Quy định cụ thể hơn về dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp trong Luật Thực hiện Dân chủ ở cơ sở

Trong buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề về thực hiện dân chủ ở cơ sở và lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở của đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam tổ chức vào sáng 11/5, nhiều ý kiến cho rằng việc tập hợp, lấy ý kiến cử tri đối với nhiều vấn đề quan trọng gặp không ít khó khăn do cử tri bận rộn, ít khi có mặt đủ theo quy định.

Góp ý về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, một số ý kiến cho rằng Điều 1 của Luật này quy định về hình thức, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở. Nhưng thực tế dự thảo chưa đề cập đến hình thức thực hiện dân chủ là gì. Qua đó đề xuất cần bổ sung 1 Điều quy định cụ thể hơn các hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp. Thực tế hiện nay người dân lo làm ăn kinh tế nên ở nhiều nơi còn không mặn mà với các cuộc họp tại địa phương. Do đó nhiều kiến nghị cần xem xét lại quy định về triệu tập tối thiểu 50% cử tri cho phù hợp thực tế.

Ông NGUYỄN TẤN BẢY - Phó Chủ tịch UBMTTQVN huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam: "Ngày càng khó khăn hơn trong việc tập hợp nhân dân, tổ chức các cuộc họp ý kiến cử tri, hoặc hiệp thương, thống nhất một số nội dung nhân sự trưởng thôn hay nhân sự ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng. Thực tế trong tình hình dịch vừa qua việc tập hợp hội họp hộ nhân dân trên 50% là rất khó, người dân nhiều lúc không tham gia. ”

Ông LÊ VĂN DŨNG - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam: "Bây giờ trong thực tiễn cái này rất là mắc. Ví dụ như 1 dự án phải được công khai có đến 50% cử tri đến dự mới được thông qua dự án đó. Nhưng mà trong thực tiễn có bao giờ triệu tập được 50% cử tri đâu. ”

Ông NGUYỄN PHI HÙNG - Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQVN tỉnh Quảng Nam: "Theo Luật quy hoạch 2017, Luật quy hoạch đô thị 2009, Luật đầu tư công đều quy định lấy ý kiến tham gia công khai của cộng đồng. Mà trong này không có. Trong này kể cả nội dung công khai, nội dung lấy ý kiến của người dân cũng chưa có cái này. Vừa rồi Mặt trận tỉnh tổ chức lấy ý kiến cộng đồng đối với các dự án đầu tư đường Võ Chí Công, nâng cấp cải tạo đường 14E đó, thì cũng theo hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở. Hiện nay vẫn chưa có những quy định rõ về việc này.”

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật lần này chưa thể hiện rõ nội dung “dân thụ hưởng”. Qua đó đề nghị bổ sung 1 điều vào Chương 2 về những quy định của chính quyền cấp xã, phường, thị trấn để đảm bảo quyền thụ hưởng rõ ràng hơn. Đồng thời cần quy định rõ hơn chế tài xử lý đối với những trường hợp vi phạm, không thực hiện dân chủ ở cơ sở đối với tổ chức, cá nhân vi phạm. Quy định rõ hơn trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện Luật.
 

Lê Quang