Sự thật đằng sau tranh chấp giữa doanh nghiệp với cơ sở tôn giáo tại Lâm Đồng

Trước các thông tin phản ánh về vụ việc tranh chấp đất đai, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của đơn vị doanh nghiệp và một cơ sở tôn giáo trên địa bàn thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng. Nhóm phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã vào cuộc tìm hiểu, xác minh từ cơ quan chức năng và phát hiện nhiều sự thật bất ngờ.

Đây là cơ sở với tên gọi chùa Dược Sư có quy mô hàng ngàn mét vuông được xây dựng tại tổ dân phố 1, thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng 

Còn đây là bảng hiệu được dựng trước tòa nhà chánh điện với tên gọi “Chùa Dược Sư” 

Bên trong là hoạt động của hàng chục ni cô 

Trực tiếp trao đổi với Phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam, ni cô Nhuận Đức là người đại diện cho biết, đây là cơ sở của chùa Dược Sư có địa chỉ ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng và đã được sự giới thiệu của Ban trị sự Giáo hội phật giáo huyện Đức Trọng cũng như Ban trị sự Giáo hội phật giáo tỉnh Lâm Đồng để sinh hoạt, canh tác. 

Ni cô NHUẬN ĐỨC, Đại diện chùa Dược Sư tại thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng: “Thửa đất 200, 201 là cơ sở phụ của chùa Dược Sư do ni sư Vĩnh Lạc, thế danh Nguyễn Thị Tương là người đứng tên, đại diện nhà chùa và hiện tại có 57 cô đang sinh hoạt tại cơ sở, đã được Ban trị sự huyện Đức Trọng và Ban trị sự  phật giáo tỉnh Lâm Đồng giới thiệu xuống đây để các cô sinh hoạt, canh tác.

Điều đáng nói khi tìm hiểu tại các cơ quan chức năng thì được biết đây chưa phải là cơ sở tôn giáo và cũng chưa được cấp phép hoạt động. 

Ông NGÔ VĂN ĐỨC, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng: “Đây không phải là cơ sở tôn giáo hợp pháp, năm 2011 đất này của bà Nguyễn Thị Điểm sang nhượng, hiến tặng cho bà Tương là sư cô Vĩnh Lạc đến đây để sản xuất, ở. Trong quá trình đó, sau này phát triển thêm, đưa một số sư cô về đây. Quá trình hình thành cơ sở này là tự xây dựng lên một số công trình mang tính cá nhân và mang tổ chức tôn giáo trái pháp luật, chưa được công nhận là cơ sở thừa tự hợp pháp. Về vấn đề này, nếu nói để hoạt động tôn giáo, thì đây là chùa chưa được công nhận, chưa hợp pháp mà đặt tên chùa Dược Sư càng không đúng với tinh thần giáo hội của Nhà nước.”

Đại đức THÍCH NHƯ KIÊN, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội phật giáo huyện Đạ Huoai, trụ trì chùa Phước Lạc:Trên địa bàn không có chùa Dược Sư hay Dược Sư 2 trên địa bàn huyện Đạ Huoai. Đây là mảnh đất của bà Nguyễn Thị Tương dùng để sản xuất nông nghiệp, việc tập trung sinh hoạt tôn giáo tại mảnh đất này là không đúng với pháp luật nhà nước cũng như Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.”

Còn theo lãnh đạo thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng thì năm 2012 chính quyền nơi đây có cấp phép cho nơi này xây dựng nhà ở cá nhân chứ không phải nơi hoạt động tôn giáo. Ngoài ra, cơ sở này cũng đã xây dựng nhiều hạng mục, công trình không phép và sử dụng đất sai mục đích.

Ông Đặng Văn Chinh, Chủ tịch UBND thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng: “Thực tế hiện trạng thửa đất 201 là của bà Nguyễn Thị Tương, trên đó có công trình xây dựng nhà ở trên đó, được cấp phép từ năm 2012, nhưng cấp phép là phép xây dựng nhà ở tư nhân. Trong quá trình sử dụng có xây dựng cơi nới thêm, phía địa phương đã xử lý, xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực sử đụng đất đai và lĩnh vực xây dựng và yêu cầu các biện pháp khắc phục hậu quả, trong đó, yêu cầu chuyển đổi mục đích đất ở trên mảnh đất đó.”

Việc xây dựng rồi tự đặt tên chùa Dược Sư tại thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai là trái quy định. Đề nghị chính quyền huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng cần vào cuộc xử lý dứt điểm để tránh sự ngộ nhận, hiểu lầm cho phật tử, người dân.

Nguyễn Minh