Sơn La: Chị em phụ nữ dân tộc làm giàu từ đặc sản vùng biên

Vùng biên vốn chỉ có nắng gió và cái nghèo khó đeo bám. Không cam tâm chịu mãi đói nghèo, năm 2019, 50 chị em phụ nữ trên địa bàn xã Tân Xuân cùng nhau thành lập Hợp tác xã để sản xuất các sản phẩm địa phương theo hướng an toàn VietGap. Cây măng – từ chỗ là sản phẩm thông thường đã thay áo mới góp phần nâng cao giá trị nông sản và tăng thu nhập cho chị em phụ nữ.

Nhận thấy, sản phẩm chủ lực ở vùng biên là cây măng nứa, chị em phụ nữ trong  Hợp tác xã đã đi học hỏi, tìm hiểu và được tập huấn kỹ thuật. Với việc mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị, nhà xưởng, trung bình mỗi ngày,  Hợp tác xã  chế biến khoảng 2 tấn măng. Sản phẩm đều được công nhận đạt OCOP 4 sao. 

Chị CAO THỊ TÂM - Giám đốc HTX Nông nghiệp Trung tâm Tân Xuân 269, xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La : "Từ khi thành lập hợp tác xã, chúng tôi đã mở rộng và có nhiều chị em phụ nữ tham gia. Tôi mong làm sao sản phẩm chế biến được ra được cao hơn, giúp chị em phụ nữ vùng xâu vùng xa thu nhập ổn định, xóa đói giảm nghèo."

Tham gia vào hợp tác xã, chị em được tập huấn sử dụng mạng xã hội để bán hàng trực tuyến,  tìm kiếm thị trường. Để chủ động nguồn nguyên liệu,  Hợp tác xã  đã nhân rộng diện tích vườn ươm giống măng tre.

Chị Hà Thị CÚC - Phó Giám đốc HTX sản xuất và chế biến măng sạch Tân Xuân, huyện Vân Hồ, Sơn La: "Ngày đầu thành lập chị em cũng rất bỡ ngỡ và gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên sau khi tham gia các lớp tập huấn và tìm tòi học hỏi chị em cũng đã biết cách khai thác  măng từ vùng tự nhiên sản xuất và đóng gói."

Chị HÀ THỊ YẾN - HTX sản xuất và chế biến măng sạch Tân Xuân, huyện Vân Hồ, Sơn La: "Từ khi tôi tham gia hợp tác xã  tôi cảm thấy bản thân tự tin và năng động hơn, thu nhập của hợp tác xã cũng đem lại lợi nhuận để tôi có thể có tiền ăn, tiền học cho các con."

Chị ĐINH THỊ TUYỀN – Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ, Sơn La: Trong thời gian vừa qua, Hội Liên hiệp phụ nữ xã cũng đã tuyên truyền, vận động chị em thực hiện phát triển kinh tế xã hội cùng với hạnh phúc gia đình. Hiện nay trong xã có các chị em làm chủ các Tổ hợp  tác, Hợp tác xã đã thu hút được rất nhiều thành viên chị em tham gia. Qua các Tổ hợp tác, Hợp tác xã đã nâng cao được vị thế của chị em và phát triển được kinh tế của gia đình.”

Từ những người phụ nữ ít va chạm, chỉ quen với ruộng nương và lối sản xuất truyền thống, thì giờ đây, chị em ở vùng biên Tân Xuân đã mạnh dạn tham gia phát triển kinh tế, khẳng định giá trị của bản thân, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc. Họ thật xứng đáng là những người phụ nữ “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”.

Thúy Hà