Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm: Đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ, Bộ Tài chính xin giữ

Việc có tiếp tục duy trì Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm quy định tại Điều 111 của dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) hay không khi Qũy này chưa một lần sử dụng kể từ khi được thành lập là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận. Ở góc độ đơn vị chủ trì soạn thảo, Bộ Tài chính vẫn đề nghị giữ Qũy để Nhà nước chủ động can thiệp bảo vệ quyền lợi của người tham gia

Theo Ủy ban Kinh tế, sau gần 12 năm trích nộp, Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm này chưa phải sử dụng và ít có khả năng phải sử dụng. Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã chuyển từ phương thức can thiệp sau sang can thiệp sớm và kết hợp mô hình quản lý rủi ro, do đó đã nâng cao tính chủ động của doanh nghiệp trong quản trị doanh nghiệp và kiểm soát tài chính, tăng cường yêu cầu đối với doanh nghiệp, doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp can thiệp sớm. Vì vậy, việc duy trì cả Quỹ dự trữ bắt buộc và Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm là không cần thiết, tạo gánh nặng cho cả doanh nghiệp và người tham gia bảo hiểm. Ủy ban Kinh tế đưa ra quan điểm dừng trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết việc quản lý và sử dụng số Quỹ, bảo đảm việc xử lý số dư của Quỹ đúng mục đích ban đầu. Tham gia thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đồng tình với quan điểm này.

Bà ĐIỂU HUỲNH SANG - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước: “Tôi thống nhất cao với việc duy trì cả hai loại quỹ này là không cần thiết và tạo gánh nặng cho cả doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm. Vì số tiền trích nộp quỹ được tính theo tỷ lệ phần trăm của phí bảo hiểm do bên mua bảo hiểm đóng góp theo hợp đồng bảo hiểm. Cho nên tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc không nên tiếp tục quy định trong dự thảo luật về việc trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Ở đây với số quỹ liệu còn lại cũng nên giao lại cho Bộ Tài chính quy định chi tiết về quản lý và sử dụng số dư của quỹ."

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành, đoàn Thái Nguyên cho rằng, nếu đề nghị giữ Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm thì cơ quan soạn thảo cần báo cáo, giải trình rõ hơn về hoạt động của Quỹ và khi chuyển sang phương thức can thiệp sau khi doanh nghiệp bảo hiểm đã mất khả năng thanh toán) sang phương thức can thiệp sớm và kết hợp mô hình quản lý trên cơ sở rủi ro thì Quỹ này sẽ thế nào.

Ông NGUYỄN LÂM THÀNH - Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội:Nếu Bộ Tài chính yêu cầu và đề nghị giữ lại quỹ này thì tôi cũng đồng ý với ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cần phải báo cáo, giải trình rõ hơn về những nội dung liên quan đến hoạt động quỹ này và những tác động ảnh hưởng khi chúng ta chuyển sang hướng kiểm soát rủi ro trước thì sẽ xử lý được và thực hiện quỹ này thế nào. Báo cáo về việc xử lý quỹ đã được tồn tại, đã được hình thành thì sẽ xử lý thế nào. Một điểm nữa, tôi muốn nêu để chúng ta có thể trao đổi thêm với các đại biểu và Bộ Tài chính có thể nghiên cứu thêm, đó là liên quan đến phần trích nộp. Nếu như trích nộp chúng ta tính vào trích nộp của người tham gia bảo hiểm thì cũng hoàn toàn chưa phù hợp.

Giải trình quan điểm đề nghị nên giữ quỹ Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh hai quỹ trên cùng mục tiêu nhưng việc hình thành lại khác nhau. Quỹ dự trữ bắt buộc là từ trích 5% lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp, do cơ quan bảo hiểm quản lý. Còn Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm hiện là trích 0,3% và tài khoản do Bộ Tài chính quản lý.

Ông HỒ ĐỨC PHỚC - Bộ trưởng Bộ Tài chính: “Chúng tôi muốn bảo tồn quỹ này, muốn giữ quỹ này để can thiệp khi doanh nghiệp bảo hiểm bị phá sản, để bảo vệ quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm. Bởi vì, cũng giống như ngân hàng, ngân hàng cũng cho vay có tài sản thế chấp. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng quản lý rủi ro hoặc bị mua 0 đồng, nói cách khác là bị lỗ, nên phải có sự can thiệp kịp thời. Ở đây doanh nghiệp mặc dù có quỹ dự trữ và được tiền bảo vệ nhưng cũng có khả năng bất khả kháng sẽ xảy đến vấn đề khó khăn thì quỹ này dùng để can thiệp, giống như Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, vừa qua chúng ta xin ý kiến Thường vụ Quốc hội chi đợt vừa rồi.

Kết luận phiên thảo luận, Ủy ban Kinh tế đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, để có báo cáo giải trình rõ hơn quan điểm này để trình Quốc hội cân nhắc, quyết định.

Đức Minh