Quốc hội trong tuần: Dấu ấn phiên chất vấn khiến Bộ trưởng Bộ Công an nhận trách nhiệm

Tuần qua, Phiên họp thứ 14 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Trong 2,5 ngày làm việc, UBTVQH xem xét 2 nhóm vấn đề đối với 7 nội dung quan trọng. Tại phiên họp này, UBTVQH đã tiến hành chất vấn đối với 2 Bộ trưởng. Ngoài ra, các cơ quan của Quốc hội cũng có nhiều hoạt động để xem xét nhiều dự án luật, nghị quyết và các đề án, chương trình.

Tại phiên họp này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho danh mục dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư và bổ sung, điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đợt 3.

CHO Ý KIẾN KẾ HOẠCH GIAO VỐN HƠN 100.000 TỶ ĐẦU TƯ CÔNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng: Trong thời gian qua, mặc dù nhiều luật, nghị định đã sửa, tuy nhiên, giải ngân vốn đầu tư công chậm vẫn trở thành căn bệnh trầm kha. Điều này có thể thấy qua gói hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế theo nghị quyết 43 của Quốc hội-  Đã gần hết năm đầu tiên triển khai, nhưng vẫn chưa phân bổ, chưa có danh mục đầu tư dự án, đồng nghĩa với việc chưa giải ngân được vốn.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Nghị quyết 43 cho bội chi năm 2022 lớn,…Chính phủ các bộ rất sốt ruột, họp chủ chốt rất sốt ruột. Trách nhiệm giám sát vấn đề này là của UBTCNS , phối hợp với các cơ quan hữu quan để rà soát toàn bộ. số vốn chưa giao trong nghị quyết 43 như một báo cáo giám sát để cung cấp thông tin cho ĐBQH, thể hiện trách nhiệm của Quốc hội. Có vướng mắc gì thì phải chung tay thực hiện. Nguyên nhân gì, nó phải có lí do của nó.”

Giải trình nội dung này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng: Có 3 yếu tố khiến giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng đầu năm mới đạt hơn 34%, thấp hơn cùng kỳ năm ngoài 2%, trong đó có giá cả nguyên vật liệu xây dựng tăng cao khiến hầu hết các nhà thầu án binh bất động chờ chính sách; Có tâm lý e ngại xử lý các vấn đề đất đai, thủ tục đầu tư ở nhiều địa phương.

Ông NGUYỄN CHÍ DŨNG, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Liên quan đến cầu Đại Ngãi, tinh thần của chính phủ là rất tích cực, tôi đề nghị nếu thường vụ đồng ý cho rút, thì khi bố trí vốn chương trình phục hồi kinh tế thì phải đảm bảo bố trí nguồn vốn cho dự án này."

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI ĐỀ NGHỊ CÁC BỘ TRƯỞNG KHÔNG NÉ TRÁNH KHI TRẢ LỜI CHẤT VẤN  

Ngày 10/8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn đối với 2 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực, trách nhiệm của Bộ Công an và Bộ văn hóa, thể thao và du lịch. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, để lựa chọn đúng và trúng các lĩnh vực, vấn đề chất vấn, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước và nguyện vọng của cử tri và Nhân dân, trên cơ sở tổng hợp đề xuất chất vấn của 58 Đoàn đại biểu Quốc hội, các phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác dân nguyện, ý kiến phản ánh, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước gửi đến Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết lựa chọn chất vấn hai nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Công an và Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch.

ĐA SỐ CÁC NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI CHẤP NHẬN HỘ CHIẾU MỚI CỦA VIỆT NAM

Trả lời các Đại biểu Quốc hội về việc cấp Hộ chiếu mẫu mới không có nơi sinh của công dân, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, nhiều nước trên thế giới đều sử dụng mẫu Hộ chiếu như Việt Nam và đa số các nước trên thế giới đều chấp nhận Hộ chiếu mới như của chúng ta. Việc cấp Hộ chiếu mới được thực hiện đúng theo quy định của Luật, không gây lãng phí. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ Công an là cơ quan chủ trì, xin nhận trách nhiệm về việc một số nước không công nhận hộ chiếu mới.

