Sau ly hôn, bố đánh đập, ngược đãi con thì có đưa vào Luật Phòng, chống bạo lực gia đình không?

Nhận diện hành vi bạo lực gia đình tiếp tục là một trong những nội dung nhận được sự quan tâm thảo luận tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) sáng 16/8.

Nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về quy định tại Điều 3 dự thảo luật về các hành vi bạo lực gia đình; đồng thời đề nghị, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo phối hợp rà soát thêm các quy định về hành vi bạo lực gia đình, tránh bỏ sót hành vi bạo lực gia đình.

Ông NGUYỄN PHÚ CƯỜNG, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách: “Kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính. Nhiều ý kiến nói ở nước ngoài phong tục khác, mặc dù vợ chồng nhưng không thể biết và không thể kiểm soát được thu nhập lẫn nhau, chồng có tài khoản riêng, vợ có tài khoản riêng. Còn riêng ở Việt Nam, vợ chồng có là tài khoản chung, thậm chí vợ lấy luôn ATM của chồng nữa, vì vậy có bị bạo lực gia đình hay không? Đây là những thực tế đặt ra để cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tính toán.” 

Ông NGUYỄN VĂN HÙNG, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: “Nếu đi vào thực tiễn từng vụ việc để cố gắng khu trú lại hành vi thì quả thực rất khó, cho nên cơ quan soạn thảo chúng tôi đã cố gắng phân ra làm 4 nhóm và nhận diện ra thành 16 biểu hiện. Đến nay cơ bản chúng ta cũng đã bao quát được, không hết nhưng ít nhất bao quát hết được tình hình, diễn tiến trong 4 nhóm lĩnh vực đó. Đặc biệt là nhận diện sâu hơn một chút về lĩnh vực bạo lực về tinh thần, cũng mong Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét chấp thuận cho nội dung này.” 

Bà LÊ THỊ NGA, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư Pháp của Quốc hội: “Những thành viên đã ly hôn này thì dự thảo luật cũng không quy định thể hiện rõ những người này có chung sống với nhau trong cùng một gia đình hay không. Nếu họ không cùng chung sống trong một gia đình thì phạm vi này rộng và chưa phù hợp với thực tiễn. Chúng tôi đề nghị cân nhắc rất kỹ. Nếu đối với thành viên đã ly hôn mà vẫn xác định có hành vi bạo lực thì chỉ trong một số trường hợp nào đó. Chúng tôi đề nghị vẫn phải cân nhắc kỹ mở rộng phạm vi này.” 

Ông NGUYỄN VĂN HÙNG, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: “Đối tượng những người đã ly thân, ly hôn và các đối tượng khác, việc này vì sao phải đưa vào luật, vì trong thực tiễn cuộc sống đang đặt ra mà luật phải đáp ứng được yêu cầu thực tiễn cuộc sống nó đang còn đòi hỏi như thế. Mặc dù đã ly hôn rồi, trách nhiệm của anh đã được giao rồi nhưng anh không làm, thì bây giờ anh phải có chế tài cụ thể và coi như khép vào hành vi đó. Hoặc kể cả có những lúc anh làm rồi nhưng vì là con anh, anh gọi về, anh đánh đập và ngược đãi nó, đấy cũng là một hành vi nằm trong vấn đề đó.” 

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Xã hội tiếp tục phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan có liên quan tiếp thu đầy đủ, thấu đáo ý kiến để chỉnh lý dự án luật, báo cáo giải trình, tiếp thu đảm bảo chất lượng để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4. 

Quang Sỹ