Tàu Quảng Nam đánh bắt hợp pháp trong vùng biển Việt Nam

Như vậy là sau hơn 3 tháng, 42 ngư dân Quảng Nam đã về nhà an toàn. Tuy nhiên, việc Malaysia bắt giữ tàu cá QNa 95005-TS khi đang khai thác thủy sản trên vùng biển mà các cơ quan chức năng Việt Nam xác định là hợp pháp, đặt ra nhiều câu hỏi về tính pháp lý cũng như vai trò công tác bảo hộ công dân.

Ngày 23/6, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam có văn bản xác nhận tàu 95005 hoạt động cách bãi đá Công Đo thuộc quần đảo Trường Sa, chủ quyền Việt Nam, khoảng 9 hải lý về phía đông nam thì bị cảnh sát biển Malaysia bắt.

Cùng ngày, Dữ liệu giám sát hành trình của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cũng xác nhận, từ ngày 25/4 đến 11/6, tàu cá này hoạt động trong vùng ranh giới cho phép khai thác thủy hải sản của Việt Nam.

Ngày 12/9, Bộ NN&PTNT có văn bản gửi Bộ Ngoại giao và UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu phối hợp hỗ trợ tàu cá trên, trong đó nhấn mạnh: kiên quyết đấu tranh với lực lượng chức năng của nước sở tại khi bắt giữ, xử lý trái phép tàu cá, ngư dân của ta khi hoạt động hợp pháp trên vùng biển Việt nam; đề nghị trao trả tàu cá, ngư dân về nước.

Những bằng chứng này khẳng định tàu QNa 95005 TS tại thời điểm bị Malaysia bắt giữ vẫn nằm trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam.

Ông NGUYỄN ĐÌNH TOÀN - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam: “Theo thiết bị giám sát hành trình của tàu cá thì trong thời gian này cũng như ngày 11/6 tàu cá chỉ hoạt động trên vùng biển Việt Nam, tất cả 4 vị trí trong ngày 11/6 đều thể hiện là trong vùng biển Việt Nam. Khi đang hoạt động thì cơ quan chức năng Malaysia đã kéo tàu về xử phạt.”

Đây là lần đầu tiên tàu cá của tỉnh Quảng Nam bị bắt giữ trên vùng biển phía Nam – Tây Nam quần đảo Trường Sa. Hành trình đấu tranh pháp lý để đưa 37 ngư dân trở về Việt Nam rất gian nan do bất đồng ngôn ngữ, văn hóa. Đặc biệt, do chi phí của quá trình tố tụng tại nước ngoài rất lớn, khiến nhiều gia đình kiệt quệ.

Anh TRẦN CÔNG LỤA - Đại diện pháp lý của 42 ngư dân: “Theo văn bản hướng dẫn của Đại sứ quán thì mỗi lần lên tòa phải đóng 130 triệu, chúng tôi phải lên 3 lần như vậy, và các khoản chi phí liên quan đến làm hộ chiếu thì là 25 triệu. Số tiền đó quá lớn với bà con. Một hành trình quá khó khăn, ảnh hưởng tinh thần, vật chất, ảnh hưởng cả thế hệ sau của những ngư dân này nếu sau này muốn vươn khơi bám biển.”

Từ nay đến Tết Nguyên đán, ngư dân địa phương không thể đảm bảo sức khỏe và điều kiện tàu bè, trang thiết bị để ra khơi, trong khi đó, 70% người dân tại xã Bình Minh theo nghề đánh cá khơi xa, sau sự cố này, hoàn cảnh các gia đình gặp nhiều khó khăn.

Bà NGUYỄN THỊ HOA - Chủ tịch UBND xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam: “Các cấp các ngành, mặt trận đoàn thể có hỗ trợ kinh phí để động viên cho bà con đảm bảo cuộc sống đến Tết Nguyên đán. Đối với nợ đóng tàu thì có thể khoanh nợ cho ông Mạnh. Bên cạnh đó có sự hỗ trợ để có thể đóng tàu tiếp tục vươn khơi bám biển.”

Bên cạnh công tác tuyên truyền ngư dân đánh bắt khơi xa tuân thủ luật pháp Việt Nam và quốc tế, các ngành chức năng cần có những phương án bảo vệ an toàn cho tàu cá Việt Nam hoạt động trên biển, cũng như công tác bảo hộ công dân tại nước ngoài.

Nguyễn Hùng