Ông NGUYỄN HỮU THÔNG, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận: “Việc một số quốc gia không chấp thuận hộ chiếu phổ thông theo mẫu mới hiện nay gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Vậy trách nhiệm trên thuộc về ai và biện pháp khắc phục trong thời gian tới của Bộ Công an?”

Đại tướng TÔ LÂM, Bộ trưởng Bộ Công an: “Chúng tôi cho rằng đây là vấn đề kỹ thuật và đồng thời Bộ Công an đã có những giải pháp để khắc phục những việc này. Trước mắt với những cá nhân, những người được cấp hộ chiếu, những công dân thấy cần phải bổ sung nơi sinh thì chúng tôi cũng đã bàn với các cơ quan có liên quan sẵn sàng bổ sung vào phần ghi chú nơi sinh để tạo thuận lợi.”

Thời gian qua, tín dụng đen tiếp tục lộng hành, gây sợ hãi cho người vay, hệ lụy kéo theo nhiều loại tội phạm về trật tự xã hội, gây bức xúc trong nhân dân. Nhiều cử tri mong muốn các các Bộ ban ngành nhanh chóng đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen để đảm bảo an ninh trật tự xã hội.  Đây cũng là vấn đề được đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Công An Tô Lâm. 

Ông NGUYỄN QUỐC CƯỜNG, Quận Phú Nhuận, TPHCM: “Tín dụng đen gây lên rối loạn, mất an ninh trật tự rất nhiều phía, thậm chí xảy ra phạm pháp hình sự cho nên hậu quả của nó rất là lớn, rất phức tạp. Chỗ này Quốc hội cần phải có một đạo luật trong tín dụng để dẹp bỏ tín dụng đen đồng thời cũng phải tuyên truyền để kêu gọi nhân dân không vướng vào.”

Luật sư PHAN HÒA NHỰT, Đoàn Luật sư TPHCM: “Tình trạng tín dụng đen hiện giờ thì nó phát triển rầm rộ trên cả nước và đặc biệt nó tấn công vào các vùng nông thôn với kinh tế khó khăn và các khu công nghiệp với lượng công nhân lớn, nhu cầu tài chính cao. Đáng lo ngại hơn là hình thức tín dụng đen ngày càng tinh vi. Hệ lụy của tín dụng đen này rất lớn đối với đời sống xã hội đặc biệt những người đã rơi vào vòng luẩn quẩn của tín dụng đen, lãi mẹ đẻ lãi con với mức lãi suất khủng khiếp.”

QUYẾT TÂM XỬ LÝ TỘI PHẠM TÍN DỤNG ĐEN, VAY NẶNG LÃI

Bà NGUYỄN THỊ YẾN NHI, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre: “Các đối tượng tín dụng đen, vay nặng lãi buộc người vay phải sang tên sở hữu nhà, cầm cố đất để làm tin, nếu không trả được thì sẽ chủ động sang nhượng mà chủ sở hữu không thể làm gì, cơ quan chức năng cũng khó xử lý, giải pháp của Bộ Công an?”

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng, công tác đấu tranh xử lý loại tội phạm này gặp nhiều khó khăn, khó xác định đâu là dân sự, đâu là hình sự bởi hoạt động cho vay thông thường và hoạt động tội phạm, ranh giới thường rất mong manh nên dễ bỏ lọt tội phạm. Tuy nhiên, Bộ sẽ tăng cường các giải pháp để xử lý các đối tượng này.

Đại tướng TÔ LÂM, Bộ trưởng Bộ Công an: “Bộ không chủ quan, thực hiện hiệu quả, phát huy sức mạnh toàn dân và các cấp, các ngành để xử lý tội phạm này, tăng cường tuyên truyền, phối hợp với ngành ngân hàng.”

