Hà Nội: Năm nay thì mình cũng thấy buồn lắm. Năm nay còn khoản nợ, phải vay mượn rất nhiều, nên cũng không thể lo được. Thì cũng đành bảo với các cô, cho khất khoản tiền thưởng đó, bao giờ kinh tế bớt khó khăn hơn, sẽ gửi lại các cô sau…

Tết này thực sự là một cái Tết buồn, tủi của những người yêu nghề, yêu trẻ. Cùng trong hoàn cảnh vất vả, chật vật mưu sinh, các cô giáo mầm non chỉ biết tự động viên, an ủi lẫn nhau để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này. Không có thưởng Tết bằng vật chất, các cô đành tự tạo cho mình những món quà tinh thần. 

Đây là buổi liên hoan tất niên nho nhỏ của các cô giáo trường mầm non tư thục Tú Chi, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Dù điều kiện không cho phép, không thể tổ chức như mọi năm. Buổi liên hoan diễn ra chỉ đơn giản là vậy, các cô được ngồi bên nhau, cùng kể lại những câu chuyện đã qua, kỉ niệm đáng nhớ cùng các con học sinh thân yêu trong những năm học trước, cũng giúp cho các cô cảm thấy như được vơi bớt nỗi buồn, khi mà Tết năm nay, nhiều cô không thể về quê ăn Tết cùng gia đình vì tình hình dịch bệnh và kinh tế eo hẹp. 

Cô giáo NGÔ KIM LOAN - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tư thục Tú Chi, huyện Thanh Trì, Hà Nội: Đây là cái Tết buồn nhất với các cô giáo chúng tôi, mọi năm thì ngoài rằm là chúng tôi rất háo hức, các cô trò cùng nhau gói bánh chưng, rồi các cô giáo thì cũng rất mong ngóng, háo hức đến ngày được nghỉ làm để về quê đón Tết. Tết năm nay thì quá buồn, và cũng quá trăn trở cho những chủ trường như chúng tôi...chỉ mong sao các cô có thể chi trả được các khoản Tết năm nay, mong sao các cô có một mùa xuân thật là ấm áp...

Đồng cảm sâu sắc và muốn sẻ chia với những khó khăn vất vả của các cô giáo mầm non tư thục bởi cũng từng là một chủ trường mầm non, chị Nguyễn Thị Anh đã ấp ủ kế hoạch tổ chức hoạt động tặng quà Tết cho các cô giáo. Sau quá trình động viên, kêu gọi sự ủng hộ từ nhiều nơi, chương trình “Tết ấm sẻ chia yêu thương” đã được thực hiện với 500 suất quà tặng cho các cô giáo mầm non trên địa bàn Hà Nội. Những món quà được lựa chọn hết sức thiết thực đó là những bộ váy, áo cho các con; những giỏ quà thực phẩm, nước uống ngày Tết; hay những sản phẩm thuốc dành cho gia đình,...

Chị NGUYỄN THỊ ANH - Từng là Chủ trường mầm non tại Hà Nội: Qua thời gian vừa rồi, sau khi thấy được rất nhiều hoàn cảnh khó khăn của các cô, thì tôi rất đau lòng, và đêm tôi không thể ngủ được. Và tôi quyết định là tôi phải làm một chương trình quà Tết cho các cô. Cái Tết này thì khó khăn cũng là khó khăn chung, nhưng khi tôi chia sẻ với bạn bè, hay đối tác thì họ cũng đồng hành với tôi luôn. Và tôi rất là hạnh phúc, vì là món quà thì là nhỏ, nhưng tình cảm thì rất là lớn...Những món quà cũng rất là thiết thực, những bộ váy áo cho con mặc Tết, những giỏ quà, bánh trái thì rất là tuyệt vời. Khi hôm nay chương trình được thực hiện, tôi thấy các cô rất là hạnh phúc, thì tôi cảm thấy rất là vui...

Không chỉ chị Anh, những người cùng đồng hành với chị, khi tài trợ các món quà Tết tặng các cô giáo, cũng cảm thấy hết sức vui mừng khi những món quà đến tay các cô là thực sự hữu ích và có thể giúp cho cái Tết của các cô bớt thiếu thốn.  

Anh LÊ VĂN TRUNG - Nhà tài trợ chương trình: Cũng mong rằng chương trình Tết ấm sẻ chia yêu thương này sẽ lan toả và giúp cho những hoàn cảnh thực sự khó khăn, nhất là trong mùa đại dịch Covid có những cái Tết thực sự ấm áp, sẻ chia...

Chị TRẦN THỊ TUYẾT MAI - Nhà tài trợ chương trình: Đây là một chương trình rất ý nghĩa đối với các cô giáo mầm non vào dịch Covid này. Chúng tôi cũng rất mong muốn được sẻ chia, được giúp đỡ một chút cho các cô...Nhưng chúng tôi cũng rất mong muốn được xây dựng cho các cô các giải pháp việc làm...

Cầm trên tay món quà Tết vô cùng ý nghĩa này, nhiều cô giáo không khỏi xúc động, bởi điều các cô thấy được đó là sự sẻ chia, sự đùm bọc, và được an ủi phần nào. Giúp các cô thấy ấm lòng hơn trong mùa Tết này.

Cô giáo NGUYỄN THỊ HÀ: Tôi rất cảm động và biết ơn các đơn vị tổ chức, đã đứng ra tổ chức cho các cô, để có một món quà, tạo cho các cô một niềm vui. Niềm vui vì món quà, không phải là to hay nhỏ, mà là họ đã thấu hiểu, tặng cho chúng tôi những món quà rất ý nghĩa...

Cô giáo NGUYỄN THU HẰNG: Với thời điểm khó khăn như hiện nay, do hoàn cảnh, mình cũng hạn chế sắm Tết. Nên với cá nhân mình, những món quà ngày hôm nay rất ý nghĩa, mình cảm thấy mùa xuân đến, đấy là niềm vui, niềm hạnh phúc của mình khi nhận được những món quà này.

Cô giáo BÙI THANH YÊN: Ngày hôm nay đến đây được nhận những món quà này thì hai mẹ con mình cảm thấy vui lắm, Bởi vì vừa có quần áo đẹp cho các bé, vừa cảm nhận được tình thương của mọi người dành cho các cô giáo trong lúc hoàn cảnh khó khăn như thế này...

Con đường đến trường của các cô giáo mầm non có lẽ sẽ không còn xa nữa, khi mà mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị các tỉnh, thành phố căn cứ theo tình hình dịch, xây dựng kế hoạch, lộ trình để tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh, sinh viên trước ngày 14/2. Các trường mầm non tại TP. Hồ Chí Minh cũng chính thức được mở cửa đón các em đến trường từ ngày 14/2 trên tinh thần tự nguyện của các gia đình. Đây là tin thật vui đối với các cô giáo mầm non trên toàn quốc.

Kim Thoa