Sau hơn nửa năm thực hiện chính sách hỗ trợ do Covid-19, các địa phương vẫn gặp khó

Việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động ở khu vực Đông Bắc Bộ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 vẫn còn gặp những vướng mắc nhất định trong triển khai thực hiện như thực hiện đào tạo nghề hay chi trả cho người lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Chính phủ cần rà soát lại những vấn đề này để giảm áp lực cho địa phương.

Đây là đề xuất của các đại biểu tại hội thảo “Tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động ở khu vực Đông Bắc Bộ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19” do Uỷ ban Xã hội phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn tổ chức sáng 22/4 tại Lạng Sơn.

Các đại biểu đánh giá cao việc Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã có những chính sách kịp thời hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động cả nước, trong đó có vùng Đông Bắc Bộ vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch Covid - 19 vừa qua. Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng, việc xác lập hồ sơ hỗ trợ thời gian đầu còn chậm, nhất là tại cấp huyện, xã dẫn đến việc chi trả chậm. Ngoài ra, việc hỗ trợ đào tạo nghề cho doanh nghiệp cũng khó khăn không thực hiện được 

Bà PHẠM THỊ MINH XUÂN, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang: “Tuyên Quang có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho doanh nghiệp. Do có một số địa bàn có số lượng doanh nghiệp, quy mô doanh nghiệp không lớn nên chính sách này - chính sách duy nhất không thực hiện được. Chúng tôi kiến nghị chuyển sang chính sách phục hồi sau Covid-19 hoặc chính sách hỗ trợ phòng chống dịch bệnh… sẽ phù hợp hơn tại các tỉnh có điều kiện kinh tế khó khăn.“

Bên cạnh đó, tại một số tỉnh do kinh phí ngân sách địa phương khó khăn, do tác động của dịch bệnh không quá nặng nề nên không ban hành chính sách hỗ trợ lao động tự do.

Bà NGUYỄN THỊ HỒNG LÂM, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Thọ: “Về lao động tự do, vấn đề là xác định thế nào là lao động tự do. Dưới cơ sở rất lúng túng không biết thế nào là lao động tự do, Việc xác định là tương đối khó khăn. 

Vướng mắc về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao đồng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 116 của Chính phủ cũng đang là vấn đề mà một số tỉnh gặp phải.

Ông TRẦN VĂN TUẤN, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang: “Tại Bắc Giang, tính đến ngày 31/3/2022 còn khoảng 3.928 trường hợp đề nghị nhận trợ cấp theo gói này, với số tiền 10,5 tỉ đồng nhưng chưa nhận được do cấp kinh phí bổ sung. Đáng chú ý, trong số đó, Bắc Giang đã phê duyệt 2.746 người với kinh phí cần chi trả 7,8 tỉ đồng. Đề nghị trong thời gian tới, Chính phủ, bộ ngành trung ương cần quan tâm đến cái này, với Bắc Giang đây đang là áp lực rất lớn”.

Tại hội thảo, các đại biểu kiến nghị cần tập trung triển khai các giải pháp về phát triển thị trường lao động, việc làm và đảm bảo an sinh xã hội. Khẩn trương triển khai thực hiện quyết định của Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, không để xảy ra trục lợi chính sách...

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Quốc hội Đặng Thuần Phong nhấn mạnh, qua hội thảo, các tỉnh đã nêu và làm rõ được những kết quả, hạn chế trong việc thực hiện các chính sách liên quan đến hỗ trợ đối tượng ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trong đó, nhiều địa phương trong khu vực đã có những cách làm hiệu quả, phát huy nguồn lực của địa phương trong hỗ trợ người lao động trên địa bàn. Đối với những kiến nghị, đề xuất của các tỉnh trong khu vực Đông Bắc Bộ, Thường trực Uỷ ban Xã hội sẽ tổng hợp và chuyển tới Chính phủ, các bộ, ngành trung ương xem xét trong thời gian tới./.

Diệu Huyền