Tình trạng lộ, lọt thông tin cá nhân trên không gian mạng đang ngày càng diễn biến phức tạp, việc triển khai căn cước công dân với lộ trình bỏ sổ hộ khẩu giấy và những vướng mắc mà người dân gặp phải khi thực hiện các thủ tục liên quan…cũng là những nội dung được các Đại biểu quan tâm, chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

CẦN HOÀN THIỆN HÀNH LANG PHÁP LÝ ĐỂ BẢO VỆ DỮ LIỆU THÔNG TIN CÁ NHÂN

Bà NGUYỄN THỊ THỦY, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn: “Thời gian qua công an các địa phương cũng đã triệt phá nhiều đường dây mua bán thông tin cá nhân trên mạng xã hội, tuy nhiên vẫn còn nhiều đối tượng đang hoạt động nhưng chưa được phát hiện xử lý. Giải pháp đề ngăn ngừa tình trạng này là gì để người dân an tâm rằng những thông tin cá nhân của mình không bị trôi nổi trên các trạng mạng xã hội.”

Ông TÔ LÂM, Bộ trưởng Bộ Công an: Hiện cơ quan công an đang tích cực điều tra, làm rõ vụ rao bán 30 triệu hồ sơ người dùng được cho là lộ lọt từ ngành giáo dục đào tạo. Giải pháp chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, tham mưu hướng dẫn các cơ quan chức năng việc xử lý văn bản giả, thực hiện xác lập công tác điều tra xử lý mua bán giấy tờ giả theo quy định của pháp luật."

BỘ CÔNG AN KHÔNG CÓ CHỦ TRƯƠNG THU LẠI SỔ HỘ KHẨU GIẤY

Bà HUỲNH THỊ PHÚC, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: “Nhân dân rất quan tâm và lo lắng đối với thông tin về việc xóa bỏ hộ khẩu bằng giấy, bởi sổ hộ khẩu có liên quan đến nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp nào để giải quyết những vấn đề vướng mắc có liên quan, đặc biệt là đối với người dân không có điều kiện tiếp cận các phương tiện hiện đại.”

Đại tướng TÔ LÂM, Bộ trưởng Bộ Công an: “Theo quy định của luật về cư trú của công dân là đến 31/12 hộ khẩu giấy không còn tác dụng. Hiện nay vướng nhất là có rất nhiều quy định khác buộc người dân phải sử dụng hộ khẩu giấy. Chúng tôi có một phương án là sẽ cấp khẩn trương, đầy đủ, nhanh chóng căn cước công dân để người dân có căn cứ để giao dịch. Khi đã có căn cước công dân thì không cần phải xác nhận của bất kể ai, cơ sở nào, vì đấy là giấy tờ duy nhất pháp lý để người dân có thể đi giao dịch, để làm các thủ tục. Thứ hai là sẽ cùng với các ngành, các cơ quan ban hành quy định giải quyết các việc phải có xác nhận của giấy chứng nhận về đăng ký hộ khẩu sẽ phải bằng các biện pháp khác để không giải quyết việc này."

LÀM RÕ GIẢI PHÁP PHỤC HỒI DU LỊCH SAU ĐẠI DỊCH

Giải quyết bài toán phát triển du lịch bền vững và hiệu quả; Làm thế nào để thu hút nguồn xã hội hoá vào công tác bảo tồn, trùng tu các di tích lịch sử, phát triển du lịch di sản với nét đặc sắc của mỗi vùng miền, phát triển du lịch xanh và bền vững;  Xây dựng nếp sống văn hoá lành mạnh, trong đó có các giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về văn hoá, đạo đức xã hội từ gia đình đến nhà trường… là những vấn đề được các đại biểu chất vấn đối với Nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực và trách nhiệm của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Ông NGUYỄN HẢI ANH, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng tháp: “Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến khó lường, một số quốc gia hiện vẫn chưa sẵn sàng mở cửa thị trường du lịch và vẫn hạn chế đi lại thì việc phối hợp, hợp tác giữa Chính phủ các nước là hết sức cần thiết. Xin Bộ trưởng cho biết quan điểm và giải pháp về vấn đề này và những đề xuất của Bộ lên Chính phủ để có những chỉ đạo phù hợp, cũng như thúc đẩy hợp tác với các nước để sớm phục hồi thị trường du lịch toàn cầu, qua đó thúc đẩy phục hồi thị trường du lịch Việt Nam?”

Ông NGUYỄN VĂN HÙNG, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lich: “Cần có thời gian để kết nối với khách hàng truyền thống, cũng cần phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách tham quan, bảo đảm hơn về chất lượng dịch vụ du lịch, chuyên nghiệp hóa hoạt động kinh doanh lữ hành.”

