Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: Cần chấm dứt sở hữu chéo

Điểm danh các sai phạm lớn xảy ra trong thực tế thời gian qua như vụ án Vạn Thịnh Phát, đại biểu Quốc hội cho rằng, sở hữu chéo để lại hệ lụy rất nặng nề cho nền kinh tế. Dù Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành đã có quy định, các ngân hàng không được phép cho cổ đông của mình vay vốn.

Nhưng thực tế bằng các nghiệp vụ tín dụng, ngân hàng hoàn toàn có thể cho vay đối với các công ty, doanh nghiệp con của những cổ đông này. Và để chặt đứt “cho vay sân sau, sở hữu chéo”, thì cần thiết kế các quy định chặt chẽ hơn nữa trong lần sửa Luật các Tổ chức tín dụng này.

Đưa ra tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa, là cách mà cơ quan soạn thảo luật đề cập để ngăn chặn sở hữu chéo. Cụ thể, dự án luật giảm tất cả tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của ngân hàng của 1 cá nhân từ mức 5% hiện nay xuống còn 3%. Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% (so với luật hiện hành là 15%), của nhóm cổ đông và người liên quan cũng được đề xuất giảm từ 20% xuống 15%.

Đồng tình với việc cần giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần ngân hàng, tuy nhiên đại biểu nhấn mạnh, quy định này vẫn là chưa đủ. Cần nghiên cứu mở rộng đối tượng công bố thông tin với các cổ đông và nhóm người có liên quan sở hữu từ 1% vốn điều lệ.

Cho rằng tình trạng sở hữu chéo ngân hàng là lực cản của phát triển lành mạnh hệ thống, đại biểu kiến nghị các biện pháp khi sửa luật. Thứ nhất là tăng trách nhiệm của cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng - có thể điều tra về gian lận trong sở hữu tỷ lệ cổ phần để phòng ngừa. Thứ hai, cũng cần rà soát để thống nhất với các luật khác. Về sở hữu chéo, dự án luật mới chỉ đề cập đến các quy định để hạn chế.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh cần phải quy định đủ mạnh để chấm dứt triệt để tình trạng này.

Theo Chủ tịch Quốc hội, mô hình tổ chức như tập đoàn tài chính hoặc công ty mẹ con - với công ty mẹ hoặc 1 công ty thành viên là tổ chức tín dụng đã hình thành nhưng hiện vẫn chưa có luật về tập đoàn tài chính. Trước thực tế này, cơ quan soạn thảo cần đánh giá kỹ để xây dựng các quy định phù hợp và chặt chẽ hơn. 

Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi chương trình!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam