Quốc hội trong tuần: Không né tránh, vòng vo trong trả lời chất vấn

Cùng Truyền hình Quốc hội Việt Nam điểm lại những diễn biến chính trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV.

KHÔNG NÉ TRÁNH, VÒNG VO TRONG TRẢ LỜI CHẤT VẤN

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả công tác giám sát của Quốc hội và tiếp nối thành công phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 2 quốc hội khoá 15, thời gian qua cùng với việc các cơ quan của Quốc hội đã tổ chức một số phiên giải trình, phiên chất vấn lần này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho thấy, hoạt động giám sát của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đã được thực hiện thường xuyên, liên tục, có những chuyển biến tích cực và thực chất, được dư luận và cử tri đồng tình, đánh giá cao.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, sau chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về các nội dung nêu trên. Công tác giám sát nói chung, chất vấn và trả lời chất vấn nói riêng vì vậy phải góp phần thiết thực xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, góp phần nâng cao năng lực quản lý nhà nước và quản trị quốc gia.

--

NẾU QUỸ BÌNH ỔN GIÁ XĂNG DẦU HẾT, SẼ SỬ DỤNG THUẾ PHÍ, QUỸ AN SINH ĐỂ KÌM GIÁ XĂNG

Nhiều ý kiến chất vấn về giải pháp điều hành xăng dầu trong bối cảnh giá xăng dầu cơ sở trên thị trường thế giới ở kỳ điều hành giá gần đây có biến động khá lớn so với thời điểm đầu năm 2022, cụ thể từ từ khoảng 44 - 60%.

Bà TRẦN THỊ THANH HƯƠNG - Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Xin Bộ trưởng cho biết Bộ trưởng đã điều hành giá như thế nào và giải pháp trong bối cảnh hiện nay? 

Ông NGUYỄN HỒNG DIÊN - Bộ trưởng Bộ Công thương: “Thị trường trong nước và thị trường thế giới như bình thông nhau, để giảm biên độ biến động giá xăng dầu thời gian qua là nhờ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Việc duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu là vô cùng quan trọng, nhưng quỹ này có hạn, hiện còn khoảng trên dưới 600 nghìn tỷ đồng, trong khi đó có doanh nghiệp nhập khẩu âm quỹ này rất lớn. Thời gian tới phải tăng quy mô quỹ bình ổn giá”.

Trả lời cho câu hỏi về các giải pháp khác ngoài quỹ bình ổn giá, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết hiện Bộ Công Thương và Bộ Tài Chính đã đề nghị Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị quyết đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giảm thuế bảo vệ môi trường.

Ông NGUYỄN HỒNG DIÊN - Bộ trưởng Bộ Công thương: “Nếu khi giá thế giới tăng cao sẽ tiếp tục sử dụng các loại thuế, phí khác. Hết công cụ thuế, phí mà vẫn không ổn, trong khi giá thế giới cao thì giá trong nước cũng sẽ tăng cao. Để kìm giá, giữ chỉ số CPI, đối tượng dễ tổn thương không khó khăn hơn, thì các bộ ngành, cơ quan hữu quan sẽ đề nghị Chính phủ sử dụng các quỹ an sinh xã hội hỗ trợ từ ngân sách để hỗ trợ đối tượng yếu thế, với doanh nghiệp sử dụng nhiều xăng dầu…

Trước lo ngại về việc xăng tăng giá sẽ khiến lạm phát tăng khó kiểm soát, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các lực lượng trực thuộc, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các cơ sở bán lẻ xăng dầu cố tình găm hàng tăng giá.

--

TĂNG CHẾ TÀI XỬ LÝ CÁC HÀNH VI TRỤC LỢI TRONG ĐẤU GIÁ ĐẤT  

Các Đại biểu Quốc hội đã nêu câu hỏi của cử tri về các vấn đề liên quan đến việc đấu giá đất ở nhiều nơi, nhà đầu tư đấu giá trên trời rồi bỏ cọc, như tại khu đô thị Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh; tình trạng sốt đất ảo, tạo mặt bằng giá đất mới; phát triển đô thị không theo quy hoạch.