KHÓ THU HÚT NGUỒN XÃ HỘI HOÁ VÀO CÔNG TÁC TRÙNG TU TÔN TẠO CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ

Ông DƯƠNG KHẮC MAI, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông: “Trong thực tế hiện nay, tình trạng di tích bị biến dạng, trẻ hóa sau trùng tu, tôn tạo ngày càng trở nên phổ biến tại nhiều địa phương trong cả nước. Bên cạnh đó, nhiều di tích lịch sử văn hóa không được bảo vệ, quan tâm đúng mức nên bị xuống cấp nghiêm trọng. Đề nghị có giải pháp căn cơ nào nhằm khắc phục tình trạng di lịch sử văn hóa bị xuống cấp nghiêm trọng.”

Ông NGUYỄN VĂN HÙNG, Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và du lịch: “Những năm qua, ngân sách Nhà nước hàng năm đều cấp cho mục tiêu bảo tồn, chống xuống cấp di tích nhưng còn thấp so với nhu cầu thực tế; còn nhiều di tích quốc gia bị hư hỏng qua thời gian, nhưng chưa được cấp kinh phí tu bổ. Việc triển khai lồng ghép các chương trình ở một số địa bàn tỉnh, thành phố còn thiếu tính đồng bộ, còn tâm lý trông chờ ỷ lại nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương. Trong thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò của di sản văn hóa đối với sự phát triển bền vững đất nước, tuân thủ và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật để bảo vệ nghiêm ngặt các yếu tố gốc cấu thành di tích, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích."

NGĂN CHẶN XUỐNG CẤP VỀ VĂN HOÁ, ĐẠO ĐỨC XÃ HỘI 

Ông PHẠM VĂN HÒA, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: “Môi trường văn hóa gia đình là vấn đề rất hệ trọng hiện nay. Văn hóa bị xâm hại không chỉ trong nhà trường, gia đình, mà thuần phong mỹ tục giữa con người với nhau cũng khác. Thậm chí giữa các văn nghệ sĩ cũng bị người dân phàn nàn. "Trách nhiệm của tư lệnh ngành như thế nào về môi trường văn hóa, đạo đức xã hội xuống cấp, truyền thống mai một"".

Ông NGUYỄN VĂN HÙNG, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: “Không việc không quan tâm đến vấn đề này. gia đình là tế bào của xã hội, do nhiều cơ quan quản lý khác nhau, với nhiều bộ luật khác chi phối, chứ không chỉ Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Ông cho biết, đang xây dựng tiêu chí gia đình hạnh phúc, và đây là vấn đề có tính chất lâu dài.”

Ý KIẾN ĐBQH VỀ PHIÊN CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ VH-TT-DL

Bên cạnh các chính sách nhằm hỗ trợ du lịch phát triển sau đại dịch Covid-19, đại biểu và cử tri cho rằng các Bộ, ngành, địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ để giải quyết các vấn đề được nêu ra tại phiên chất vấn.

Ông HOÀNG ANH CÔNG, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên: “Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch nhận thức rất rõ vai trò trách nhiệm của Bộ mình và đang có giải pháp. Tôi nghĩ là hợp lý. Làm sao có giải pháp để du lịch ngày càng phát triển hơn phục hồi sau Covid. Điều này là rất quan trọng. Trong thời gian qua, qua theo dõi, du lịch trong nước, nội địa phát triển rất mạnh, đoàn khách du lịch nước ngoài đã vào Việt Nam. Qua đây cho thấy vai trò của ngành văn hoá, vai trò của các bộ ngành, địa phương và người dân rất là quan trọng. Tôi hi vọng trong thời gian tới Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch làm tốt hơn. Với định hướng, nhận thức đúng đắn tôi nghĩ sẽ phát triển tốt.”

Bà NGUYỄN THỊ HỒNG HẠNH, Đại biểu Quốc hội TPHCM: “Các ý kiến tập trung sâu vào vấn đề văn hoá, thể thao, du lịch. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực liên quan đến trách nhiệm nhiều Bộ, ngành, địa phương, nên trong chừng mực nào đó cũng khó cho Bộ trưởng trả lời sâu và đầy đủ các vấn đề đại biểu quan tâm. Tôi nghĩ cần sự phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương trong giải quyết vấn đề ĐBQH quan tâm.”

