Quốc hội Việt Nam - Thành viên trách nhiệm của AIPA

Trong suốt chặng đường 27 năm đồng hành cùng AIPO/AIPA, nhắc tới Quốc hội Việt Nam là nhắc tới một thành viên chủ động, trách nhiệm, luôn tích cực đề xuất nhiều sáng kiến với mong muốn đóng góp cho sự phát triển toàn diện, hoàn thiện của AIPA, để cơ chế hợp tác liên nghị viện khu vực này ngày càng trở nên hiệu quả hơn.

Tại Đại hội đồng lần này, Quốc hội Việt Nam đặt mục tiêu tiếp tục đóng góp thiết thực, đưa ra các sáng kiến thúc đẩy hợp tác trong AIPA và ASEAN, khẳng định Việt Nam không chỉ là thành viên có trách nhiệm mà còn đóng vai trò dẫn dắt trong AIPA.

Quốc hội Việt Nam gia nhập AIPO (tiền thân của AIPA) vào năm 1995.

Năm 2002, lần đầu tiên, Quốc hội Việt Nam đảm nhiệm cương vị Chủ tịch AIPO và tổ chức thành công Đại hội đồng AIPO 23 tại thủ đô Hà Nội, chỉ 7 năm sau khi gia nhập AIPO vào năm 1995. Trong tổng số 33 nghị quyết được thông qua, có 20 nghị quyết do Việt Nam đề xuất có tính thiết thực.

Tiếp nối thành công của AIPO-23, năm 2010, Quốc hội Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch AIPA và đăng cai Ðại hội đồng AIPA 31. Sự kiện đã để lại dấu ấn với bạn bè quốc tế về một đất nước Việt Nam hòa bình, ổn định; một nền văn hóa Việt Nam phong phú và đặc sắc; con người Việt Nam thân thiện, hữu nghị; một Quốc hội Việt Nam năng động và đổi mới.

Năm 2020, do tác động của đại dịch COVID-19, Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội đồng AIPA 41 – kỳ đại hội đồng trực tuyến đầu tiên trong lịch sử AIPA; tiếp tục thể hiện vai trò dẫn dắt, thông qua việc đề xuất một loạt sáng kiến mang tính đột phá.

Không chỉ thể hiện vai trò chủ động qua 3 lần đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch AIPO, AIPA, mà tại mỗi kỳ Đại hội đồng, Quốc hội Việt Nam đều chủ động nghiên cứu và đề xuất sáng kiến, trong đó, nổi bật là những sáng kiến hữu ích để thúc đẩy mối quan hệ giữa AIPA và ASEAN, được triển khai ngay từ những năm đầu tiên gia nhập AIPO.

Bà NGUYỄN TƯỜNG VÂN, Tổng thư ký AIPA: “Năm 2022 đánh dấu 27 năm Quốc hội Việt Nam tham gia AIPO, AIPA. Có thể nói rằng trong gần 30 năm đó, Quốc hội Việt Nam luôn thể hiện là một thành viên tích cực, có trách nhiệm đối với các hoạt động của AIPA… Có một điều rất quan trọng tôi muốn nhấn mạnh đó là khi tham gia diễn đàn AIPA, Quốc hội Việt Nam luôn tôn trọng nguyên tắc rất quan trọng của AIPA, của ASEAN, đó là thúc đẩy tình hữu nghị, hợp tác, đoàn kết giữa các nước thành viên và đảm bảo nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, và đặc biệt là nguyên tắc đồng thuận trong ASEAN và trong AIPA.”

