Quốc hội trong tuần: Chuyến thăm quan trọng và có ý nghĩa của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Hungary và Anh

Chuyên mục “Quốc hội trong tuần” sẽ gửi đến khán giả góc nhìn toàn diện về các hoạt động của Quốc hội trong tuần qua.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI HUNGARY HỘI ĐÀM VỚI CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ

Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Hungary László Kövér, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã có chuyến thăm chính thức Hungary từ ngày 26 - 28/6/2022. Lễ đón chính thức Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã diễn ra trọng thể tại Nhà Quốc hội Hungary tại thủ đô Budapest dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Hungary László Kövér. Sau đó, Hai Chủ tịch Quốc hội đã tiến hành hội đàm, thống nhất nhiều nội dung định hướng hợp tác sâu rộng và cụ thể.

Tại cuộc hội đàm, hai bên đã trao đổi sâu rộng về nhiều vấn đề trong hợp tác giữa Việt Nam và Hungary mà một trụ cột quan trọng là hợp tác hai nghị viện và hợp tác hai bên tại các cơ chế quốc tế. Dành nhiều thời gian trao đổi về quan hệ giữa hai Quốc hội, hai bên hài lòng nhận thấy quan hệ hợp tác giữa Quốc hội hai nước đang phát triển tốt đẹp; hai bên duy trì phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn nghị viện đa phương, nhất trí duy trì hoạt động trao đổi đoàn cấp cao, các ủy ban chuyên môn và Nhóm Nghị sĩ hữu nghị nhằm trao đổi và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động nghị viện, phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, như IPU, ASEP…  

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội Việt Nam chủ trương đẩy mạnh hoạt động ngoại giao nghị viện, tăng cường hợp tác nghị viện song phương, đồng thời tích cực tham gia các diễn đàn nghị viện đa phương khu vực và quốc tế với tinh thần là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, đóng góp tích cực cho việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng rằng cuộc hội đàm thành công sẽ củng cố nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp và phát triển mạnh mẽ, quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hungary.

Ngay sau hội đàm cấp cao tại Nhà Quốc hội Hungary, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hungary László Kövér đã ký Thoả thuận hợp tác mới giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Hungary và trao đổi với Báo chí về kết quả cuộc hội đàm.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: "Cùng với thúc đẩy và làm tốt đẹp hơn nữa quan hệ chính trị, ngoại giao, chúng tôi đã thống nhất rất cao là hai Quốc hội sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác của Chính phủ, Quốc hội để nâng cao hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục đào tạo, lao động, khoa học và công nghệ cũng như các lĩnh vực hợp tác khác mà hai nước còn rất nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Quốc hội Việt Nam mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước trở thành hình mẫu của hợp tác nghị viện giữa Việt Nam với các nước trong khu vực Châu Âu cũng như trên thế giới, là một trụ cột quan trọng trong quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hungary. Chủ tịch Quốc hội tin tưởng quan hệ Đối tác tác toàn diện Việt Nam – Hungary sẽ ngày càng phát triển trên nhiều lĩnh vực.

THỦ TƯỚNG HUNGARY TIẾP CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ

Trong dịp thăm chính thức Hungary, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có cuộc gặp Thủ tướng Hungary Viktor Orban. 

Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo đã cùng nhau điểm lại những dấu mốc quan trọng trong quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước và trao đổi đề xuất những biện pháp nhằm củng cố và làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam với Hungary nói chung và quan hệ hợp tác giữa quốc hội hai nước nói riêng. 

Hai nhà lãnh đạo nhất trí cho rằng hai nước có tình bạn gắn bó, thuỷ chung, luôn giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau, cùng chia sẻ những giá trị chung và đây là tài sản chung, quý giá, không phải quốc gia nào cũng có, các thế hệ lãnh đạo nhân dân hai nước phải quyết tâm gìn giữ, phát huy; trong đó những người đã được đào tạo, học tập tại Hunggary chính là những cầu nối quan trọng cho trái tim của tình hữu nghị đó. Hai bên cũng dành nhiều thời gian trao đổi về các biện pháp cụ thể thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện, trong đó chú trọng hợp tác toàn diện qua kênh Đảng, Quốc hội, Chính phủ và giao lưu nhân dân.  