Bà NGUYỄN THỊ ÁNH HOA, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM: “Chính từ câu hỏi của các đại biểu, nội dung trả lời của Bộ trưởng, chúng tôi nhận thức rõ hơn về yêu cầu, nhiệm vụ của mình. Chúng tôi cũng cần sự quan tâm để sắp tới có nhiều chính sách ưu đãi về thuế, đất đai để thu hút dự án đầu tư quy mô lớn; Chính sách về đào tạo nguồn nhân lực, ví dụ để có chương trình khấu trừ thuế cho mô hình doanh nghiệp trong trường và ngược lại để đẩy mạnh phân khúc đào tạo hiện nay và đặc biệt là tính thực hành cho đội ngũ nhân lực của ngành du lịch.”

PHIÊN CHẤT VẤN ĐÚNG VÀ TRÚNG, SÁT VỚI THỰC TẾ ĐỜI SỐNG

Phiên chất vấn tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đã thu hút sự quan tâm, chú ý rộng rãi của Nhân dân và cử tri cả nước, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình dự kiến và đạt được các yêu cầu đề ra. Các nhóm vấn đề thuộc hai lĩnh vực được lựa chọn chất vấn tại phiên họp đúng và trúng, phù hợp với diễn biến thực tế đời sống, bám sát thứ tự ưu tiên trong rất nhiều vấn đề được đại biểu Quốc hội, Nhân dân, cử tri và dư luận xã hội quan tâm.  Đây là khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi phát biểu bế mạc phiên chất vấn.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, diễn biến của phiên chất vấn cho thấy tinh thần sát thực tế, rất thiết thực, tâm huyết, thẳng thắn và trách nhiệm cao đối với cả người hỏi và người trả lời chất vấn. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trên cơ sở kết quả phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về chất vấn; đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Hội đồng nhân dân, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện Nghị quyết khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành. Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết này tại phiên họp tháng 9 hàng năm. 

TÁCH BẠCH CHỨC NĂNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VÀ ĐẠI DIỆN CHỦ SỞ HỮU

Tại Phiên họp thứ 14, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về thành lập thị trấn Bình Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

Cũng tại Phiên họp thứ 14, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất bổ sung dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Tuy nhiên, qua xem xét hồ sơ, còn nhiều vấn đề về chính sách chưa đủ rõ, cần phải làm rõ hơn. Vì vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao lại cho Chính phủ khẩn trương chuẩn bị hồ sơ để trình Thường vụ Quốc hội xem xét trong các phiên họp tới.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ việc sửa luật là cấp bách, đã 2 lần Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát về cơ cấu lại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đều đề cập vấn đề này. Tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc chuẩn bị dự thảo của Chính phủ là không kỹ, các chính sách không rõ ràng khi mà rất nhiều việc “đại sự” chưa được đề cập như vấn đề về cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp hiện có vài nghị định nhưng công tác cổ phần hóa mấy năm nay vẫn đóng băng; vấn đề sắp xếp đất đai, cổ phần hóa, cổ đông chiến lược; hay vấn đề tách bạch chức năng giữa quản lý nhà nước và cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Giải trình lý do khi không đưa chính sách này trong luật sửa đổi, đại diện Bộ Tài Chính và Bộ Tư pháp cho rằng, việc này sẽ được quy định trong pháp luật về tổ chức chứ không phải ở pháp luật chuyên ngành.

Ông NGUYỄN ĐỨC CHI, Thứ trưởng Bộ Tài chính: “Với cách tiếp cận như vậy nên Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ theo cách đó. Bây giờ trên tinh thần chỉ đạo của Ủy ban, gợi ý của Chủ tịch thì Bộ Tài chính sẽ tiếp thu và Bộ Tài chính sẽ có báo cáo rất cụ thể với Chính phủ các chính sách liên quan đến vấn đề này. Đấy là nội dung về cơ quan đại diện chủ sở hữu.”

