Quyết sách hợp lòng dân của Quốc hội trong công tác phòng chống COVID-19

Đánh giá những kết quả đạt được về tình hình phát triển Kinh tế - xã hội năm 2020- 2021 và những tháng đầu năm 2022, nhiều đại biểu đánh giá cao những quyết sách vô cùng quan trọng, mang tính cấp bách của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành kịp thời trong thời gian qua. Đặc biệt là quyết sách trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Những quyết sách của Quốc hội thực hiện chuyển hướng chiến lược "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19". Qua đó, giúp nền kinh tế dần phục hồi. Hầu hết các ngành, lĩnh vực trên đà tăng trưởng trở lại; hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân, dần ổn định và phát triển trong trạng thái bình thường mới.

Ông NGUYỄN ANH TRÍ, Đại biểu Quốc hội, thành phố Hà Nội: "Có thể nói ngay tại kỳ họp thứ nhất của Qh khóa 15 trong Nghị quyết 30 đã kịp thời ra quyết sách rất quan trọng cho toàn dân tham gia chống dịch cho cả nước đồng tâm chống dịch, sau đó một loạt các nghị quyết của ủy ban thường vụ Quốc hội để tháo gỡ khó khăn, mở ra những hướng hiệu quả chống dịch. Tôi lấy ví dụ như ngoại giao vắc xin để kịp thời tiêm cho nhân dân."

Ông TRẦN VĂN TUẤN, Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Giang: “Trong Kỳ họp này Quốc hội vẫn cần phải tiếp tục thảo luận, đánh giá tình hình diễn biến của dịch bệnh thời gian qua, để chúng ta có những giải pháp mới thích ứng trong tình hình mới, để làm sao vừa kiểm soát được dịch bệnh, vừa tiếp tục phát triển kinh tế xã hội, đó là điều vô cùng quan trọng.”

Trong thời gian tới, dự báo dịch COVID-19 còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, có thể sẽ tác động đến quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do vậy, đại biểu cũng đề nghị Quốc hội cần xem xét một số ưu tiên về chính sách cho công tác phòng chống dịch.

Bà TRẦN THỊ NHỊ HÀ, Đại biểu Quốc hội, thành phố Hà Nội: Thời gian qua những chính sách, nghị quyết của Qh đã làm cho công tác phòng chống dịch bệnh hết sức hiệu quả. Chúng tôi cũng rất kỳ vọng và mong muốn Qh tiếp tục có những chính sách, nghị quyết để tháo gỡ khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách trong phần cơ chế thực hiện tại các địa phương”. 

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng cho rằng, cần tiếp tục cụ thể hóa và thực hiện tốt, hiệu quả các chính sách, để kịp thời đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 đã được quyết định tại Nghị quyết số 30/2021, Nghị quyết số 42/2021 của Quốc hội, Nghị quyết số 268, Nghị quyết số 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các nghị quyết khác có liên quan. Khẩn trương ban hành, chủ động quyết liệt chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 giai đoạn 2022 – 2025.

Tiến Dũng