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TIẾP CHỦ TỊCH HỘI HỮU NGHỊ HUNGARY - VIỆT NAM

Tiếp ông Botz László, Chủ tịch Hội hữu nghị Hungary -Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ chuyến thăm Hungary lần này của đoàn sẽ thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác toàn diện giữa Việt Nam với Hungary nói chung và quan hệ hợp tác giữa Quốc hội hai nước nói riêng, mở ra những triển vọng mới trong quan hệ song phương cũng như hợp tác chặt chẽ trên các diễn đàn khu vực và quốc tế.

Chào mừng Chủ tịch Quốc hội Vương Định Huệ thăm chính thức Hungary, Chủ tịch Hội hữu nghị Hungary - Việt Nam Botz László bày tỏ tình cảm chân thành với đất nước và nhân dân Việt Nam, nhắc lại những kỷ niệm sâu sắc từng có mặt tại Việt Nam trong giai đoạn chiến tranh và đánh giá cao những tiến triển tích cực trong quan hệ hai nước thời gian qua.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt với Hungary - đối tác toàn diện đầu tiên của Việt Nam tại khu vực Trung Đông Âu. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn Hội Hữu nghị Hungary- Việt Nam có nhiều hoạt động tăng cường hợp tác hơn nữa, nhất là trong trao đổi đoàn, nâng cao nhận thức công chúng, nhất là trong thanh niên về mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, đa dạng hóa các hoạt động giao lưu nhân dân, đóng góp tích hơn nữa vào quan hệ hai nước nói chung.

Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đến thăm Đại sứ quán Việt Nam, gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Hungary, gặp gỡ cộng đồng doanh nhân người Việt tại Châu Âu và có các buổi tiếp lãnh đạo các tập đoàn lớn tại Hungary.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI HỘI ĐÀM VỚI CHỦ TỊCH HẠ VIỆN ANH

Nhận lời mời của Chủ tịch Thượng viện John Mcfall và Chủ tịch Hạ viện Linsay Hoyle, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thăm chính thức Liên hiệp Vương quốc Anh từ ngày 28 - 30/6/2022. Lễ đón chính thức Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã diễn ra tại Nhà Quốc hội Anh với sự chủ trì của Chủ tịch Hạ viện Linsay Hoyle. Sau lễ đón, hai nhà lãnh đạo Quốc hội đã tiến hành hội đàm.

Tại cuộc hội đàm, hai bên cùng bày tỏ coi trọng quan hệ hợp tác với nhau và tập trung thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược VN – Anh, trong đó có vai trò quan trọng của Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Việt Nam rất coi trọng quan hệ với Vương quốc Anh, mong muốn hai bên tăng cường hợp tác, đặc biệt là hợp tác 2 nghị viện, cùng nhau thống nhất đề ra những định hướng, giải pháp mới nhằm làm sâu sắc, hiệu quả hơn nữa quan hệ hợp tác song phương trên các lĩnh vực, hướng tới nâng tầm hợp tác hai nước. 

Về giáo dục, hai bên nhất trí cho rằng, đây là lĩnh vực đã hợp tác hiệu quả trong những năm qua, hiện có 12.000 sinh viên theo học ở Anh. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, cuộc toạ đàm về hợp tác giáo dục sẽ được tổ chức giữa các trường đại học của Việt Nam và các trường hàng đầu của Anh cùng với các thoả thuận được ký kết sẽ tạo động lực rất quan trọng cho hợp tác. Chủ tịch Hạ viện Anh bày tỏ ủng hộ tăng sinh viên Việt Nam học tập ở Anh và mong rằng sinh viên Anh cũng sẽ đến Việt Nam học tập nhiều hơn. 

Hai bên bày tỏ vui mừng về quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Anh trong những năm qua phát triển tốt đẹp, là nhân tố quan trọng góp phần làm sâu sắc quan hệ Đối tác chiến lược Việt - Anh. Quốc hội Việt Nam mong muốn hợp tác chặt chẽ với Hạ viện Anh để hỗ trợ và thúc đẩy phát triển quan hệ Đối tác chiến lược hai nước lên tầm cao mới. Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn lãnh đạo cấp cao và các cấp, trên các kênh, trong đó Quốc hội hai nước tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn, tăng cường phối hợp giám sát và đôn đốc thực hiện các thỏa thuận hợp tác mà Chính phủ hai nước đã ký kết.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI HỘI KIẾN CHỦ TỊCH THƯỢNG VIỆN ANH

Ngay sau hội đàm với Chủ tịch Hạ viện Lindsay Hoyle, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã hội kiến với Chủ tịch Thượng viện Anh John Mcfall.