TIẾP TỤC SỬ DỤNG 1.155 TỶ HỖ TRỢ NGƯỜI LAO ĐỘNG ẢNH HƯỞNG BỞI DỊCH COVID-19

Chiều ngày 11/8, UBTVQH thảo luận về đề xuất của Chính phủ liên quan đến việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, theo Nghị quyết số 03 của UBTVQH, các thành viên UBTVQH đã thống nhất sử dụng 1 nghìn 155 tỷ đồng từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2021 để tiếp tục chi trả hỗ trợ đối với người lao động thuộc đối tượng hưởng theo Nghị quyết.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là một trong những Nghị quyết làm rất trúng, đi vào cuộc sống rất nhanh, được các nước đánh giá cao. Để thực hiện như đề xuất của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, để có cơ sở pháp lý cao hơn thì nên ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thay vì ban hành kết luận.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: "Nhận thấy về chính sách không có thay đổi, vẫn là chính sách đó thôi cho nên chúng ta cũng không phải báo cáo lại cơ quan nào cả mà tiếp nối chính sách đó thôi. Vì số tiền thực tế là lớn hơn, trong tờ trình các đồng chí đã nêu điều đó, cho nên để thực hiện thì nên ban hành nghị quyết để cơ sở pháp lý cao hơn là ban hành kết luận, vì chúng ta ban hành theo ủy quyền của Quốc hội, sau Quốc hội còn có kiểm tra và giám sát. Nghị quyết này là tiếp nối Nghị quyết kia thôi, bổ sung số tiền cụ thể còn chính sách hoàn toàn không có gì bổ sung hay thay đổi. Tôi hoàn toàn đồng tình, làm sao đó để ta giải quyết sớm cho dứt điểm nội dung này."

100% thành viên UBTVQH đã biểu quyết thông qua đề xuất và nhất trí với việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về nội dung này.

BẾ MẠC PHIÊN HỌP THỨ 14 UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Sau 2,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm chiều 11/8, Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc. Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, UBTVQH đã hoàn thành 7 việc lớn và hai nhóm nội dung. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội bám sát các kết luận để ban hành thông báo, kết luận kịp thời, làm căn cứ tổ chức thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, UBTVQH sẽ họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, dự kiến từ ngày 15 đến ngày 18/8. Đây là nội dung hết sức quan trọng để chuẩn bị cho các phiên họp của đại biểu chuyên trách và tiến tới kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa 15. Chủ tịch Quốc hội đề nghị  Tổng Thư ký Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các cơ quan của Quốc hội theo nhiệm vụ được giao khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan trình để gửi tài liệu sớm cho UBTVQH. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các bên phải cử đúng thành phần, đảm bảo chất lượng các dự án luật ngay từ những phiên họp đầu tiên.

SỬA ĐỔI NỘI QUY KỲ HỌP, PHÁT HUY DÂN CHỦ, TĂNG TÍNH CHUYÊN NGHIỆP

Trong tuần qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dự và phát biểu chỉ đạo tại Toạ đàm Góp ý dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) do Viện nghiên cứu lập pháp phối hợp với Văn phòng Quốc hội tổ chức.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao các ý kiến góp ý chất lượng, thẳng thắn của các đại biểu. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, ảnh hưởng của đại dịch covid-19 đã tác động nhiều đến cách thức, phương thức tổ chức của Kỳ họp Quốc hội, cho phép Quốc hội thực hiện thí điểm nhiều điểm mới. Việc sửa đổi Nội quy kỳ họp lần này cần chú trọng các giải pháp để tổ chức kỳ họp linh hoạt, hiệu quả, dễ dàng thích ứng với thực tế, đảm bảo công khai, minh bạch trong hoạt động của Quốc hội. Dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội sửa đổi phải đảm bảo đồng bộ, tương thích với các quy định trong các luật liên quan như Luật tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật…Chủ tịch Quốc hội đề nghị Văn phòng Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến các chuyên gia, đại biểu, đảm bảo hoàn thiện Dự thảo Nội quy kỳ họp để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp chuyên đề pháp luật trong tháng 8 và trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua trong một kỳ họp.

