Sửa đổi Luật để xử lý trường hợp khen thưởng nhầm, khen thưởng sai

Tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến lần đầu đối với dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Có nên bổ sung hình thức tặng thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” và xử phạt, thu hồi đối với các danh hiệu khen thưởng là tập thể khi xảy ra sai phạm là những nội dung còn nhiều ý kiến.

Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận bằng hình thức trực tuyến tại đợt một Kỳ họp thứ Hai vừa qua. Một trong các nội dung còn ý kiến khác nhau trong dự thảo luật là nên hay không nên tặng thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” cho Thanh niên xung phong (TNXP) hoàn thành nhiệm vụ các thời kỳ kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, cần xem xét, chỉnh sửa việc xử  phạt, thu hồi đối với các danh hiệu khen thưởng là tập thể khi xảy ra sai phạm; giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) đề nghị bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm.

Theo Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam, hiện đã có 43 tập thể và 40 cá nhân được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng cho các cựu TNXP có thành tích và thời gian tham gia từ 7 năm trở lên, còn các cựu TNXP tham gia dưới 7 năm đều chưa được khen thưởng. 

Ông VŨ TRỌNG KIM - Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên Xung phong Việt Nam: “bây giờ những người tham gia kháng chiến chống Pháp trên 90 tuổi cả rồi và nhiều đồng chí đã ra đi. Họ mong muốn được nhận vinh dự đó của Nhà nước. Đó là sự công nhận chưa nói là tri ân mà chỉ cần xác nhận họ đi thanh niên xung phong và đó là minh chứng để cho xã hội cũng như con cháu coi đó là tấm gương của những người xung phong tình nguyện.” 

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng chưa đủ điều kiện để bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” vào dự án Luật trong lần sửa đổi này vì đã có những hình thức khen thưởng chung đối với những người tham gia kháng chiến, trong đó bao gồm cả lực lượng TNXP. 

Ông ĐẶNG THUẦN PHONG - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội: “Vấn đề không lý giải được thì sẽ khó thực hiện. Làm chính sách mà đại trà thì giá trị tiêu biểu ở đâu, còn vẻ vang ở đâu. Vấn đề này cần đặt ra để cân nhắc và phải nghiên cứu thêm, tính toán một cách kỹ càng, đề không bỏ xót ai nhưng cũng không phải đại trà ảnh hưởng đến kết quả chung.”

Một vấn đề cũng được dư luận quan tâm trong dự Luật là công tác thu hồi, xử phạt đối với trường hợp khen thưởng “nhầm”. Mà gần đây nhất là vụ việc của Công ty CP Công nghệ Việt Á được tặng Huân chương Lao động hạng Ba nhưng mới bị Bộ Công an khởi tố vụ án hình sự.

ÔNG TRƯƠNG XUÂN CỪ - Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam: “Trong quy định luật này phải ghi rõ xử lý vi phạm chính sách, vi phạm pháp luật thì phải xử lý ngay, nhất là các vi phạm xảy ra trong giai đoạn đề nghị khen thưởng, thì cần xử lý xem xét các danh hiệu thi đua đã được phong tặng, xem xét xử lý những đơn vị cá nhân làm thủ tục đề nghị phong tặng".

Ông PHẠM HUY GIANG - Trưởng Ban Thi đua khen thưởng Trung ương: “Chúng ta chưa có quy định thu hồi quyết định khen thưởng đối với tập thể. Kỳ này chúng tôi tiếp tục đề xuất Quốc hội xem xét sửa đổi đặc biệt là xử lý vi phạm sau khi được khen thưởng.”

Một số ý kiến đề nghị, sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng lần này cần quy định trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu trong khâu phát hiện, đánh giá thành tích, lập hồ sơ và chịu trách nhiệm về quyết định khen thưởng, cũng như giải quyết vướng mắc pháp lý khi thu hồi các hình thức khen thưởng.
 

Anh Tuấn