Luật Thi hành án dân sự: Sửa để đẩy nhanh thu hồi tài sản án kinh tế

Đối với Dự thảo Luật Thi hành án Dân sự (sửa đổi), Theo Luật hiện hành, Cơ quan Thi hành án Dân sự ban đầu, được ủy thác thi hành án đến đơn vị ở địa bàn khác thực hiện, nếu tài sản của đương sự có ở đó. Tuy nhiên việc này không hiệu quả, dẫn đến khó thu hồi tài sản, gây thất thoát lớn.

Khu đất hoang này là dự án Bệnh viện Đa Khoa Phú Mỹ hơn 4.000 tỷ đồng, là một trong số những tài sản phải thu hồi từ phiên tòa xử vụ nữ đại gia Hứa Thị Phấn. Sau các phiên tòa, sẽ phải thi hành gần 26.500 tỷ đồng gồm tài sản bảo đảm 393 bất động sản, 212 xe ô tô và hàng triệu cổ phiếu. Thông thường, thời gian xử lý xong hết một tài sản kéo dài ít nhất 6 tháng nếu như có sự phối hợp thuận lợi giữa các cơ quan chức năng cho việc xác minh, kiểm tra hiện trạng tài sản để thẩm định giá và bán đấu giá tài sản. Nhưng, tài sản bất minh của những bị cáo này thưởng ở nhiều nơi, nhiều địa phương, thậm chí ở nước ngoài. Nếu phối hợp giữa các cơ quan chức năng không tốt, lại thêm đương sự khiếu nại, tố cáo…việc thi hành án sẽ kéo dài vài ba năm.

Ông Trần Văn Dũng - Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 2, Tổng cục Thi hành án Dân sự: “Các tài sản của các bị can, bị cáo có thể trên nhiều địa bàn khác nhau. Do đó, để thu hồi được tài sản mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng rõ ràng chúng ta phải thừa nhận là tỷ lệ thu hồi tài sản nhất là những vụ án lớn quả thực còn thấp”.

Theo Luật thi hành án Dân sự như hiện nay là xử lý xong các tài sản ở địa bàn cơ quan thi hành án thụ lý ban đầu, mới được tiếp tục xử lý tài sản ở địa bàn khác thông qua hình thức ủy thác thực hiện. Thực chất, cơ chế ủy thác hiện hành có tính chất cắt khúc vì Cơ quan ủy thác không tiếp tục theo dõi quá trình và kết quả ủy thác sau này. Cơ quan nhận ủy thác cũng không có nghĩa vụ báo cáo kết quả cho cơ quan đã ủy thác, nên không rõ đầu mối trong việc xử lý, thi hành bản án, quyết định của Tòa án, nhất là theo dõi quá trình thi hành án đến khi kết thúc. Việc sửa đổi, bổ sung các điều 55- 56 và 57 của Luật Thi hành án Dân sự hiện hành, là để khắc phục câu chuyện này. Vấn đề ở chất lượng sửa đổi.

Bà Trần Thị Phương Hoa - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án Dân sự, Bộ Tư pháp: “Cùng một thời điểm có thể ử lý nhiều tài sản khác nhau ở nhiều địa phương khác nhau. Như thế sẽ đẩy nhanh tiến độ thu hồi tài sản và cũng làm hạn chế các tài sản xuống cấp, lấn chiếm đối với tài sản là đất đai chẳng hạn”.

Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI, Hà Nội: Đầu tiên chúng ta phải hình dung trách nhiệm của cơ quan ủy thác ấy cũng là phần việc như là đầu mối chính. Thứ 2 chúng ta phải quy định rất là rõ cái quy trình, thời hạn, trách nhiệm của các cơ quan nhận quỷ thác. Còn bây giờ nó vướng như thế này: bản thân cơ quan Thi hành án cũng k có quy định rõ về trách nhiệm, về thời hạn, mà gần như là làm đến đâu, tháo gỡ được đến đâu thì báo cáo, triển khai đến đấy.

Việc bổ sung cơ chế ủy thác xử lý tài sản vào Dự thảo Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi), là để cơ quan Thi hành án dân sự nơi thụ lý ban đầu chủ động xử lý tài sản trên địa bàn của mình, vừa ủy thác luôn cho đồng nghiệp nơi có tài sản để thi hành. Kết quả xử lý tài sản ủy thác, được chuyển lại cho cơ quan đã ra quyết định ủy thác sau khi trừ đi chi phí theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.

Bà Trần Thị Phương Hoa - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thi hành án Dân sự, Bộ Tư pháp: “Chúng tôi đã thiết kế điều 57 của Dự thảo Luật Thi hành án dân sự trong đó quy định việc chế độ báo cáo, cập nhật, theo dõi đối với cơ quan ủy thác đi và chế độ thông tin của cơ quan nhận xử lý ủy thác tài sản cho cơ quan ủy thác, tức là 1 chế định được chúng tôi quy định chặt chẽ trong việc xử lý tài sản…”.

Bổ sung cơ chế ủy thác xử lý tài sản như Dự thảo Luật, thực chất là cho phép cơ quan Thi hành án dân sự nơi thụ lý ban đầu tránh thu quá nghĩa vụ phải thực hiện, chủ động xử lý tài sản trên địa bàn, vừa ủy thác luôn cho các cơ quan Thi hành án dân sự nơi khác thi hành.

3 tháng qua, đã thu hồi được 5.000 tỷ đồng từ những vụ án tham nhũng-thất thoát lớn, nhiều hơn cả năm 2021. Nếu Dự thảo Luật Thi hành án Dân sự (sửa đổi) thuyết phục được các đại biểu Quốc hội, hy vọng tỷ lệ thu hồi tài sản từ các vụ án tham nhũng, thất thoát lớn sẽ nhanh hơn.