Tăng cường kiểm soát tránh trục lợi chính sách hỗ trợ

Đa số đại biểu Quốc hội đồng tình và đánh giá cao việc cần thiết ban hành gói chính sách, tuy nhiên, để đảm bảo triển khai hiệu quả cao nhất, các đại biểu đã nêu lên nhiều kiến nghị về đối tượng, điều kiện hỗ trợ, kiểm soát để tránh trục lợi chính sách.

Ngày 07/01,  Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 3, thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. 

Dành phần lớn thời gian trong ngày để thảo luận trực tuyến về Dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đa số đại biểu Quốc hội đồng tình và đánh giá cao việc cần thiết ban hành gói chính sách, tuy nhiên, để đảm bảo triển khai hiệu quả cao nhất, các đại biểu đã nêu lên nhiều kiến nghị về đối tượng, điều kiện hỗ trợ, kiểm soát để tránh trục lợi chính sách.

 Cần bổ sung thêm nhiều nội dung. Thứ nhất là về đối tượng áp dụng chính sách. Thứ hai là về thời hạn hoàn thành. Thứ ba là các quy định cụ thể về trách nhiệm. Thứ tư là các quy định về thẩm quyền. Thứ năm, cần quy định cụ thể lộ trình thanh toán nợ gốc. Cuối cùng, tôi cũng xin kiến nghị cần bổ sung những cam kết về sản phẩm đầu ra gắn với nội dung nghị quyết.

Ngay phát biểu đầu tiên tại phiên thảo luận, nghị trường Quốc hội đã ghi nhận những kiến nghị sâu sắc của đại biểu Quốc hội nhằm đảm bảo triển khai thực chất, có hiệu quả gói chính sách tài khóa tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. 

Từ bài học kinh nghiệm của việc thực thi các chính sách hỗ trợ trước đây, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đoàn Ninh Bình nhấn mạnh, cơ chế, thủ tục trong tiếp nhận nguồn lực hỗ trợ ảnh hưởng lớn đến mức độ hấp thu và hiệu quả của chương trình. Do đó, các điều kiện, thủ tục trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phải đảm bảo không có rào cản; Đồng thời, việc quản trị rủi ro cũng cần được quan tâm sau khi chính sách được ban hành.

Bà Thị Hồng Thanh - Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình: Việc thực hiện gói phục hồi sẽ tác động cả tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế. Tuy nhiên, với việc cung tiền tăng tác động đến tổng cung thường trễ hơn so với tổng cầu, vì vậy giai đoạn đầu có thể sẽ diễn ra lạm phát. Do vậy, tôi đề nghị Chính phủ cần chủ động xây dựng kịch bản và các giải pháp cụ thể phù hợp để ứng phó linh hoạt trong trường hợp nếu xảy ra lạm phát.

Nhiều đại biểu cũng đề nghị, sau khi các chính sách được ban hành, các ngành, các cấp cần chủ động thực hiện ngay và có hiệu quả để đảm bảo sự hỗ trợ kịp thời đối với người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát để không xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách hoặc thiếu sự minh bạch trong tổ chức thực hiện.

Ông Nguyễn Cao Sơn - Đại biểu Quốc hội tỉnh Hoà Bình: Khi thực hiện gói kích thích kinh tế phải đảm bảo phát huy hiệu quả, đặc biệt ở nhóm an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh cần đúng đối tượng, mục tiêu, nội dung gói kích thích, hướng tới tránh phân tán nguồn lực, tránh việc dồn nguồn lực vào các kênh đầu tư không phản ánh thực chất thực tế quy luật cung cầu, quy luật giá trị; đảm bảo ổn định vĩ mô, lạm phát, an ninh tài chính, tiền tệ, nợ công, quản lý dòng tiền, tránh bong bóng bất động sản, chứng khoán, tăng trưởng tín dụng, quản lý nợ xấu.

Bà Đàng Thị Mỹ Hương - Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận: Để đảm bảo điều kiện, cơ chế thực hiện thì đề nghị cần bổ sung quy định về chế độ báo cáo thông tin của Chính phủ, của các bộ, ngành trung ương, của chính quyền địa phương đến đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, đến các đối tượng chịu sự giám sát. Quy định các đối tượng chịu sự giám sát thông tin, báo cáo đến các đối tượng thực hiện giám sát. Cần quy định cụ thể tại dự thảo nghị quyết về việc Chính phủ báo cáo tình hình, tiến độ thực hiện chương trình đến với Quốc hội hàng năm.

Về thời gian, thời lượng và nhịp độ thực hiện của gói hỗ trợ, các đại biểu cũng cho rằng sau khi Nghị quyết được thông qua cần triển khai ngay và chỉ kéo dài tối đa là 2 năm. Việc chốt cứng thời hạn nhằm phản ánh đúng bản chất cốt lõi của gói là để hỗ trợ, phục hồi và để xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành khi triển khai thực hiện.