Sửa luật nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra

Chiều 18/4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Luật Thanh tra năm 2010 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc hoàn thiện tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phòng, chống tham nhũng. 

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, Luật Thanh tra năm 2010 bộc lộ hạn chế, khó khăn, vướng mắc như: vị trí, vai trò và chức năng, quyền hạn của các cơ quan thanh tra nhà nước chưa phù hợp, chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao; còn có sự chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động với kiểm toán Nhà nước và cơ quan thanh tra; thiếu cơ chế pháp lý tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư nguồn lực cho hoạt động thanh tra tại các bộ, ngành ... 

Do vậy, việc sửa đổi toàn diện Luật Thanh tra là cần thiết nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng liên quan đến công tác thanh tra; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013; khắc phục những bất cập, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Thanh tra; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. 

Báo cáo thẩm tra cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành việc không tổ chức cơ quan thanh tra cấp huyện. Về hệ thống cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực, báo cáo đề nghị thực hiện nguyên tắc cơ quan bộ chỉ tổ chức một cơ quan thanh tra chuyên ngành đối với mỗi ngành, lĩnh vực. Theo đó, nếu Tổng cục, Cục thuộc Bộ được thành lập cơ quan thanh tra thì đây chính là cơ quan thanh tra của bộ về chuyên ngành. Thanh tra bộ chỉ thực hiện thanh tra chuyên ngành đối với ngành, lĩnh vực mà ở tổng cục, cục không thành lập cơ quan thanh tra.

Thường trực Uỷ ban Pháp luật đề nghị nghiên cứu quy định, tiêu chí thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành tại các cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan khác của Nhà nước, trong đó cần xác định tiêu chí quan trọng là cơ quan đó được pháp luật giao thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành; đồng thời, quy định cụ thể “cơ quan khác” được thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành; rà soát để chỉnh lý các quy định có liên quan, bảo đảm tính thống nhất nội tại của dự thảo luật.

Diệu Huyền