Trên tinh thần hữu nghị, tin cậy và thẳng thắn, hai bên đã trao đổi sâu rộng tình hình quan hệ hai nước, hai Quốc hội với mong muốn Việt Nam và Anh, đặc biệt là nghị viện hai nước cùng nhau thống nhất đề ra những định hướng, giải pháp mới nhằm làm sâu sắc, hiệu quả hơn nữa quan hệ hợp tác song phương trên các lĩnh vực, với nhiều cơ hội, thách thức mới, hướng tới nâng tầm hợp tác hai nước.

Hai bên đánh giá cao hợp tác về y tế, khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cảm ơn Anh đã hỗ trợ vaccine phòng COVID-19 cho Việt Nam với tổng số hơn 2,7 triệu liều vaccine qua các cơ chế cùng với các trang thiết bị y tế trị giá 500.000 bảng Anh qua UNICEF. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Anh tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2030 về phát triển các chương trình đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp, tăng trưởng xanh, năng lượng tái tạo. 

Chủ tịch Thượng viện Anh đánh giá cao việc Việt Nam đã tích cực tham gia các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường, cắt giảm phát thải. Hợp tác giữa hai nước về công nghệ có bước phát triển lớn; hợp tác về giáo dục đào tạo phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đó, Chủ tịch Thượng viện Anh cũng cho rằng, đại dịch Covid - 19 đã làm cho xã hội thay đổi, trong đó có vai trò của nhà nước và hợp tác quốc tế trong phòng, chống đại dịch. Đây là vấn đề toàn cầu, thế giới cần phải hợp tác chặt chẽ hơn nữa và cần có cách tiếp cận toàn cầu. Về thương mại cũng phải tiếp cận theo hướng phát triển an toàn, phát triển hợp tác quốc tế cấp khu vực và toàn cầu.

TOẠ ĐÀM CẤP CAO KINH TẾ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - ANH

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Anh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dự Tọa đàm cấp cao Việt Nam - Anh về kinh tế và thương mại. Đây là sự kiện quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư và thương mại song phương, một trong những trọng tâm trong chuyến thăm Vương quốc Anh của đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam.

Tại buổi tọa đàm, các nhà lãnh đạo Việt Nam và các bộ, ngành đã trực tiếp trao đổi, trả lời các câu hỏi của các nhà đầu tư Anh về thương mại với Việt Nam, coi đây là một cơ hội để nói về câu chuyện phát triển của Việt Nam, để khẳng định Việt Nam sẽ là một điểm đến quan trọng của các nhà đầu tư Anh. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là người đầu tiên trả lời câu hỏi về sự chuẩn bị của Việt Nam để vượt qua những khó khăn trong năm 2023.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: "Một điều mà chúng tôi tâm niệm, chúng tôi rút ra được bài học quý giá là bằng giá nào cũng phải giữ được ổn định kinh tế vĩ mô; đảm bảo cân đối lớn của nền kinh tế, giữ vững được lạm phát, tỷ giá, lãi suất. Nếu giữ được ổn định kinh tế vĩ mô thì sẽ có tất cả".

Cũng tại cuộc tọa đàm cấp cao về kinh tế, thương mại, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chứng kiến lễ trao các thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp, địa phương của Việt Nam với đối tác của Anh.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TIẾP BỘ TRƯỞNG THƯƠNG MẠI ANH

Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Anh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có nhiều hoạt động quan trọng khác.