GỠ VƯỚNG CHO HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Tuần qua (8/8), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì buổi làm việc giữa Lãnh đạo Quốc hội với Ban Công tác Đại biểu về việc góp ý hoàn hiện Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn một số hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân. Phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc ban hành Nghị quyết phải thật sư căn cơ, đảm bảo chất lượng, làm sao hướng dẫn gỡ được những vướng mắc thực tiễn để chuẩn hoá hoạt động giám sát của hội đồng nhân dân đi vào hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm, thực chất.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Nghị quyết,  Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, ngay từ sớm, Đảng đoàn Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã có chủ trương đối với vấn đề này, đây là nội dung quan trọng trong chương trình hành động của Đảng Đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý một số nội dung của dự thảo Nghị quyết.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Nên chăng có các nội dung hướng dẫn để tạo sự kết nối, phối hợp chặt chẽ giữa các hoạt động giám sát và các chủ thể giám sát từ khâu xây dựng chương trình giám sát, tổ chức giám sát đến giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát. Trên trên này mình làm thế thì địa phương thế nào? Hay cưỡi ngựa xem hoa? xuống nghe mấy báo cáo, khen nhau lúc đầu con voi dần dần sau cắt gọt hết ra thường trực rồi hội đồng chả còn gì?”

Chủ tịch Quốc hội cũng thống nhất tên gọi là "Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND", đồng thời nhấn mạnh đây là nghị quyết hướng dẫn, mang tính chất như một “cẩm nang” , đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của lãnh đạo Quốc hội, các đại biểu tham dự để hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật trong tháng 8 này.

COI TRỌNG LẤY Ý KIẾN NHÂN DÂN DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Chiều 8/8, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì buổi làm việc của lãnh đạo Quốc hội với Bộ Tài nguyên và Môi trường về công tác chuẩn bị Dự án Luật đất đai (sửa đổi).  

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận nỗ lực của Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường trong  công tác chuẩn bị tổng kết 10 năm thực thi Luật đất đai năm 2913 và xây dựng Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) vì đây là Luật khó, tác động sâu rộng đến nhiều chủ thể, đối tượng, cơ quan, có liên quan đến nhiều Luật khác.  Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tiếp tục chuẩn bị thấu đáo và khoa học, chú trọng  tiến độ hoàn thiệt dự án Luật sửa đổi trên cơ sở tổng kết đánh giá khoa học, kỹ lưỡng, bài bản, khoa học về Luật đất đai 2013. Cần rà soát lại những vướng mắc của Luật đất đai hiện hành với các luật khác, coi trọng lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp và các lĩnh vực tác động liên quan. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật đất đai sửa đổi là rất cần thiết và quan trọng, cần có cách thức hiệu quả nhất theo hướng cầu thị, lắng nghe nhân dân, doanh nghiệp và thực tiễn cuộc sống tại địa phương cơ sở.

NÂNG CAO HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẢNG ĐOÀN QUỐC HỘI

Chiều 8/8, Phó Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chủ trì Phiên họp thứ nhất Ban chỉ đạo Đề án “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Đảng đoàn Quốc hội”.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, để tiếp tục phát huy, nâng cao hơn nữa vị trí, vai trò của Đảng đoàn Quốc hội trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, UBTVQH trong nhiệm kỳ khóa XV và các nhiệm kỳ tiếp theo, Đảng đoàn Quốc hội đã đưa vào Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết XIII của Đảng nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ, giải pháp về công tác xây dựng Đảng và đã ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Đề án “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Đảng đoàn Quốc hội”. Khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của Đề án, Phó Bí thư Đảng đoàn Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, các thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tập trung trí tuệ, thời gian triển khai xây dựng Đề án bảo đảm đúng định hướng, chất lượng và tiến độ. Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo Đề án đã tập trung cho ý kiến về: Sự cần thiết, mục đích, quan điểm chỉ đạo của việc xây dựng Đề án; Phân công nhiệm vụ của các thành viên Ban Chỉ đạo, tổ biên tập….Theo dự kiến, đề án sẽ được hoàn thiện trình Đảng đoàn Quốc hội vào cuối tháng 12/2022.

