Tại sao không thể xử lý dứt điểm xe tự chế chở hàng cồng kềnh?

Thời gian qua, trên địa bàn TP Hà Nội, bất chấp việc lực lượng chức năng liên tục ra quân xử lý, xe ba bánh tự chế vẫn ngược xuôi khắp đường phố.

Các xe này hoạt động từ ngõ nhỏ đến đường lớn và chạy rầm rộ bất kể khung giờ nào luôn là mối hiểm họa cho người đi đường.

Trong video là hình ảnh về vụ va chạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) vào ngày 8/5 vừa qua. Sau cú va chạm mạnh, phần đầu xe buýt, vô lăng phía trong bị biến dạng. Rất may, tài xế xe buýt thoát nạn. Vụ việc một lần nữa cảnh báo xe ba gác, xe tự chế không đảm bảo an toàn khi chở sắt thép, tôn. 

Còn tại ngã tư Tam Trinh – Minh Khai (quận Hai Bà Trưng), chỉ trong một giờ, lực lượng chức năng đã xử lý hàng loạt phương tiện xe 3 bánh, xe tự chế chở hàng cồng kềnh. Tất cả các xe đều sơ sài, nhiều xe không có gương chiếu hậu, không có đèn pha, đèn phanh. Khi bị lực lượng chức năng dừng xe, kiểm tra, các tài xế đều nhận thức được hành vi của mình gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Anh LÊ KHÁNH TOÀN, người vi phạm: “Lúc đầu, tôi chưa biết lỗi vi phạm. Sau khi được cảnh sát giao thông giải thích thì tôi hiểu và rút kinh nghiệm. Tôi cũng chở do thiếu hiểu biết, vì để kiếm tiền nên kéo xe cồng kềnh. Tôi cũng biết chở cồng kềnh nguy hiểm nhưng do được thuê nên đành phải làm.”

Ông NGUYỄN ANH TÚ, Phường Bồ Đề, quận Gia Lâm, Hà Nội: “Cũng vì cuộc sống, gia đình, tôi khó khăn quá, có xe 3 bánh để đỡ đần vợ con một chút, trang trải cuộc sống. Tôi bệnh binh 72% mất sức nên không làm được việc nặng. Chở thế này ảnh hưởng giao thông nên tôi sẽ rút kinh nghiệm.”

Nghèo khó, không có việc làm ổn định… là lý do các tài xế này đưa ra. Vì mưu sinh - đó vừa là lời biện minh cho vi phạm của họ nhưng cũng là thực tế diễn ra nhiều năm qua, khiến lực lượng chức năng dù đã nhiều lần “mạnh tay” nhưng vẫn chưa xử lý được triệt để tình trạng này.

Nan giải xử lý xe ba bánh, xe tự chế mất an toàn

Dẫu biết rằng vì nhiều lý do mà các tài xế sử dụng xe tự chế để chở hàng. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp lợi dụng hoặc giả danh thương binh để sử dụng xe ba bánh, xe thương binh, tự chế để chở hàng sai quy định, gây hậu quả đáng tiếc khi tham gia giao thông. Theo các chuyên gia, cần có biện pháp mạnh hơn nữa để ngăn chặn những “hung thần” này.

Trước tình trạng xe ba gác tự chế gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, ngày 9/5, UBND TP Hà Nội ban hành văn bản về việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý xe thô sơ, xe cơ giới 3 bánh, xe tự chế, các phương tiện giao thông chở hàng hóa cồng kềnh gây mất trật tự an toàn giao thông.

Từ ngày 11/5 đến ngày 22/5 tới, Công an thành phố Hà Nội tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp xe tự chế chở cồng kềnh, nhất là xe giả danh thương binh, xe đứng tên thương binh nhưng cho thuê, mượn để vận tải hàng hóa.

Thiếu tá ĐINH XUÂN THĂNG, Đội CSGT đường bộ số 14, Phòng CSGT Công an Thành phố Hà Nội: “Đội CSGT số 14 ra quân xử lý các trường hợp vi phạm trên địa bàn, đặc biệt là tuyến trọng điểm Giải Phóng có nhiều người tham gia không chấp hành Luật Giao thông, chở hàng cồng kềnh. Lực lượng chức năng rất kiên quyết xử lý vấn đề chở hàng cồng kềnh, lập biên bản xử lý.”

Thiếu tá VƯƠNG ĐÌNH HUỲNH, Đội CSGT đường bộ số 4, Phòng CSGT Công an Thành phố Hà Nội: “Các hành vi vi phạm nổi cộm là xe mô tô 3 bánh tự chế chở hàng cồng kềnh, gây mất an toàn giao thông. Chúng tôi tập trung xử lý triệt để xe tự chế, không có biển, không giấy phép lái xe. Ngoài ra những xe mô tô chở hàng cồng kềnh, kéo theo xe khác gây mất trật tự giao thông, chúng tôi cũng triệt để xử lý để đảm bảo an toàn giao thông cho người dân.”

Thực tế, ngoài một bộ phận người dân thực sự có thu nhập thấp, thiếu vốn để chuyển đổi phương tiện mưu sinh, có không ít đối tượng cố tình sử dụng xe thô sơ, xe ba gác tự chế, nhất là hộ kinh doanh. Theo quy định tại khoản 3 Điều 17 Nghị định 100 năm 2019 của Chính phủ, phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông. 

Ngoài ra, người điều khiển xe tự chế tham gia giao thông vi phạm còn bị tịch thu phương tiện và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng; nếu gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác có thể bị xử lý hình sự.

Luật sư ĐĂNG VĂN CƯỜNG, Văn phòng luật sư Chính Pháp: “Thời gian tới, cơ quan chức năng cần có biện pháp phát hiện, xử lý những trường hợp sử dụng xe tự chế tham gia giao thông để đảm bảo cảnh quan, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông và vụ việc đáng tiếc. Những thương binh, bệnh binh dùng những xe như vậy để di chuyển cần có sự kiểm tra, kiểm định của cơ quan chức năng. Còn những người giả danh để sử dụng xe tự chế thì phải có biện pháp xử lý răn đe hơn nữa.”

Quy định của pháp luật đã có, bên cạnh hoạt động kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng, người dân cần nâng cao ý thức khi tham gia giao thông, đảm bảo an toàn cho chính mình và người xung quanh.

Hà Lan