Tiếp Bộ trưởng Bộ Thương mại quốc tế Anh, bà Anne Marie Trevelyan, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao việc Việt Nam và Anh đã ký Hiệp định Thương mại tự do song phương (UKVFTA). Cho rằng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước còn khiêm tốn, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, hai bên cần khai thác tối đa tiềm năng hợp tác, phát huy hiệu quả các cam kết tại Hiệp định UKVFTA. Việt Nam sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Anh hoạt động tại Việt Nam. Hai bên cùng tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước, nhất trí cho rằng hợp tác năng lượng là lĩnh vực tiềm năng, sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI GẶP QUYỀN THỊ TRƯỞNG TRUNG TÂM TÀI CHÍNH LONDON

Gặp Quyền Thị trưởng Trung tâm Tài chính London Peter Estlin, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao vai trò của Trung tâm tài chính London, 1 trong 4 trung tâm tài chính lớn nhất thế giới, nhiều tổ chức tài chính ngân hàng Anh đã hoạt động hiệu quả tại Việt Nam trong những năm qua. Chủ tịch Quốc hội đề nghị hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện cơ sở pháp lý trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, hệ thống chấm điểm các công ty và doanh nghiệp; hỗ trợ, giúp đỡ Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện thành công dự án đưa thành phố trở thành một trung tâm tài chính quốc tế. 

Việt Nam mong muốn học tập kinh nghiệm các nước và các trung tâm tài chính khác nhau để tiếp thu những điều phù hợp nhất với Việt Nam. Phía Việt Nam muốn chia sẻ cũng như học tập từ phía Anh về thị trường vốn, tài chính, tiền tệ, sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư quanh thế giới.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI GẶP PHÓ THỦ TƯỚNG - BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP ANH

Tại cuộc gặp, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao việc trong khuôn khổ chuyến thăm lần này, Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Anh ký Ý định thư về ký mới Biên bản Ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực vực pháp luật và tư pháp giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, thể hiện quyết tâm của hai Bộ Tư pháp trong việc làm mới Biên bản ghi nhớ 2008 hướng đến các lĩnh vực hợp tác mang tính ưu tiên trọng tâm hơn bám sát với nhu cầu của cả 2 Bên cũng như phù hợp với bối cảnh tình hình mới.
 
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ GẶP BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ ANH
 
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, Biên bản ghi nhớ về phòng chống, rửa tiền giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và cơ quan phòng, chống tội phạm quốc gia của Vương quốc Anh được trao trong  dịp này là rất cần thiết. Quốc hội Việt Nam có chương trình xem xét việc sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống rửa tiền vào tháng 10/2022 tới. 
 
Tại trụ sở Bộ Nội vụ Anh, với sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh Priti Patel đã trao Biên bản ghi nhớ về phòng, chống rửa tiền. 
 
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TIẾP BỘ TRƯỞNG, CHỦ TỊCH COP26
 
Phát biểu ý kiến trao đổi tại buổi tiếp, Chủ  tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định các cam kết vừa qua của Việt Nam tại COP26 là cam kết chính trị hết sức mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, tuần hoàn. 
 
Để các cam kết nhanh chóng trở thành hiện thực theo đúng lộ trình đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác trong giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu; đề nghị phía Anh đẩy mạnh hỗ trợ Việt Nam trong các vấn đề như đào tạo, nâng cao năng lực và các chương trình hỗ trợ tài chính, kỹ thuật nhằm xây dựng lộ trình chuyển đổi sang năng lượng sạch, tái tạo. 
 
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI GẶP NHÓM DOANH NGHIỆP ANH ĐẦU TƯ TẠI VIỆT NAM
 
Chủ tịch Quốc hội cũng đã có các buổi gặp mặt đại diện một số tập đoàn, quỹ đầu tư của Anh đang kinh doanh tại Việt Nam.
 
TĂNG CƯỜNG TRAO ĐỔI CHIẾN LƯỢC, CỦNG CỐ TIN CẬY CHÍNH TRỊ GIỮA VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐC
 
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã hội đàm trực tuyến với đồng chí Vương Thần, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Ủy viên Trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc. Cuộc hội đàm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện nhận thức chung, thể hiện sinh động tình cảm hữu nghị truyền thống, mật thiết giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước.
 
Đồng chí Vương Thần, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Ủy viên Trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc vui mừng nhận thấy quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam đang phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu; mong muốn hai bên tiếp tục tăng cường tiếp xúc cấp cao, trao đổi chiến lược, thúc đẩy kinh tế hai nước phát triển bền vững. Đặc biệt, Nhân Đại toàn quốc Trung Quốc và Quốc hội Việt Nam phải phát huy hơn nữa vai trò to lớn, tạo cầu nối hữu nghị, mang lại nhiều lợi ích to lớn hơn cho nhân dân hai nước.
 