Tiếp nối tinh thần chủ động, trách nhiệm trong AIPA, tháng 8/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn ĐBQH Việt Nam tham dự Đại hội đồng AIPA-42 tổ chức theo hình thức trực tuyến. Đây là hoạt động đối ngoại đa phương chính thức đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, đặt nền móng cho việc phát huy hơn nữa vai trò của ngoại giao nghị viện trên các diễn đàn đa phương khu vực và thế giới.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Các Nghị viện thành viên AIPA cần tích cực hỗ trợ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, gỡ bỏ các rào cản, tạo điều kiện thực thi chính sách chuyển đổi số, góp phần hoàn thiện Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến của Chính phủ, Quốc hội, tăng cường tiếp cận bình đẳng các dịch vụ số của người dân và doanh nghiệp, đẩy mạnh phổ cập số đối với các đối tượng yếu thế, cung cấp dịch vụ số công bằng, bình đẳng, phù hợp với mức thu nhập của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số.”

Trong năm 2022 vừa qua, cam kết của Quốc hội Việt Nam đối với AIPA tiếp tục được thể hiện thông qua sự tham gia tích cực tại các hội nghị trong khuôn khổ AIPA, nhằm rà soát, đánh giá và thúc đẩy việc thực hiện những cam kết thể hiện trong các nghị quyết đã thông qua tại Đại hội đồng AIPA lần thứ 42; thảo luận phương hướng đẩy mạnh hợp tác về kinh tế số trong ASEAN sau đại dịch Covid-19; tìm ra cách thức phối hợp vì mục tiêu cộng đồng ASEAN không ma túy.

Đại hội đồng AIPA-43 sẽ là cơ hội để Quốc hội Việt Nam tiếp tục đề xuất sáng kiến, chủ động đóng góp cho AIPA.

Ông VŨ HẢI HÀ, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội: “Chúng ta sẽ có những đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam và đóng góp vào quá trình xây dựng khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định và phát triển, cùng nhau giải quyết những thách thức ở trong khu vực. Đối với kinh tế thì chúng ta sẽ tập trung thảo luận vào chủ đề mà các bạn ASEAN quan tâm, đó là vấn đề chuyển đổi số, phục hồi kinh tế sau đại dịch, phục hồi du lịch.”

Ông BÙI VĂN CƯỜNG, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: “Rõ ràng tiếng nói của Việt Nam ngày càng được coi trọng. Như vừa rồi Tổng thư ký Liên hợp quốc thăm chúng ta cũng nói là tiếng nói của Việt Nam ngày càng được bạn bè quốc tế tôn trọng, và hiện nay trong AIPA, chúng ta cũng là một trong những quốc gia có tiếng nói và có nhiều sáng kiến để đóng góp vào cộng đồng chumg. Việc Chủ tịch Quốc hội chúng ta tham gia có ý nghĩa quan trọng và được bạn bè hết sức quan tâm”

Đặc biệt, Đại hội đồng AIPA-43 sẽ đánh dấu lần đầu tiên Cuộc họp chính thức của các nghị sĩ trẻ AIPA được tổ chức. Đây là sáng kiến của Quốc hội Việt Nam nhằm thúc đẩy sự tham gia của các nghị sĩ trẻ AIPA trong xây dựng cộng đồng ASEAN và phát triển đất nước.

Ông SOUS YARA, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Hợp tác quốc tế, TT&TT Quốc hội Campuchia: “Tại Đại hội đồng AIPA-43 sắp tới, chúng ta sẽ thúc đẩy chiến lược hợp tác nghị sĩ trẻ trong khuôn khổ 10 quốc gia thành viên ASEAN trở thành cơ chế thường trực. Đây vốn là sáng kiến của Quốc hội Việt Nam tại Đại hội đồng AIPA-41, nhận sự ủng hộ rất lớn từ các nghị sĩ trẻ đến từ 10 quốc gia ASEAN.”

Thể hiện vai trò, khẳng định tiếng nói tại các diễn đàn liên nghị viện, trong đó có AIPA, cũng chính là chuyên nghiệp hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại của Quốc hội Việt Nam, để Ngoại giao nghị viện góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh và uy tín của đất nước trong khu vực và trên thế giới.

Văn Thắng