Ông NGUYỄN ĐẠI THẮNG - Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên: "Dư luận, cử tri nêu đấu giá đất tại nhiều nơi có hiện tượng bắt tay ngầm để đặt cọc, có nhiều trường hợp nhà đầu tư bỏ giá "trên trời" để có kết quả trúng đấu giá bất thường. Việc này gây ra giá đất tại khu vực liên quan bị đẩy lên cao, gây ra "sốt" đất ảo, thiết lập mặt bằng giá đất cao mới gây ảnh hưởng tới quá trình giải phóng mặt bằng triển khai dự án gặp nhiều khó khăn, gây mất trật tự an ninh xã hội. Điển hình là vụ đấu giá đất tại Thủ Thiêm, vậy Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà có giải pháp ngăn chặn tình trạng này như thế nào?"

Đối với câu hỏi nhận được sự quan tâm đặc biệt này của các đại biểu, cử tri và nhân dân cả nước, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, việc đấu giá đất thời qua không chỉ là thổi giá, mà còn dìm giá, quân xanh quân đỏ dẫn đến rất nhiều hệ lụy đối với nền kinh tế và thậm chí ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ. Nguyên nhân về mặt pháp luật được chỉ ra là do, việc đấu giá đất được điều chỉnh bởi các luật khác nhau nhưng các quy định lại chưa chặt chẽ, thiếu cụ thể. Vì vậy, phải có quy định về phương thức, trình tự đấu giá với tài sản đất đai chặt chẽ hơn.

Ông TRẦN HỒNG HÀ - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường:Đã có quy định về điều kiện doanh nghiệp tham gia đấu giá đất, nhưng chưa quy định cụ thể về điều kiện năng lực, trách nhiệm, kinh nghiệm thực tiễn. Phải có chế tài mạnh mẽ hơn, nếu doanh nghiệp sau khi đấu giá xong rồi bỏ cọc thì phải bị xử lý, để lần sau họ không tham gia được, như vậy mới đủ sức răn đe…cả hình sự, kinh tế để đủ tính răn đe. Phải nâng lên đủ để cho người tham gia đấu giá phân tích rằng nếu bỏ cọc thì không có hiệu quả kinh tế”.

Tiếp tục nhấn mạnh quan điểm phải siết chặt việc đấu giá đất, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc siết chặt ở đây là xác định được năng lực nhà đầu, nâng mức tiền đặt cọc và chuyển tiền này vào tài khoản do Hội đồng đấu giá quản lý, thời gian nộp tiền trúng đấu giá cũng phải ngắn hơn. Bên cạnh đó phải cam kết thực hiện mục tiêu đấu giá, tránh đấu giá xong để đất hàng năm trời không sử dụng gây lãng phí xã hội. Bộ trưởng cũng trao đổi về giải pháp cho vấn đề giá đất khởi điểm trong đấu giá đất.

