Quốc hội Việt Nam thúc đẩy thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA, sớm phê chuẩn EVIPA

Chiều 18/3, tại Nhà Quốc hội, đã diễn ra cuộc họp trực tuyến giữa đại diện Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Châu Âu (EP). Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà dẫn đầu đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự họp. Về phía Nghị viện Châu Âu có Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế (INTA), Chủ tịch đoàn nghị sĩ phụ trách quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á và ASEAN của Nghị viện Châu Âu.

Tại cuộc họp, hai bên đã trao đổi về tình hình triển khai Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA), đồng thời thống nhất tiếp tục hợp tác chặt chẽ để sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA). 

Các nghị sĩ Nghị viện Châu Âu (EP) hoan nghênh kết quả tích cực trong hợp tác thương mại giữa hai bên kể từ khi EVFTA chính thức có hiệu lực từ tháng 8/2020, đánh giá cao cơ chế trao đổi, đối thoại giữa Quốc hội Việt Nam và EP nhằm thúc đẩy việc thực thi hiệp định. EP cho biết, hiện đã có 11 quốc gia EU phê chuẩn hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA), tin tưởng quá trình phê chuẩn và đưa vào thực thi EVIPA sẽ không mất đến 5 năm như dự kiến ban đầu mà sẽ được thúc đẩy nhanh chóng hơn.

Đồng tình với nhận định của EP, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà khẳng định, hợp tác về kinh tế là một điểm sáng trong quan hệ Việt Nam – EU, trong đó có việc triển khai EVFTA, với kim ngạch hai chiều đạt 57 tỷ USD năm 2021. Nhắc lại chuyến thăm và làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với EP/EU vào tháng 9/2021, nhấn mạnh EVFTA và EVIPA có thể được ví như con đường cao tốc phải có hai chiều mới có thể đi nhanh, đi xa, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại đề nghị EP thúc đẩy các nước thành viên còn lại hoàn tất phê chuẩn để Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) sớm có hiệu lực, tạo động lực mạnh mẽ hơn thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa hai bên. 

Ông VŨ HẢI HÀ, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội: “Chúng tôi rất phấn khởi khi nghe thông tin đến nay đã có 11 nước phê chuẩn EVIPA, so với thời điểm tháng 11 là 8 nước, sẽ tạo điều kiện thúc đẩy quan hệ giữa hai bên. Chúng tôi sẽ ghi nhận kiến nghị của EU. Với vai trò là cơ quan lập pháp của Việt Nam, có quyền giám sát, chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy các vấn đề như phía EU yêu cầu, giám sát việc thực hiện pháp luật, sửa đổi hoàn thiện Luật sở hữu trí tuệ, thúc đẩy quá trình gia nhập Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế.”

Cũng tại cuộc họp, một loạt vấn đề phía EP đặc biệt quan tâm trong thực thi EVFTA như thông tin về Nhóm tư vấn trong nước (DAG) của Việt Nam, kế hoạch gia nhập Công ước số 87 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), lộ trình sửa đổi luật sở hữu trí tuệ đã được đại diện các Ủy ban của Quốc hội trao đổi, làm rõ. 

Ông ĐÔN TUẤN PHONG, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội: “Nhóm tư vấn trong nước của Việt Nam hiện nay bao gồm 6 thành viên. Bộ Công Thương tiếp tục tiếp nhận đề nghị tham gia của các thành viên mới. Chúng tôi cho rằng sự tham gia của các thành phần khác nhau là rất cần thiết để thực thi hiệp định một cách hiệu quả.”

Ông ĐINH NGỌC QUÝ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội: “Việt Nam đã tham gia 7/8 công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế. Riêng Công ước số 87, chúng tôi đã có dự kiến kế hoạch. Mặc dù công ước 87 chưa phê chuẩn, nhưng với vai trò là thành viên, tất cả các nước đều có nghĩ vụ tuân thủ các công ước của ILO.”

Ông HOÀNG MINH HIẾU, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: “Quốc hội Việt Nam đã có lộ trình sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ và cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV vừa qua. Trong quá trình sửa đổi bổ sung, chúng tôi đã tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan hữu quan, hiệp hội doanh nghiệp và đã nhận được ý kiến của các doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam. Tất cả các ý kiến này đã được ủy ban thẩm tra và các cơ quan xem xét, tiếp thu để sửa đổi luật lần này phù hợp với các hiệp định, thông lệ quốc tế.”

Cũng tại cuộc họp, EP đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam để tháo gỡ thẻ vàng IUU, đồng thời đề cao tiềm năng hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, nhằm đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, thúc đẩy phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch. Đây cũng là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam, thể hiện trong cam kết tại Hội nghị COP 26. Hai bên nhất trí sẽ tiếp tục duy trì đối thoại, phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy hợp tác hiệu quả trên nhiều lĩnh vực.

Kim Ngọc