Để thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Trung Quốc thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, hai bên tiếp tục tăng cường trao đổi chiến lược và củng cố tin cậy chính trị thông qua trao đổi, tiếp xúc cấp cao; mong muốn hai bên sớm khởi động lại các hoạt động trao đổi, giao lưu hữu nghị giữa các đoàn thể, nhân dân hai nước, nhất là giữa thanh thiếu niên và thế hệ trẻ hai nước. 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh cơ quan lập pháp hai nước cần phối hợp chặt chẽ trong việc giám sát các cơ quan, bộ, ngành, địa phương liên quan của hai nước nhằm thực thi nghiêm túc 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững.

TĂNG CƯỜNG THANH TRA TRÁCH NHIỆM TIẾP CÔNG DÂN CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU

Tuần qua, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cùng đoàn công tác đã có các buổi giám sát “việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021” tại các tỉnh Khánh Hòa, Đắk Nông và Lào Cai. Tại mỗi buổi giám sát, Đoàn giám sát đều chú trọng đến việc chỉ rõ trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu.

Làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa, đoàn giám sát đề nghị tỉnh tăng cường thanh tra việc thực hiện tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, để việc tiếp nhận, giải quyết đơn thư không phải làm chức năng "bưu điện", không hình thức.

Ông TRẦN VĂN MINH- Phó Tổng Thanh tra Chính phủ: “Qua tiếp công tôi thấy từ hồi giờ tôi phụ trách mà chưa có địa phương nào kỷ luật ông nào tiếp công dân dở hết. Nêu mà tiếp dân, xử lý đơn thư như hiện nay thì chúng ta chỉ làm chức năng “bưu điện” mà chúng tôi đi thanh tra trách nhiệm ở đâu cũng thế, nhận đơn xong rồi chuyển mà không biết họ giải quyết thế nào”.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị UBND tỉnh đẩy nhanh tiến độ xây dựng trụ sở tiếp dân riêng của UBND tỉnh theo đúng quy định; chỉ đạo đầu tư trang bị cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị tại các phòng tiếp công dân;  báo cáo rõ hơn trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của người đứng đầu cả về chỉ đạo và trực tiếp tiếp công dân.

CHỈ RÕ TRÁCH NHIỆM TIẾP CÔNG DÂN, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI TỐ CÁO

Tại Đắk Nông, báo cáo cho thấy, trong 5 năm qua, Chủ tịch UBND xã chỉ tiếp công dân định kỳ đạt tỷ lệ rất thấp 1,37%. Tỷ lệ đối với Chủ tịch UBND tỉnh là 68%, thấp hơn so với định của luật. Trách nhiệm tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu cũng được Đoàn giám sát đặt ra.

Phó Chủ tịch Quốc hội TRẦN QUANG PHƯƠNG: “Đối với những vụ việc phức tạp, kéo dài tận động đông người, đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương, các đồng chí quan tâm chỉ đạo giải quyết và phối hợp với chặt chẽ với các cơ quan Trung ương cũng như các cơ quan có liên quan, địa phương để xử lý dứt điểm; 4 vụ việc đó Tổ công tác đã tham mưu cho đoàn có kiến nghị, đoàn sẽ kiến nghị đúng người, đúng việc, đúng thẩm quyền và có thời hạn, để chúng ta hoàn thành”.

Trưởng đoàn giám sát cũng đề nghị tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ và trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đồng thời tăng cường phổ biến, tuyên truyền pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức và người dân.

PHÁT HUY VAI TRÒ NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU TRONG GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI TỐ CÁO

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương ghi nhận trong những năm qua tỉnh Lào Cai đã kiên trì, công phu trong giải quyết khiếu nại, tố cáo; là địa phương đầu tư cơ sở vật chất, trụ sở tiếp công dân, trang thiết bị làm việc, xây dựng các đề án để nâng cao chất lượng tiếp công dân. Trưởng đoàn giám sát cũng đề nghị trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cần quan tâm đến việc hướng dẫn, giải thích, vận động, thuyết phục nhân dân, đặc biệt phát huy vai trò của người đứng đầu.
 
PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG: KHÔNG VÙNG CẤM, KHÔNG NGOẠI LỆ
 
Cũng trong tuần qua, đoàn ĐBQH 1 số tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 15.
 