--

CHẤT VẤN ĐỂ MINH BẠCH HOÁ CHÍNH SÁCH, TẠO ĐỒNG THUẬN TRONG THỰC THI CHÍNH SÁCH

Để tiếp tục triển khai nhiệm vụ tạo sự chuyển biến thực sự trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý một số nội dung, trong đó đối với lĩnh vực công thương, đề nghị Chính phủ cần xây dựng kịch bản điều hành giá xăng dầu nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục biến động mạnh cũng như giải pháp để đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho sản xuất và tiêu dùng trong mọi tình huống, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, cần tiếp tục thực hiện tốt các nghị quyết về chất vấn của Quốc hội trong công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả; ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ ngay từ tuyến biên giới đường biển và đường bộ, nhất là đối với mặt hàng vật tư y tế phòng, chống dịch COVID-19. Trong năm 2022, ban hành các đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử. Chính phủ cần có giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu; đa dạng hóa thị trường tiêu thụ nhất là mặt hàng nông sản. Có chính sách thúc đẩy nhanh và mạnh sang xuất khẩu hàng hóa chính ngạch, phải có cam kết cụ thể, rõ ràng trong triển khai thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, hoạt động chất vấn chính là sự cảnh báo của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một vấn đề  hay một thực trạng cần được lưu ý giải quyết.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: Chất vấn cũng là cơ hội để các tư lệnh ngành thực hiện trách nhiệm giải trình, minh bạch hóa các chính sách được ban hành để từ đó gián tiếp tạo nên sự đồng thuận trong thực hiện chính sách, không chỉ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước mà còn từ phía các tầng lớp Nhân dân trong xã hội. Trên cơ sở chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội và trả lời của các thành viên Chính phủ, kết luận đối với từng phiên chất vấn về từng nhóm vấn đề, tôi đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, chuẩn bị thật tốt Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động chất vấn trình uỷ ban thường vụ quốc hội biêủ quyết thông qua tại đợt 2 phiên họp thứ 9. Đây cũng là một trong những đổi mới căn cơ trong hoạt động chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiền đề quan trọng cho việc tiếp tục chủ động đổi mới trong hoạt động giám sát nói chung và hoạt động chất vấn nói riêng, làm cho hoạt động giám sát thực sự trở thành một trong những công cụ kiểm soát quyền lực hiệu quả nhất. Góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”.

Chủ tịch Quốc hội cũng đồng thời yêu cầu, ngay sau phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ, các vị bộ trưởng, trưởng ngành, thành viên Chính phủ thực hiện quyết liệt những cam kết trước UBTVQH và cử tri cả nước, làm cơ sở để UBTVQH giám sát việc thực hiện, đáp ứng yêu cầu, mong mỏi của Nhân dân.

--

GIÁM SÁT SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẦN ĐÁNH GIÁ CỤ THỂ, NHIỀU CHIỀU

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: điều kiện cần để thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã là dựa vào tiêu chí về diện tích, dân số; điều kiện đủ là phải căn cứ vào vị trí địa lý, hoàn cảnh lịch sử, phong tục tập quán, dân tộc, tôn giáo, kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh. Quá trình thực hiện phải bảo đảm sự đồng thuận của nhân dân. Do vậy, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, mục tiêu của Đoàn giám sát hướng đến là đánh giá sự đồng thuận của nhân dân, năng lực hệ thống chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh như thế nào, điều kiện cung cấp dịch vụ công có phù hợp với đặc thù từng địa phương, từng đơn vị.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Đánh giá để có tham mưu cho Đảng, Nhà nước….chúng tôi đề nghị trên cơ sở có đánh giá sâu kỹ, đánh giá ở đâu, tiết kiệm như thế nào, có giảm được không. Ngân sách trung ương và địa phương, trong này có Cao Bằng thì giảm, miền núi công sản như vậy thì phải sắp xếp lại, các đơn vị sự nghiệp công thì thế nào, cho nên phải đánh giá kỹ, tiết kiệm nằm ở đâu, ở tỉnh nào địa phương nào, biên chế giải quyết thế nào. Tại sao cùng một mặt bằng thì tỉnh này giải quyết được, tỉnh kia không giải quyết được, phải có bảng biểu, tránh nhận xét chung chung, từ đó phát hiện chỗ nào làm tốt, chỗ nào có khuyết điểm thiếu tinh thần trách nhiệm, từ đó có cá thể hoá trách nhiệm”.

Tán thành với báo cáo của đoàn giám sát cho rằng đa phần các đô thị sau sáp nhập có sự giảm sút về chất lượng do mật độ dân số thấp, dàn trải trên diện tích rộng hơn, trong khi hạ tầng kỹ thuật còn thiếu và yếu. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cũng lưu ý, trong việc sắp xếp lại cơ sở vật chất dôi dư. 

Ông NGUYỄN ĐẮC VINH - Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội: "Trong việc sắp xếp lại cơ sở vật chất dôi dư, một mặt là tu sửa cơ sở vật chất mới, thứ hai là xử lý cơ sở vật chất, đất đai do sắp xếp để lại, “nếu không cẩn thận thì dễ có sai phạm”.

