• 3156 lượt xem
  • 21:15 02/03/2022
  • Kinh tế

Giá cả thị trường tăng cao hơn nhiều so với mức tăng của giá xăng dầu là điều đáng lo ngại

Chỉ số giá tiêu dùng CPI 2 tháng đầu năm 2022 tăng 1,68% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 0,67%. Trong đó, việc giá xăng dầu tăng lần thứ 6 liên tiếp từ đầu năm đến nay, là nguyên nhân chính đẩy CPI 2 tháng đầu năm nay tăng cao, gây áp lực lên lạm phát. Do đó, 3 kịch bản có tính đến giá xăng dầu để kiểm soát lạm phát ở con số đề ra là 4% trong năm nay đã được Bộ Tài chính đề xuất.

Do đó, Cục quản lý giá Bộ Tài chính mới đây đề xuất với Ban chỉ đạo điều hành giá xây dựng 3 kịch bản có tính đến giá xăng dầu. Mục tiêu là để kiểm soát lạm phát ở con số đề ra là 4% trong năm nay.

Ngày 01/03/2022, liên bộ Công thương - Tài chính công bố điều chỉnh giá xăng dầu đối với tất cả các mặt hàng do tác động của việc giá dầu thế giới tăng. Đây cũng mức tăng cao nhất trong 8 năm trở lại đây. Theo đó, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng không quá 26.077 đồng/lít và xăng RON 95 tăng không quá 26.834 đồng/lít. Việc điều chỉnh giá xăng, dầu gần đây đã khiến nhiều mặt hàng điều chỉnh tăng giá theo, và nhiều gia đình buộc phải cân đối lại tài chính và thắt chặt chi trong tiêu dùng hàng ngày.

Chị Hiền, Tiểu thương chợ Hôm:Cái gì cũng tăng, rau cỏ rất đắt, đắt gấp đôi gấp 3… thịt thà cũng lên, ảnh hưởng đến cuộc sống, điện nước cũng tăng, buôn bán kém, chi phí lại lớn hơn.”

PGS. TS. ĐINH TRỌNG THỊNH, Chuyên gia Kinh tế, Học viện Tài Chính:Giá cả trên thị trường thậm chí tăng cao hơn nhiều so với mức tăng của giá xăng dầu, và đây là điều đáng lo ngại, và chúng ta cũng cần phải quan tâm để hoạt động quản lý thị trường đi vào nề nếp, và từ đó làm cho giá cả tăng phù hợp với mức tăng của giá xăng dầu cũng như nguyên vật liệu trong nền kinh tế, từ đó giảm thấp chỉ số CPI.

Chia sẻ với PV THQHVN, đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh đến việc tăng cường công tác giám sát thị trường, thanh tra kiểm tra các mặt hàng thực hiện kê khai giá và niềm yết giá để đảm bảo các doanh nghiệp cung ứng ra thị trường một cách phù hợp.

Ông NGUYỄN ANH TUẤN, Cục trưởng Cục Quản lý giá,Cục Quản lý giá, Bộ Tài Chính:Một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài Chính để làm sao điều hành giá xăng dầu cho nó phù hợp với tình hình giá xăng dầu thế giới và đạt được mục tiêu bình ổn giá cả thị trường trong nước, kiểm soát lạm phát. Một số mặt hàng khác như vật tư y tế cũng phải quản lý theo những quy định của chính phủ cũng như nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có văn bản giao Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Ủy ban Kinh tế và các cơ quan có liên quan thực hiện: Theo dõi, nắm bắt tình hình về sản xuất, nhập khẩu, bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu trong giai đoạn hiện nay và việc bình ổn thị trường xăng dầu trong nước; đồng thời báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả giám sát trong tháng 3.2022.  
 

Như Hiền