Sửa đổi khoản 1 điều 75 Luật Đầu tư được cho là một trong những vấn đề khó, có tác động rất lớn đến thị trường bất động sản, do đó nhiều ý kiến nhận định việc sửa đổi cần được đánh giá tác động kỹ lưỡng, cân nhắc thấu đáo, chặt chẽ, tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư, đồng thời đảm bảo quản lý chặt chẽ đất đai, tránh thất thoát tài sản Nhà nước.
Theo điểm C khoản 1 Điều 75 của Luật Đầu tư năm 2020 sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở, điều kiện để được làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại đồng thời với quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, là phải có quyền sử dụng đất ở hợp pháp, hoặc có quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác. Để tháo gỡ khó khăn cho hàng trăm dự án nhà ở thương mại trên cả nước hiện nay, ngoài 2 trường hợp kể trên, Chính phủ đề xuất sửa đổi điểm C, khoản 1, điều 75 theo hướng nhà đầu tư có quyền sử dụng các loại đất khác không phải là đất ở, nhưng phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để xây dựng dự án nhà ở thương mại.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.Hồ Chí Minh: “Khoản 1 điều 23 thì chưa bao quát hết được trường hợp các nhà đầu tư có quyền sử dụng đất. Lần này dự thảo sửa đổi điểm c khoản 1 điều 75 luật đầu tư (khoản 1 điều 23 luật nhà ở) đã tiếp thu ý kiến rất tốt, chúng tôi tin nếu được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường thì sẽ đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, liên thông của các văn bản quy định pháp luật.”
Tuy nhiên, khi đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp…được chuyển thành đất ở thì giá trị đã có sự chênh lệch rất lớn. Theo các chuyên gia, nếu không quy định chặt chẽ, sẽ dẫn tới lợi ích nhóm, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước.
Ông Lê Thành Vinh - Công ty Luật TNHH T&P: “Tôi nghĩ có 2 việc cần phải giải quyết, thứ nhất Nhà nước cần làm quy hoạch tốt, tránh hiện tượng lobby chính sách hoặc có những ảnh hưởng nào đó dẫn đến việc lập quy hoạch ko dựa vào các tiêu chí như luật quy định. làm sao để đảm bảo tính cái tiền sử dụng đất công khai, minh bạch, đúng với thị trường, đảm bảo Nhà nước không bị thất thu”
Quá trình thẩm tra, Uỷ ban kinh tế, Uỷ ban Pháp luật tán thành sự cần thiết, nghiên cứu, sửa đổi nội dung này. Tuy nhiên, đề nghị cần tổng kết, đánh giá kỹ hơn thực tiễn thi hành Luật, làm rõ vướng mắc nào xuất phát từ quy định của Luật, vướng mắc nào do các nguyên nhân khác.
Ông Hoàng Minh Hiếu - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật: “Trong quá trình thẩm tra chúng tôi nhận thấy có nhiều quan điểm khác nhau. Nhiều ý kiến đồng ý với việc chúng ta sửa đổi. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng đây là một chính sách mới hoàn toàn phải đánh giá tác động cụ thể đến thị trường bất động sản trên cơ sở đó mới có giải pháp phù hợp hơn”
Tháo gỡ vướng mắc khó khăn, tạo môi trường thông thoáng, điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư là cần thiết tuy nhiên việc điều chỉnh luật cũng cần phải được các đại biểu xem cân nhắc, xét kỹ lưỡng, thấu đáo cho ý kiến trước khi quyết định thông qua