• 1197 lượt xem
  • 05:24 25/08/2022
  • Văn hóa

Rối cạn Tế Tiêu - Nghệ thuật truyền thống cạnh tranh với giải trí điện tử

Cách Hà Nội 40 km, thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức là nơi cất giữ rối cạn Tế Tiêu. Rối cạn Tế Tiêu là một đặc sản văn hóa của vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ. Mặc dù đã được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nhưng hiện nay rối cạn Tế Tiêu đang phải đối diện với nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, những nghệ nhân nông dân nơi đây vẫn luôn nỗ lực cố gắng để duy trì nghệ thuật truyền thống

Theo dân gian truyền lại, rối cạn Tế Tiêu có bề dày lịch sử hơn 400 năm. Năm Hưng Phúc 1573, một vị quan tên là Trần Triệu Đông Hải đã về Tế Tiêu khai khẩn đất hoang, lập làng giữ nước, dạy dân trồng cấy và sáng tạo ra nghề rối. Trải qua nhiều thời kỳ gián đoạn, loại hình sân khấu dân gian này lai được hồi sinh trên mảnh đất Tế Tiêu vào những năm 1954-1957 nhờ sự cống hiến của các nghệ nhân. 

Ông LÊ VĂN LUNG – Phó Trưởng Phường rối Cổ truyền Tế Tiêu: “Bản sắc riêng của phường rối đó là những con trò gắn liền với đời sống của người nông dân. Những tích trò dân gian mà các cụ truyền lại bằng những tiểu phẩm chất phác, chân thật và gần gũi với người dân. Đặc biệt là khai thác những câu chuyện dân gian, giữ gìn những vởi kịch tuồng cổ xưa mà nếu không giữ sẽ bị mai một.” 

Để rối cạn Tế Tiêu không bị mai một, nghệ nhân Phạm Công Bằng, hàng ngày ngoài thời gian hướng dẫn cho đoàn tập luyện tích trò, anh còn dành thời gian để chế tác rối. Bất kể ngày hay đêm, trong căn phòng nhỏ, một mình Phạm Công Bằng say mê đục đẽo, thổi hồn vào những nhân vật rối. 

Nghệ nhân ưu tú PHẠM CÔNG BẰNG – Trưởng Phường rối Cổ truyền Tế Tiêu: “Tình yêu đối với rối cạn cổ truyền của tôi được gắn bó từ nhỏ. Bố tôi ngày xưa là cố nghệ nhân Phạm Văn Bể đã lưu giữ và truyền lại cho tôi từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường. Chúng tôi đã đưa tiết mục rối cổ truyền vào nhà trường để tham dự buổi lễ như 20/11, 26/3.” 

Cùng với khó khăn của dịch Covid thời gian qua, phường rối cổ truyền Tế Tiêu còn gặp nhiều những khó khăn khác. 

Nghệ nhân ưu tú PHẠM CÔNG BẰNG – Trưởng Phường rối Cổ truyền Tế Tiêu: “Khó khăn của phường rối thì là bây giờ rất nhiều những môn giải trí, điện tử thời 4.0… Các em nhỏ hoặc học sinh bị cuốn hút vào những trò chơi điện tử trên máy tính, điện thoại. Để cho rối cổ truyền cạnh tranh được là một khó khăn đối với phường, chúng tôi vẫn cố gắng vượt qua, chọn những tích trò hay, vui nhộn mang tính giáo dục cao thì vẫn cuốn hút được các em.” 

Với tình yêu, quyết tâm của những nghệ nhân rối nơi đây, hy vọng, nghệ thuật rối cạn Tế Tiêu sẽ sớm trở lại phục vụ cho các em nhỏ để các thế hệ trẻ yêu và mong muốn khám phá môn nghệ thuật dân gian đậm đà bản sắc của dân tộc. 

Tùng Dương