Quyết định giám sát Luật Quy hoạch đã tạo ra sự chuyển biến, thúc đẩy công tác lập quy hoạch

7 luật, 1 pháp lệnh, 43 nghị định và 96 thông tư hướng dẫn được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành ban hành, sau khi Luật Quy hoạch được thông qua. Đến nay, công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch cơ bản đã hoàn thành. Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Trong đó, vấn đề thể chế là 1 trong những nội dung mà các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhấn mạnh, cần đẩy nhanh để triển khai hiệu quả công tác quy hoạch. Bởi điều này sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển KT-XH của đất nước.

Theo đánh giá của các ĐBQH, quyết định giám sát Luật Quy hoạch đã giúp tạo ra sự chuyển biến, thúc đẩy công tác lập quy hoạch.

GS. TS. HOÀNG VĂN CƯỜNG - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội: “Khi đoàn giám sát bắt tay vào triển khai, chúng ta nhìn thấy cơ quan điều hành của Chính phủ đã có sự thay đổi trong điều hành và phương thức triển khai quy hoạch bắt đầu có những khởi sắc hơn. Sau khi giám sát mà có được nghị quyết để giải quyết những vướng mắc như là khuôn khổ pháp luật thì tôi cho rằng quá trình triển khai của Luật Quy hoạch thời gian tới chắc chắn sẽ hiệu quả hơn và chuyển biến tốt hơn.”

Theo đại biểu, Việt Nam đang ở trong giai đoạn những năm đầu tiên của thời kỳ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) mới, việc sớm hoàn thành và hoàn thành chất lượng công tác quy hoạch có ý nghĩa rất quan trọng. Ngược lại, nếu không làm tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển KTXH cũng như các mục tiêu phát triển. Do đó, nếu không làm sớm và kịp thời những quy hoạch ở cấp trên thì sẽ cản trở đến quá trình xây dựng, cũng như tổ chức triển khai Luật Quy hoạch.

Ông PHAN ĐỨC HIẾU - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Thái Bình: Để đảm bảo công tác quy hoạch có chất lượng tốt và kịp thời, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, quan trọng nhất là Chính phủ nên tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành sớm nhất có thể các quy hoạch cấp quốc gia, các quy hoạch ở cấp vùng, làm cơ sở cho việc xây dựng và ban hành các quy hoạch cấp dưới. Như vậy, nếu chúng ta hoàn thành càng sớm các quy hoạch ở cấp trên thì chúng ta càng giảm thiểu được những rủi ro sau này.”

Ông NGUYỄN TRÚC ANH - Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Để giải quyết triệt để vấn đề quy hoạch chồng lấn và trùng lặp, chúng ta phải quy định các loại quy hoạch thích hợp, thời điểm thực thi cái gì có trước cái gì có sau, tránh hiện nay chúng ta chưa có quy định mà mọi người nghĩ bấm nút song song đồng thời là rất khó khăn, khó khăn cả nguồn lực và tư vấn đội ngũ.”

Các đại biểu cũng lưu ý, thời gian tới, việc thực hiện quy hoạch cũng cần cân đối nguồn lực trong triển khai các dự án đầu tư; phân cấp cho địa phương được quyền quyết định bổ sung nguồn lực và danh mục dự án đầu tư mới mang tính cấp bách trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn mà không làm gia tăng bội chi ngân sách của địa phương.

Lê Hương - Minh Quốc - Minh Công