Ông LÊ QUANG HÙNG - Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Bộ Xây dựng đang có kế hoạch khảo sát toàn bộ 860 đô thị trên cả nước khi nâng cấp lên đạt chuẩn thì tổng kinh phí là bao nhiêu để có tiếng nói đề xuất….”

Phát biểu kết luận nội dung làm việc Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị đoàn giám sát tiếp tục triển khai theo đúng kế hoạch tiến độ đã xác định, trong đó xác định rõ trách nhiệm thành viên đoàn giám sát. Trong thời gian tới cần khẩn trương tiến hành việc phối hợp với các cơ quan khảo sát các địa phương và làm việc với các bộ, ngành, Chính phủ để thu thập thông tin, làm rõ thêm thuộc nội dung giám sát. Đánh giá đầy đủ, rõ ràng thực chất trên tất cả các mặt của nội dung giám sát, xác định chủ thể trách nhiệm có liên quan, rút ra bài học kinh nghiệm.

--

CỤ THỂ HÓA TRÁCH NHIỆM CỦA TẬP THỂ, CÁ NHÂN QUA GIÁM SÁT

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định đây là chuyên đề quan trọng liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân, liên quan chủ yếu đến 3 luật gồm: Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và nhiều luật khác của đời sống kinh tế-xã hội. 

Phó Chủ tịch Quốc hội TRẦN QUANG PHƯƠNG - Trưởng đoàn Giám sát: "Quan điểm và phương pháp giám sát các vụ việc cụ thể với tinh thần không phải là đi giải quyết vụ việc mà kiến nghị, đẩy nhanh các vụ việc đó theo thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Thường trực Đoàn giám sát, Tổ Biên tập hoàn chỉnh Báo cáo trên cơ sở tiếp thu các ý kiến của UBTVQH, Kế hoạch chi tiết làm việc với các bộ, ngành, địa phương về các nội dung cụ thể. Đoàn Giám sát sẽ làm việc với Thanh tra Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, VKSNDTC để có bức tranh tổng thể trước khi làm việc với Bộ ngành địa phương./.

--

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI ĐOÀN GIÁM SÁT VIỆC THỰC HÀNH, TIẾT KIỆM CHỐNG LÃNG PHÍ

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là lĩnh vực rất rộng, giám sát tối cao của Quốc hội về vấn đề này có ý nghĩa hết sức quan trọng, sát sườn. Lưu ý việc phải có cách tiếp cận tổng thể, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Đoàn giám sát cần xuất phát từ chủ trương của Đảng, Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa 10), Kết luận số 10 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa 11) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. 

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Kết luận số 10 của Bộ Chính trị có nêu, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa được quan tâm đúng mức. Vậy giám sát lần này phải đánh giá xem công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được quan tâm đúng mức hay chưa, cụ thể là thế nào, nếu chưa được quan tâm đúng mức thì phải chỉ ra được là ở cấp nào… thực trạng lãng phí trong các cơ quan nhà nước và trong xã hội còn rất nghiêm trọng; tham nhũng, lãng phí biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, vẫn chưa được khắc phục triệt để, có mặt còn diễn biến nghiêm trọng hơn; việc phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng, lãng phí chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình...”

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, trưởng Đoàn giám sát đề nghị Thường trực Đoàn Giám sát và Tổ giúp việc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đại biểu trong cuộc làm việc; hoàn chỉnh báo cáo bước đầu để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 9; chuẩn bị các yêu cầu về tiêu chí, kế hoạch làm việc, nội dung giám sát cụ thể để từng bộ, ngành, địa phương báo cáo chi tiết.

--

LÚNG TÚNG TRONG TRIỂN KHAI LẬP QUY HOẠCH DO CHẬM BAN HÀNH HƯỚNG DẪN

Qua báo cáo bổ sung việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch, một lý do được các bộ, ngành lý giải cho tình trạng lúng túng, vướng mắc trong triển khai lập các quy hoạch là việc ban hành Nghị định số 37 hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch chậm. Các thành viên đoàn giám sát cũng đề nghị các bộ, ngành cần làm rõ những khó khăn, vướng mặc trong việc triển khai lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp, đồng thời đề nghị phân tích rõ phương pháp này có khả thi, phù hợp với thực tiễn. Giải trình làm rõ các vấn đề đoàn giám sát nêu, các bộ, ngành đều khẳng định sẽ quyết tâm tháo gỡ khó khăn, quyết liệt triển khai luật quy hoạch theo đúng tiến độ đã đề ra.