Tiếp xúc cử tri các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Liên Chiểu, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng đã ghi nhận những băn khoăn của cử tri về nhiều vấn đề nổi cộm thời gian qua như: tình hình vật giá leo thang, tăng giá xăng làm ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, đặc biệt là công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí, đưa và nhận hối lộ trong thời gian vừa qua. Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, đối với công tác phòng chống tham nhũng, trong thời gian tới cần tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu, đoàn kết, đồng lòng, không có vùng cấm.
 
NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG
 
Tại buổi tiếp xúc của đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội với cử tri quận Hoàn Kiếm, Long Biên và huyện Đông Anh, cử tri cũng bày tỏ bất bình với các vụ nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19 tại Công ty Việt Á, mong muốn Đảng, Nhà nước tăng cường công tác kiểm tra giám sát, phòng ngừa vi phạm, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng. 
 
Đối với 1 số vấn đề cử tri quan tâm về tiến độ của đường Vành đai 4, vùng Thủ đô, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, đây là dự án quan trọng, khi hoàn thành sẽ tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, tạo không gian phát triển mới cho Hà Nội, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Đây sẽ là dự án mẫu mực, đảm bảo tiến độ, chất lượng, không lợi ích nhóm…
 
MẶT BẰNG ĐI ĐÔI VỚI PHÁT TRIỂN SINH KẾ BỀN VỮNG
 
Một trong những nội dung được cử tri tỉnh Hà Nam kiến nghị với đoàn ĐBQH là các vấn đề liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh. Cử tri cho rằng việc đền bù giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh Hà Nam so với 1 số tỉnh, thành phố còn chênh lệch, cử tri kiến nghị cần có sự điều chỉnh đơn giá giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất phục vụ các dự án. Trước những ý kiến này, tỉnh Hà Nam cam kết giải phóng mặt bằng đi đôi với phát triển sinh kế bền vững. Ngay sau buổi tiếp xúc, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam đã tiến hành kiểm tra, giám sát thực địa, động viên cử tri nhân dân tin tưởng vào các chính sách giải phóng mặt bằng của Trung ương và địa phương.
 
HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ TỪ THIỆN NHÂN ĐẠO
 
Pháp luật về từ thiện nhân đạo hiện nay vẫn chưa đồng bộ và mới chỉ rải rác trong các văn bản pháp lý có hiệu lực khác nhau, vì vậy, rất cần có văn bản pháp lý thống nhất để điều chỉnh lĩnh vực xã hội nhạy cảm này. Đây là nhận định được đưa ra tại hội thảo “Một số vấn đề lý luận về xây dựng và hoàn thiện pháp luật về từ thiện nhân đạo” do Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức.
 
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, hoạt động từ thiện ngày càng thay đổi cả về hình thức cũng như phương pháp và cách tiếp cận. Hình thức kêu gọi từ thiện cũng đa dạng, từ trực tiếp đến online, hoặc qua các buổi trình diễn ca nhạc, bán đấu giá kỷ vật được truyền hình trực tiếp. Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19 vừa qua, các bữa ăn miễn phí, ATM gạo, áo rét, thực phẩm cho người nghèo, người vô gia cư cho thấy tấm gương về từ thiện và lòng nhân ái. 

Song, có không ít hệ luỵ đáng tiếc phát sinh từ hoạt động này. Đã xảy ra trường hợp người nhận cứu trợ phải chịu những tổn thương lớn về tinh thần, thậm chí, có lúc chuyện từ thiện bị đem ra soi xét làm phai nhạt tình làng, nghĩa xóm. Đáng chú ý là việc một số nghệ sĩ kêu gọi quyên góp từ thiện nhưng không minh bạch thu - chi dẫn đến nghi ngờ, tranh cãi. 

Do đó, các chuyên gia cho rằng, pháp luật về từ thiện nhân đạo có vai trò rất quan trọng nhằm điều tiết hoạt động từ thiện đúng hướng, hiệu lực, hiệu quả. Pháp luật về từ thiện phải do Quốc hội ban hành, bao gồm các quy tắc xử sự chung, khái quát từ nhiều trường hợp phổ biến trong hoạt động từ thiện và áp dụng bắt buộc đối với tất cả các tổ chức, cơ quan và cá nhân trong nước và ngoài nước có hoạt động từ thiện tại Việt Nam.

Lê Yến