Sang Campuchia "đổi đời": Một là chuộc, hai là chết

Với thủ đoạn là dùng những lời đường mật để dụ dỗ người dân rằng sẽ được đưa đi làm những công việc nhẹ nhàng, nhưng lương hàng tháng lên đến vài chục triệu đồng. Chính vì vậy mà các nạn nhân đã sập bẫy các đối tượng.

Nhận được tin báo từ người dân và các cơ quan chức năng, thì lực lượng cảnh sát hình sự của Công an tỉnh Gia Lai đã khẩn trương vào cuộc để điều tra làm rõ vụ việc phức tạp đang diễn ra tại các buôn làng vùng sâu vùng xa này. Bước đầu lực lượng Công an đã điều tra làm rõ một số đối tượng trong đường dây lừa đảo, mua bán người này. Tại cơ quan công an thì các đối tượng này cũng đã bước đầu khai ra hành vi phạm tội của mình, cũng như là manh mối của đường dây của chúng ở bên nước bạn Campuchia.

Thượng tá NGÔ GIA CƯỜNG, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Gia Lai: “Cái thủ đoạn chính là lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, muốn tìm kiếm việc làm. Sau đó các đối tượng đăng tin lên trên mạng xã hội tìm người tìm kiếm việc làm. Sau khi bị hại thấy thông tin thì liên hệ thì các đối tượng nói là vào làm cho các công ty vi tính thôi ở Sài Gòn. Khi bị hại vào Sài Gòn thì các đối tượng lại lừa đi qua Campuchia nhưng bị hại không biết. Sau đó bị bán vào các sòng bài casino và bị bắt làm những việc vi phạm pháp luật. Nếu bị hại không làm thì sẽ bị đánh đập và bắt gọi điện về gia đình bắt nộp tiền chuộc.”

Mới đây, nhờ sự vào cuộc của lực lượng chức năng can thiệp nên bước đầu đã giải cứu được một số nạn nhân đưa về nước để trao trả lại cho gia đình. 2 công dân được giải cứu thành công là Puih Phú, sinh năm 2006 và Puih Thái, sinh năm 1994, đều trú tại làng Kloong, xã Ia O, huyện Ia Grai. Đây là những nạn nhân đã bị đối tượng Trần Quang Quyết, sinh năm 2001, trú tại xã Ia Đal, huyện Ia Hdrai, tỉnh Kon Tum lừa đảo với chiêu trò tìm việc làm việc nhẹ, lương cao. Sau đó, các nạn nhân sa bẫy lừa đảo phải làm việc với cường độ cao, bị đánh đập thường xuyên, bị dọa bán hoặc đưa ra biển giết. Khi các nạn nhân muốn trở về nhà, các đối tượng đã buộc gia đình chuyển mộ số tiền lớn.

Anh KPUIH THÁI, Xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai: “Nó lấy còng số 8, nó còng tay lại. Nó đánh, nó thả buổi trưa ăn cơm, rồi chuyển đi bán, em khóc trên xe, nó đưa lại về công ty cũ, rồi nói phải kêu người nhà chuộc. Nếu không chuộc thì một là chết, hai là đưa ra ngoài biển.”

Mong ước đổi đời bằng một công việc ổn định, lương cao của những thanh thiếu niên vùng sâu đã sớm biến thành ác mộng, bị đánh đập, bị bắt làm những việc vi phạm pháp luật. Khoản tiền cả trăm triệu đồng để chuộc thân quá với khả năng của hầu hết những gia đình nghèo này. Khi những người cũ còn chưa có cơ hội để trở về với gia đình thì những nạn nhân mới vẫn đang tiếp tục tin vào những lời đường mật về một công việc nhẹ, lương cao để rồi trở thành những nạn nhân tiếp theo. 

Duy Hòa