Ông NGUYỄN BÁ HOAN - Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội: Chúng tôi khẳng định đoàn với đoàn giám sát trong tháng 4/2022 chúng tôi sẽ hoàn thiện và trình Thủ tướng phê duyệt, chúng tôi hoàn thành 100% trong tháng 4”.

Ông TRẦN VĂN TUẤN - Thứ trưởng Bộ Y tế: Ngoài quy hoạch ngành, bộ có thêm 2 quy hoạch có tính kỹ thuật chuyên ngành sâu theo luật quy hoạch: quy hoạch hệ thống khám chữa bệnh và kiểm nghiệm của nhà nước. Bộ có quyết định giao cho 2 cục đầu mối chủ trì, trong quy hoạch ngành nói chung báo cáo đoàn cũng bao gồm 2 ngành: khám chữa bệnh, giám định y khoa, y tế dự phòng, kiểm nghiệm, kiểm định mỹ phẩm thuốc, trang thiết bị y tế; dân số kế hoạch hóa gia đình. Có nhiều nhiệm vụ quy hoạch nganhft rung với quy hoạch chuyên sâu. Sau đây chúng tôi tiếp tục đôn đốc”.

Phát biểu kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, trưởng đoàn giám sát cho biết, 5 bộ ngành khối văn hóa, xã hội đã chấp hành tốt Kế hoạch, bám sát Đề cương giám sát và đã báo cáo tương đối đầy đủ. Báo cáo của các bộ cũng cho thấy không có nhiều vướng mắc về hệ thống pháp luật mà chủ yếu do văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành Luật quy hoạch chậm, ngoài ra do khâu tổ chức thực hiện. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị 5 bộ tiếp tục rà soát, chỉ đạo sát sao, quyết liệt quan tâm cả 2 mặt tiến độ và chất lượng hoàn thành các quy hoạch; làm tốt hơn nữa công tác phối hợp, cung cấp, chia sẻ thông tin đầy đủ. Đối với vấn đề bố trí vốn cho các quy hoạch ngành quốc gia từ nguồn đầu tư công, đoàn giám sát sẽ yêu cầu Chính phủ, bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm có báo cáo cụ thể.

--

TẬP TRUNG GIÁM SÁT VỀ TIẾP CÔNG DÂN, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TRONG THÁNG 4

Tiếp thu ý kiến của UBTVQH, Đoàn giám sát thành lập 2 Đoàn nhỏ, sẽ tiến hành giám sát tại 8 Bộ ngành gồm: Thanh tra Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp, Bộ Công an; các địa phương gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Khánh Hòa, Lào Cai, Đắc Nông…. Ngoài giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, tại mỗi địa phương, Đoàn sẽ tiến hành giám sát tối đa 5 vụ việc cụ thể tồn đọng, phức tạp về khiếu nại tố cáo. Thời gian thực hiện giám sát tập trung trong tháng 4/2022.

Các thành viên Đoàn giám sát cho rằng, khâu chuẩn bị kỹ lưỡng, chọn lọc các vụ việc trước khi Đoàn giám sát tại các bộ ngành địa phương là rất quan trọng. Đoàn giám sát đã cho ý kiến về việc cần thiết thành lập các Tổ công tác đến làm việc trước nhằm thu thập thêm số liệu, hồ sơ các vụ việc cụ thể. Các đại biểu cũng cho ý kiến về việc xác định diện, điểm khi làm việc với các Bộ ngành, địa phương; cho ý kiến về cách thức thực hiện, chia nhóm làm việc, trao đổi về thời gian, địa điểm và phương pháp triển khai. Các thành viên đoàn giám sát cũng thảo luận về việc lựa chọn những vấn đề nóng, vụ việc đông người, phức tạp dẫn tới khiếu nại, tố cáo để đến giám sát trực tiếp.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam