Sơn La: Nhiều tuyến đường sạt lở, thiệt hại hàng chục tỷ đồng

Tại tỉnh Sơn La mưa lớn trong mấy ngày vừa qua đã gây nhiều thiệt hại về nông nghiệp cũng như các cơ sở hạ tầng giao thông, trường học. Tình trạng sạt lở đất đá khiến nhiều tuyến đường bị tắc nghẽn cục bộ trong nhiều giờ. Hiện tại địa phương này đang khẩn trương huy động, nhân lực, máy móc để khắc phục hậu quả mưa lũ, đảm bảo thông đường tạm thời.

Cùng với quốc lộ 6 thì quốc lộ 37 là 1 trong 2 con đường huyết mạch để nối các tỉnh miền xuôi lên Sơn La; Điện Biên. Những ngày gần đây do ảnh của mưa lũ, tình trạng sạt lở đất đá diễn ra khá phổ biến. Chỉ riêng quốc lộ 37 đoạn qua huyện Bắc Yên và Phù Yên đã có tới 50 điểm sạt lở lớn nhỏ với khối lượng lên đến 10.000 mét khối.

Quốc lộ 37 đoạn qua 2 huyện Bắc Yên; Phù Yên dài khoảng 60 km. Đây là đoạn đường vốn dĩ rất khó di chuyển vì đèo dốc quanh co. Sau mỗi trận mưa lớn, tình trạng sạt lở cả ta-luy dương và ta-luy âm lại diễn ra gây ách tách giao thông và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

Anh TRỊNH TIẾN DẬU, Tài xế đến từ tỉnh Phú Thọ: “Chúng tôi đi qua con đường quốc lộ 37 này thường xuyên gặp tình trạng sạt lở nên đi lại gặp nhiều khó khăn, với lại rất nguy hiểm đối với tài xế khi di chuyển trên con đường này nên rất mong các cơ quan chức năng sớm dọn dẹp hết đất đá sạt lở để anh em chúng tôi đi lại cho thoải mái, thuận tiện”.

Tình trạng sạt lở đất đá không chỉ gây thiệt hại về hệ thống hạ tầng giao thông mà ngay cả tài sản của người dân sinh sống ven quốc lộ cũng bị phá hủy khá nhiều.

Anh TRÁNG A LÂU, Bản Ba Nó, xã Tạ Khoa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La: “Nhà tôi phải lấy nước từ suối xa về dùng. Mấy hôm nay mưa lớn, đất đá vùi lấp và làm hỏng ống dẫn nước nên hôm nay tôi phải ra đây sửa lại.”

Nhằm đảm bảo giao thông, giải quyết những điểm ách tách, lực lượng chức năng đã liên tục huy động nhân lực, máy móc, trang thiết bị để san gạt di chuyển khối lượng đất đá khỏi vị trí sạt lở. Do địa hình phức tạp, thời tiết không thuận lợi trong mấy ngày qua nên việc khắc phục đường xá gặp nhiều khó khăn.

Ông NGUYỄN VĂN LỢI, Phó ban quản lý bảo trì đường bộ- Sở Giao thông vận tải tỉnh Sơn La: “Cái khó khăn cơ bản nhất là do thiên tai bất ngờ xảy ra. Có những vị trí xung yếu mình đã bố trí máy móc thiết bị nhưng bên cạnh đó là do địa hình miền núi bị chia cắt nhiều thì cũng xảy ra những điểm sạt lở bất ngờ hoặc những tình huống mình chưa lường hết. Khi xảy ra những tình huống đó thì mình huy động lực lượng thiết bị sẽ mất thời gian kéo dài hơn và nó cũng ảnh hưởng đến việc đảm bảo giao thông. Hai nữa là mưa bão thường xuyên xảy ra trong đêm nên việc huy động máy móc con người rất vất vả”.

Ông CAO VIẾT THỊNH, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp nông thôn tỉnh Sơn La: “Tỉnh Sơn La đã chỉ đạo khẩn cấp tới các ngành sử dụng tốt phương châm 4 tại chỗ, sử dụng ngay nhóm thiết bị để khắc phục ngay những tuyến đường giao thông để đảm bảo thông suốt cho bà con đi lại. Huy động lực lượng tại chỗ để giúp đỡ bà con khắc phục thiên tai”.

Theo thống kê sơ bộ của ngành giao thông vận tải tỉnh Sơn La từ ngày 1 tháng 9 đến nay trên địa bàn đã bị sạt lở ta-luy dương, sa bồi mặt đường, cỗng, rãnh trên 30 nghìn mét khối đất đá. Trên 6000 vị trí ta-luy dương bị sạt lở. Gần 200 mét đường bị sạt lở ta-luy âm. Ngoài ra có khoảng 6.500 mét xói lề đường, sình lún mặt đường, hư hỏng nhiều cống, rãnh thoát nước. Ước tính thiệt hại ban đầu gần 10 tỷ đồng.

Sơn Nam