• 1263 lượt xem
  • 04:20 03/10/2022
  • Kinh tế

Ra đời ngay sau vụ Tân Hoàng Minh, Nghị định 65/2022/NĐ-CP mang nhiều kỳ vọng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và quốc tế được kỳ vọng sẽ giúp các cơ quan quản lý nhà nước quản lý và hỗ trợ doanh nghiệp phát hành tốt hơn, bảo vệ nhà đầu tư an toàn hơn, và thúc đẩy thị trường trái phiếu riêng lẻ phục hồi, phát triển.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp từ rất “nóng” đã “nguội” đi nhiều sau vụ việc Tân Hoàng Minh bị “sờ gáy”. Nhằm chấn chỉnh và giúp thị trường phát triển theo hướng tích cực, Nghị định 65 có nhiều điểm mới như: Mệnh giá trái phiếu là 100 triệu đồng hoặc bội số của 100 triệu thay cho mức 100 nghìn trước đây; Thời hạn công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu chỉ 5 ngày (còn 1 nửa so với trước); Có thể phát hành trái phiếu để cơ cấu lại nợ. Hay trái phiếu đã phát hành muốn thay đổi điều kiện phải được số người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu trở lên chấp thuận.

Đặc biệt nhằm hạn chế nhà đầu tư nghiệp dư gian lận tham gia thị trường, Nghị định “siết” quy định người mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Theo đó người mua phải đảm bảo danh mục nắm giữ có giá trị trung bình tối thiểu 2 tỷ đồng.

Trước khi Nghị định 65 ra đời, thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã trải qua nhiều tháng trầm lắng thể hiện rõ tâm lý e ngại từ cả phía nhà đầu tư lẫn phát hành. Điều đó gây áp lực lớn lên những doanh nghiệp có trái phiếu sắp đáo hạn. Theo Bộ Tài chính, năm 2022, khối lượng trái phiếu đáo hạn khoảng 144.500 tỷ đồng, trong đó trái phiếu bất động sản khoảng 62.500 tỷ chiếm 43,2%. Sẽ có rủi ro lớn, ảnh hưởng xấu tới toàn bộ thị trường tài chính, bất động sản và cả nền kinh tế nếu doanh nghiệp không tìm được nguồn vay để đảo nợ.

Ngân hàng và thị trường trái phiếu doanh nghiệp là những kênh dẫn vốn quan trọng cho doanh nghiệp. Trong khi, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng khó được cải thiện bởi chính sách tiền tệ đang ưu tiên kiềm chế lạm phát thì thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể phục hồi nếu có cú huých đủ mạnh. Sự ra đời của Nghị định 65 có thể là khởi đầu cho cú huých đó.

Minh Quốc