Phát hiện, xử lý nhanh, nghiêm minh nhất các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em

Sáng ngày 22/02, tại phiên giải trình về Tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em, các đại biểu đã nêu vấn đề, tập trung làm rõ những nguyên nhân bạo lực trẻ em, trách nhiệm của các cơ quan liên quan từ trung ương đến cơ sở; đồng thời đặt câu hỏi về giải pháp trong thời gian tới để công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em tốt hơn.

Thời gian qua, dư luận xã hội bức xúc và đau lòng trước hàng loạt vụ việc bạo hành trẻ em gây hậu quả rất nghiêm trọng. Bên cạnh đó, nhìn vào số liệu báo cáo của các cơ quan gửi tới Quốc hội, số các vụ việc xâm hại, bạo lực trẻ em tuy đã giảm nhiều so với trước đây nhưng vẫn còn ở mức cao. Nhiều hình thức bạo lực, xâm hại trẻ em hiện vẫn chưa có chế tài đủ nghiêm khắc, còn nhiều trường hợp trẻ em bị bạo lực nhưng chưa được phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý, nhất là các hành vi bạo lực gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho trẻ em. 

Bà NGUYỄN THỊ MAI THOA, ĐBQH tỉnh Hải Dương: “Bộ trưởng đánh giá như thế nào về tính đầy đủ toàn diện, đồng bộ của hệ thống pháp luật bảo vệ trẻ em hiện nay?"

Ông ĐÀO NGỌC DUNG, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội: “Pháp luật liên quan đến vấn đề trẻ em thì Việt Nam tương đối đầy đủ, đồng bộ, hoàn thiện....nhìn chung hệ thống pháp luật của ta đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, một số quyến định về Trẻ em chưa được triển khai kịp thời. Không ít địa phương chưa quan tâm đầy đủ vấn đề này. Khi tiếp nhận tổng đài 111, chỉ có 2 lực lượng: TBXH và công an tiếp nhận nhanh, còn lại rất ngại xử lý.”

Bà NGUYỄN THỊ KIM THÚY, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội: “Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, bạo lực gia đình tăng, đa số là các vụ đa bạo lực, bộ LĐTBXH có giải pháp gì để hạn chế tình hình này?”

Ông ĐÀO NGỌC DUNG, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội: “Có luật quan trọng trong thời gian tới, cần xác định trẻ em là một đối tượng bị tác động nặng nề, một chủ thể thật sự, bị tác động cùng nữ giới. Sẽ tiếp tục với các cơ quan tư pháp xử lý nhanh, kịp thời các vụ việc.”

Các đại biểu cũng đề xuất cần chú trọng việc hoàn thiện các quy định về phòng, chống bạo lực trẻ em trong việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, xem xét sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình. Tiếp tục tăng cường công tác giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trong tình hình mới./.
 

Như Huỳnh