Quảng Nam: 70% khoản tăng thu NSĐP chi cho cải cách tiền lương, không đủ chi đầu tư phát triển

Chiều 11/05, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đã có buổi làm việc với lãnh đạo Uỷ ban nhân dân (UBND) và các Sở, ngành của tỉnh để lắng nghe những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các chính sách, pháp luật và kiến nghị đối với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan Trung ương.

Trong lĩnh vực tài chính, nhiều kiến nghị gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, như: sử dụng cả nguồn thu từ tiền sử dụng đất và tiền thuê đất nộp 1 lần để chi cho địa phương đầu tư xây dựng cơ bản; không nên sử dụng nguồn thu phí tham quan ở 2 di sản thế giới là khu đền tháp Mỹ Sơn và đô thị cổ Hội An để đưa vào cân đối chi thường xuyên. Đây là ăn dần vào di sản. Thay vào đó cần sử dụng nguồn này để tôn tạo trở lại và phát huy giá trị di sản. Đặc biệt, vấn đề trích tỷ lệ % và sử dụng nguồn cải cách tiền lương cho hợp lý cũng là vấn đề được quan tâm. 

Ông ĐẶNG PHONG - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng Nam: "Vượt thu so với dự toán hằng năm thì phải chi đến 70% cho cải cách tiền lương. Mình mấy nghìn tỷ vượt thu, nhưng chỉ riêng trích lại cho cải cách tiền lương cơ bản là hết, xử lý một số vấn đề nữa là hết luôn, còn gì nữa đâu mà chi đầu tư. Trong khi đó, trích vào Quỹ cải cách tiền lương hằng năm tăng lên, năm nay đã 5.000 tỷ rồi nhưng cứ để trong quỹ từ năm này qua năm khác. Trong khi nguồn lực có đó mà không sử dụng được, phải đi vay.”

Một khó khăn nữa của Quảng Nam hiện nay là tinh giản biên chế và chính sách đối với cán bộ miền núi. Yêu cầu đặt ra cho Quảng Nam là đến năm 2025 giảm tối thiểu 10% biên chế hưởng lương từ nguồn ngân sách nhà nước chuyển sang hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp, tương đương gần 3.000 biên chế. Quá trình triển khai thực tế rất khó vì đa số biên chế viên chức đều nằm ở sự nghiệp y tế và giáo dục (hơn 86%). Ngoài ra, tuyển dụng cán bộ, giáo viên công tác ở miền núi theo Nghị định 34 của Quảng Nam cũng rất gian nan.

Ông LÊ VĂN DŨNG - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam: "Hiện nay miền núi Quảng Nam tuyển dụng cán bộ rất khó, nhất là các huyện miền núi cao như Nam Trà My, Tây Giang không tìm ra cán bộ để làm việc. Thi tuyển thì người ta không nộp đơn vào đó. Người làm trên đó, người Kinh thì muốn về xuôi, tuyển dụng thì không được, chế độ chính sách không có gì. Gần như chế độ chính sách miền núi cắt giảm hết.”

Qua trao đổi với các sở ngành, một số nội dung khác cũng được đề cập, dự kiến sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tiếp tục kiến nghị tại kỳ họp thứ 3 liên quan đến dồn nguồn lực thực hiện Nghị quyết 88/2019 của Quốc hội khoá XIV nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; cơ chế hỗ trợ cho các hộ gia đình chính sách, đối tượng nhận huy chương kháng chiến đã nhận hỗ trợ 1 lần. Bởi tại nhiều địa phương của Quảng Nam, đa phần số hộ nghèo là các gia đình chính sách, đời sống còn nhiều khó khăn.

Lê Quang