THẨM TRA LUẬT PHÒNG CHỐNG RỬA TIỀN (SỬA ĐỔI)

Cũng trong tuần qua, Phó Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chủ trì buổi làm việc sơ kết công tác phối hợp 6 tháng đầu năm, các nhiệm vụ trọng tâm phối hợp 6 tháng cuối năm giữa Đảng đoàn Quốc hội và Đảng uỷ cơ quan Văn phòng Quốc hội.

Trong tuần qua, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tổ chức phiên họp Ủy ban mở rộng, thẩm tra sơ bộ về Dự án Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tham dự và chỉ đạo phiên họp. Với tính chất cấp bách, dự án Luật này được đề nghị trình Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình tại 1 kỳ họp - kỳ họp thứ 4 tới đây.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh yêu cầu xây dựng luật nhằm bảo đảm chủ quyền quốc gia về tài chính, tiền tệ, bảo đảm an ninh tiền tệ trong nước, phòng, chống tội phạm và tham nhũng là những yêu cầu hàng đầu. Sau đó là bảo đảm phù hợp với các yêu cầu quốc tế, khắc phục một số tồn tại hạn chế, nâng cao hiệu quả quản lý.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị có báo cáo đánh giá khái quát những kết quả đạt được trong công tác quản lý kinh tế vĩ mô thời gian qua, như trong quản lý thị trường vàng, thị trường ngoại tế... góp phần lành mạnh hoá thị trường. Đây là những nội dung quan trọng để các đại biểu Quốc hội hình dung bức tranh tình hình tài chính quốc gia và những nhiệm vụ trong phòng chống rửa tiền, phòng, chống tham nhũng.

BẤT CẬP VỀ ĐẤU THẦU THUỐC, VẬT TƯ TRANG THIẾT BỊ Y TẾ 

Trong tuần qua, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương - Trưởng đoàn giám sát về “việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” đã có buổi làm việc với Bộ Y tế và Bộ Công Thương.  

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Bộ quan tâm để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở bệnh viện công một số địa phương; lượng hóa tối đa kết quả thực hiện và đề xuất giải pháp để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Phó Chủ tịch Quốc hội TRẦN QUANG PHƯƠNG: “Tình trạng mua sắm trang thết bị, vật tư y tế vừa qua bộc lộ những khó khăn, hạn chế thế nào, kể cả quy định của pháp luật có liên quan? Giải đáp cho được vì sao đa số người dân không mua được thuốc tốt, giá rẻ, không tiếp cận được công nghệ mới ở bệnh viện công 1 cách minh bạch? Câu chuyện công tư lẫn lộn như thế nào? Định mức giá, khám chữa bệnh, thuốc, có hay không bị dẫn dắt bởi lợi ích nhóm trong việc xác định giá và đấu thầu mua sắm này?”

Chia sẻ với những khó khăn của ngành Y tế trước những bất cập cả về cơ chế, chính sách, quy định pháp luật liên quan đến mua sắm cũng như tổ chức thực hiện, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng đề nghị Bộ chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan; khắc phục tình trạng “2 sôi 3 lạnh” trong vấn đề này.

CHẬM TRỄ BAN HÀNH QUY HOẠCH NGÀNH GÂY LÃNG PHÍ NHIỀU NGUỒN LỰC TRỌNG YẾU 

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng những văn bản quy phạm pháp luật thuộc trách nhiệm của Bộ là hàng lang pháp lý quan trọng để các ngành thực hiện hiệu quả các nguồn lực. Với vai trò tham mưu quản lý nhà nước các ngành trọng yếu của đất nước, Bộ cần xác định rõ lộ trình sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền.

Phó Chủ tịch Quốc hội TRẦN QUANG PHƯƠNG: “Lãng phí do thể chế gây ra lãng phí lớn nhất. Xunh quanh vấn đề tham mưu ban hành văn bản pháp luật cần làm rõ.”

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng đề nghị Bộ Công thương chỉ rõ bất cập, khó khăn, nhất là trong các dự án trọng điểm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ; có đề xuất cụ thể, rõ ràng về hoàn thiện chính sách. Năm 2023, UBTVQH sẽ giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng”, tiếp tục làm việc với Bộ sâu hơn về vấn đề này.

Hồng Loan