Quyền cấp giấy phép lái xe: Bộ Giao thông Vận tải hay Bộ Công an?

Sáng 25/1, Tổng cục Đường bộ Việt Nam – Bộ Giao thông Vận tải tổ chức Hội nghị lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp, các đối tượng chịu sự tác động của chính sách trong Dự thảo Luật Đường bộ. Đa số ý kiến đều nêu quan điểm cần đánh giá kỹ tác động và xem xét kỹ việc tách luật, thay đổi thẩm quyền đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công An.

>> Chuyên gia khuyến nghị: Một luật cần điều chỉnh cả hạ tầng, phương tiện và người lái

So với lần trình ra Quốc hội vào tháng 10/2020, dự thảo lần này có điểm mới đó là đổi tên Luật Giao thông đường bộ thành Luật Đường bộ và giảm từ 102 điều luật xuống còn 100 điều. Để khắc phục những tồn tại, bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai Luật Giao thông đường bộ năm 2008, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và định hướng phát triển trong thời gian tới, Dự thảo đã bổ sung hệ thống đường thôn xóm vào mạng lưới đường bộ nhằm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn; tăng cường phân cấp đầu tư, quản lý, khai thác, bảo trì quốc lộ; cơ chế để huy động tối đa mọi nguồn lực nhằm tạo đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức giao thông, quản lý kết cấu hạ tầng, quản lý hoạt động vận tải, điều hành, giám sát, xử lý vi phạm; giao thẩm quyền Chính phủ quy định đối với các loại hình kinh doanh vận tải mới phát sinh.
 
Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Đường bộ, Bộ Giao thông vận tải: “Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục đánh giá đến tác động, đến các đối tượng chịu ảnh hưởng sau khi luật thống nhất sửa đổi. Làm thế nào để thuận lợi nhất cho người dân, chủ phương tiện tham gia giao thông được an toàn, hiệu quả, hạ tầng và kinh tế phát triển".
 
Luật giao thông đường bộ tiếp tục được thiết kế theo hướng tách luật Giao thông đường bộ thành 2 luật: Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, thay đổi thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an. Trong quá trình lấy ý kiến, vấn đề này còn có nhiều quan điểm khác nhau và đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá kỹ lưỡng tác động của nội dung này.
 
Ông Ngô Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam (VATA): “Ngành Giao thông Vận tải từ Trung ương đến địa phương đã rất nỗ lực cố gắng đổi mới toàn diện theo hướng hiện đại hóa và hội nhập quốc tế trong công tác đào tạo và sát hạch lái xe. Tôi nghĩ nếu để ngành Giao thông thực hiện chức năng này có sự giám sát của xã hội, ngành Công an và thanh tra sẽ đảm bảo tính khách quan, phù hợp với thông lệ quốc tế”.
 
Trước đó, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa 14, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội không tán thành phương án chuyển giao chức năng quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an. Đồng thời 62,79% ĐB không đồng ý tách luật .

Quang Sỹ