Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất: Gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ sẽ như thế nào?

Tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam đạt 2,58%, dù không đạt mục tiêu nhưng nền kinh tế đã bắt đầu phục hồi. Theo dự kiến chương trình kỳ họp bất thường, Quốc hội sẽ thảo luận và thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ. Những nội dung về phương án, quy mô gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ đang nhận được sự quan tâm của giới chuyên gia, người dân và doanh nghiệp.

Trong báo cáo mới đây, Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) nhấn mạnh, các gói hỗ trợ tài khóa là hết sức cần thiết trong giai đoạn nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, và cũng không kém phần quan trọng khi nền kinh tế bước sang giai đoạn chuyển tiếp hướng tới phục hồi. Hiện gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ cho đến nay vào khoảng 4% GDP, và Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách tiền tệ để tăng cường các khoản cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên chỉ có khoảng 1% GDP dành cho các chương trình hỗ trợ an sinh xã hội trong suốt thời kỳ dịch bệnh. Do đó, cần xác định các mục tiêu phù hợp với từng thời kỳ để xây dựng các gói hỗ trợ với quy mô đủ lớn và trúng đối tượng.

Ông Jonathan Pincus - Cố vấn kinh tế cao cấp của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP): “Một phần nguyên nhân là do chưa có nhiều công cụ thực thi, nhưng quan trọng hơn là Chính phủ hiện đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, ví dụ như việc người lao động mất việc làm,các DN nhỏ gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm thu nhập trong suốt thời kỳ giãn cách và dịch bệnh. Do đó cần đưa ra những phản ứng về chính sách tài khóa mạnh mẽ hơn, và kết hợp hài hòa với chính sách tiền tệ.”

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế: “Đây là mức tương đương với các nước có thu nhập thấp, còn so với các nước có thu nhập trung bình hoặc mới nổi khoảng 7,5% GDP, thì rõ ràng của chúng ta vẫn còn tương đối khiêm tốn. Như vậy trong bối cảnh chúng ta rất khó khăn thì dư địa của chính sách tài khóa và tiền tệ có lẽ chúng ta cần mở hơn để giúp cho kinh tế có thể phục hồi trong thời gian tới.”

Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ có mối liên hệ chặt chẽ, nên sự bất ổn định của chính sách này có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của chính sách kia và ngược lại. Kinh nghiệm quốc tế chỉ ra rằng, cuộc khủng hoảng của Mê-hi-cô năm 1982 là một ví dụ minh họa cho thấy chính sách tài khóa nới lỏng quá mức có thể dẫn đến mất ổn định kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng đến niềm tin của thị trường và dẫn đến khủng hoảng. Do đó theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Dự thảo nghị quyết về chính sách tài khóa tiền tệ nhằm phục hồi phát triển kinh tế xã hội cần đáp ứng một số quan điểm hết sức quan trọng đó là bám sát được những chủ trương định hướng của Đảng cũng như tập trung tăng cường cho tổng cung và tổng cầu, trong đó ưu tiên hơn cho tổng cung.

Bà Phạm Thị Hồng Yến - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: “Đối với quy mô của gói chính sách tài khóa và tiền tệ thì cũng phải đắp ứng ở một quy mô đủ lớn, có mục tiêu trọng điểm trọng tâm để giải quyết những vấn đề cấp vốn và tránh lãng phí nguồn lực. Các chương trình và các giải pháp cũng sẽ được thiết kế và thực thi nhanh kịp thời và nguồn lực đưa ra cũng sẽ đảm bảo hấp thụ một cách tối đa và thực hiện trong thời gian chủ yếu là năm 2022 và 2023.”

Về vấn đề này, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, mức độ để đưa ra các chính sách hỗ trợ phải gắn với việc đảm bảo mục tiêu xuyên suốt là ổn định kinh tế vĩ mô.

Ông Nguyễn Hữu Toàn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội: “Khi chúng ta sử dụng gói kích thích, tức là phải bơm thêm tiền vào nền kinh tế. Tăng tiền sẽ tăng bội chi, đây là điều chắc chắn. Tăng bội chi sẽ tăng nợ công, nhưng cần tính toán ở 1 mức độ nhất định, nó gắn với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Để đảm bảo vừa đạt được mục tiêu tăng trưởng tăng dần, vừa cố gắng giữ ổn định cân đối vĩ mô.”

Cho đến thời điểm này, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp, đặc biệt tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV đã thông qua Kế hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội, trong đó nhấn mạnh đến 12 nhóm giải pháp. Chính vì thế, thời gian tới cần đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp thực thi hiệu quả.

Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: “Chính phủ sẽ có chương trình phục hồi phát triển kinh tế và Quốc hội trong phạm vi thẩm quyền của mình sẽ có 1 Nghị quyết về 1 số giải pháp về phục hồi và phát triển kinh tế. Và năm 2022 theo tôi rõ ràng việc tổ chức thực thi các giải pháp chúng ta đã có nhanh, đầy đủ, toàn diện, kịp thời trở nên rất quan trọng.”

Các chuyên gia nhấn mạnh, về giá trị danh nghĩa, quy mô các gói hỗ trợ có thể lên tới 10,5% GDP còn giá trị thực chi, tức ngân sách và các quỹ vào khoảng 5,5% GDP trong vòng 2 năm tới. Theo các chuyên gia, cần lưu tâm đến số liệu thực chi hơn, và gói hỗ trợ với quy mô 5,5% GDP được đánh giá là phù hợp, đủ lớn, đủ dài để giúp kinh tế phục hồi tốt hơn, đặc biệt là phù hợp với khả năng hấp thu của nền kinh tế.