• 1076 lượt xem
  • 04:06 07/02/2022
  • Kinh tế

GDP Việt Nam tăng mạnh nhờ sự chung sức, đồng lòng của Quốc hội và Chính phủ

Theo các chuyên gia, GDP của Việt Nam tăng mạnh là nhờ nỗ lực của Chính phủ cùng sự giám sát và đồng hành của Quốc hội trong việc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế, sẽ góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Theo các chuyên gia, cùng với những tín hiệu lạc quan trong năm 2021, nỗ lực này của Chính phủ, cùng với sự giám sát đồng hành của Quốc hội sẽ góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu. 

Theo Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhiều mục tiêu đã được đề ra, như phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025: Tăng trưởng GDP bình quân 6,5 - 7%/năm, chỉ tiêu nợ công dưới mức cảnh báo Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 23/2021/QH15, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn; phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng và phấn đấu đạt các mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025. 

Sự hỗ trợ cũng như sự chung sức đồng lòng của Quốc hội và Chính phủ đã giúp thúc đẩy niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và kết quả là bất chấp những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã đạt và vượt mục tiêu đề ra. Đơn cử như doanh nghiệp này, nhờ việc chủ động thích ứng an toàn với dịch bệnh, đưa ra nhiều chiến lược kinh doanh mới, doanh thu trong năm 2021 đã tăng 20% so với năm trước. Doanh nghiệp kỳ vọng năm 2022 sẽ là giai đoạn hồi phục và tăng tốc. 

Ông THÂN ĐỨC VIỆT - Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10: “Đối với mặt kinh doanh hiện nay đối với mảng xuất khẩu, các khách hàng của chúng tôi đã đặt hàng hết quý 1, và thậm chí trên 70% năng lực sản xuất của chúng tôi đã có khách hàng đặt hàng đến hết quý 2. Tôi cho rằng 6 tháng đầu năm 2022 sẽ có nhiều tín hiệu tốt.”

Thống kê mới nhất cho thấy, trong tháng 01/2022, xuất khẩu đã đạt 29 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo nhiều chuyên gia, có nhiều nguyên nhân nhưng trước hết là giá bán tăng và thêm nhiều hợp đồng được ký kết, nhiều chuyến hàng được giao nhận. Đáng chú ý, có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 63,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. 

Bên cạnh đó, Nghị quyết của Chính phủ cũng đưa ra hàng loạt giải pháp và gói hỗ trợ 347.000 tỷ đồng để giúp kinh tế phục hồi sau đại dịch. Và trong gói hỗ trợ lần này, tài khóa là trụ cột, tập trung vào các chính sách miễn, giảm, giãn, hoãn thuế, đầu tư phát triển, giải quyết việc làm. Còn lại là gói hỗ trợ tiền tệ cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi vay và các hỗ trợ khác. Bản thân doanh nghiệp chia sẻ, nếu như mọi năm, họ sẽ phải trích hàng chục tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng, nhưng từ đầu tháng 2, theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, thuế giá trị gia tăng được giảm từ 10% xuống còn 8% sẽ giúp doanh nghiệp có thêm cơ hội để mở rộng thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.

Ông THÂN ĐỨC VIỆT - Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần May 10: “Việc giảm thuế VAT giúp doanh nghiệp chúng tôi tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng, đây là điều rất tốt, giúp chúng tôi tiết kiệm được chi phí khá lớn, từ đó tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh.”

Một điểm sáng của nền kinh tế trong những tháng đầu năm 2022 chính là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI. Theo Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20/01/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 2,1 tỉ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2021. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt trên 1,61 tỉ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Bà PHẠM THỊ HƯƠNG - Phó Chủ tịch phụ trách sản xuất và chuỗi cung ứng, Tập đoàn Assa Abloy: “Trong những năm gần đây có rất nhiều tập đoàn lớn vào Việt Nam, cùng với sự trợ giúp của Chính phủ đã xây dựng một mạng lưới công nghiệp phụ trợ, và đây là một điểm mấu chốt mà chúng tôi tiếp tục tự tin đầu tư vào Việt Nam. Với các chính sách của Quốc hội và Chính phủ về thu hút vốn đầu tư công nghệ cao, chúng tôi cũng đang có những kế hoạch trong tương lai để đầu tư hơn nữa vào hàm lượng nghiên cứu của sản phẩm tại Việt Nam.”

Theo các chuyên gia, Việt Nam có rất nhiều triển vọng thu hút FDI mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Hiện tại, Việt Nam đón đầu dòng vốn đầu tư tái định vị sản xuất của nhiều công ty đa quốc gia, doanh nghiệp trong nước có cơ hội được tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó triển vọng của nền kinh tế được đánh giá rất khả quan. 

Ông ANDREW JEFFRIES - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng phát triển châu Á ADB tại Việt Nam: “Triển vọng trong trung và dài hạn của Việt Nam vẫn rất tươi sáng, vì thực tế Việt Nam đang thu hút vốn đầu tư FDI lớn, và có rất nhiều công ty nước ngoài mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Do đó mục tiêu tăng trưởng trong năm nay tôi cho rằng vẫn khả quan, vì đại dịch Covid-19 là vấn đề chung của toàn cầu chứ không chỉ riêng Việt Nam. Đặc biệt nếu nhìn nhận một cách tích cực, giữa 2 năm 2020 và 2021, quy mô GDP của Việt Nam vẫn cao hơn thời điểm trước đại dịch khoảng 5%.”

Ông TIM LEELAHAPHAN - Chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered: “Chúng tôi cho rằng, môi trường thương mại toàn cầu được cải thiện sẽ hỗ trợ xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2022 mặc dù nhập khẩu có thể sẽ vẫn tăng cao. Bên cạnh đó, tốc độ gia tăng thu nhập tại Việt Nam trong những năm gần đây cao hơn chi tiêu, từ đó mang đến một nguồn dự trữ tiết kiệm giúp chống chọi với đại dịch.”

Đáng chú ý, Nghị quyết của Chính phủ cũng nhấn mạnh phải điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để hỗ trợ tích cực cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhưng vẫn đảm bảo lạm phát được kiểm soát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Với những nền tảng tốt, nhiều chuyên gia lạc quan về đà tăng trương GDP quý I năm nay có thể đạt con số 5%-5,5%./.

Lê Hương