Sớm triển khai gói hỗ trợ cơ sở giáo dục và giáo viên ngoài công lập để khôi phục hoạt động dạy học

Chiều 25/02, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức Phiên giải trình về nội dung: “Dạy học trong bối cảnh Covid-19”. Lãnh đạo các Bộ, ngành đã trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về việc đánh giá những thách thức, khó khăn trong việc đưa học sinh trở lại trường ở các địa phương; giải pháp bảo đảm an toàn, phòng, chống dịch Covid-19 và việc tiêm vaccine cho trẻ dưới 12 tuổi...

Phát biểu kết luận phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đánh giá cao Phiên giải trình diễn ra sôi nổi, nghiêm túc; đi thẳng vào những vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm. Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, Chính phủ, các bộ ngành đã đưa ra nhiều giải pháp và quyết liệt trong triển khai công tác phòng chống dịch COVID-19 nói chung và thực hiện chủ trương mở cửa trường học an toàn, thích ứng với tình hình thực tiễn

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, việc sớm mở cửa lại trường học là một yêu cầu cần thiết. Tuy nhiên, để mở cửa lại trường học an toàn còn có nhiều vấn đề đặt ra như: việc bảo đảm an toàn, sức khỏe cho đội ngũ nhà giáo và người học; việc bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục; việc bổ sung kiến thức cho học sinh để bảo đảm chất lượng giáo dục… 

Ông NGUYỄN ĐẮC VINH, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục: “Tác động của đại dịch COVID-19 làm gia tăng nguy cơ mất công bằng trong tiếp cận với giáo dục. Học sinh nghèo thiếu thiết bị học tập, có nguy cơ bỏ học. Hậu quả của việc nhiễm COVID-19 và việc kéo dài thời gian học trực tuyến đã ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần của giáo viên và học sinh, nhất là những trường hợp mấy người thân trong đại dịch..nếu không khắc phục kịp thời sẽ để lại hệ lụy lâu dài, tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và ảnh hưởng đến khả năng phát triển toàn diện của học sinh”. 

Trên cơ sở các nội dung phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Chính phủ, các bộ ngành quan tâm một số vấn đề như: sớm quan tâm triển khai bổ sung các gói hỗ trợ cho cơ sở giáo dục ngoài công lập, giáo viên ngoài công lập để tạo điều kiện khôi phục hoạt động dạy học trong tình hình mới. Tăng cường đầu tư hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, đường truyền internet, phương tiện, điều kiện học tập của học sinh để bảo đảm triển khai hiệu quả phương thức dạy học trực tuyến trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp; từng bước chuyển đổi số trong giáo dục. Các địa phương cần có chỉ đạo thống nhất, hoàn thiện các phương án tổ chức dạy học bảo đảm an toàn, linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, cơ sở giáo dục. 

Ông NGUYỄN ĐẮC VINH, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục: “Ngành giáo dục cần chỉ đạo các cơ sở giáo dục bồi dưỡng, gia cố kiến thức cho học sinh, khắc phục những hạn chế bất cập trong thời gian học trực tuyến; chú trọng công tác tư vấn học đường để hỗ trợ học sinh sớm hòa nhập, trở lại trạng thái bình thường sau thời gian dài học trực tuyến; có kế hoạch học cập nhật, bổ sung kiến thức miễn phí cho học sinh.” 

Sau Phiên giải trình này, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội sẽ có kết luận Phiên giải trình, gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan, làm cơ sở để tiếp tục giám sát việc thực hiện hoạt động dạy học trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và vấn đề giải quyết bài toán biên chế nhà giáo cũng như việc triển khai chính sách nhà giáo./.

Phan Hằng