Phủ sóng bảo hiểm xã hội cho 52 triệu lao động phi chính thức

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, kết quả cho thấy, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt mục tiêu đề ra với nhiều “điểm sáng” trong lĩnh vực người có công, giảm nghèo và an sinh xã hội.

Tuy nhiên cần quan tâm hơn đối với nhóm lao động phi chính thức bởi nhóm lao động này đang phải chịu nhiều thiệt thòi và bất lợi trong thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội.

Theo các đại biểu, đại dịch covid 19 đã bộc lộ những hạn chế của hệ thống an sinh xã hội, đặc biệt là 52 triệu lao động khu vực phi chính thức bởi gần như những lao động này không nằm trong phạm vi bao phủ của bảo hiểm xã hội hay trợ giúp xã hội thường xuyên vì thế nhóm lao động này đang phải chịu nhiều thiệt thòi và bất lợi trong thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội. Do đó, việc triển khai những giải pháp đồng bộ, hữu hiệu trong bảo đảm quyền được hưởng an sinh xã hội cho người lao động khu vực kinh tế phi chính thức trong thời gian tới là hết sức cần thiết.

Một số đại biểu cho rằng cần nghiên cứu chế độ đóng góp và thụ hưởng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo hướng nhà nước tăng hỗ trợ một phần BHXH và cho phép người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng đầy đủ các chế độ BHXH như bảo hiểm xã hội bắt buộc nhằm thu hút người lao động tham gia BHXH tự nguyện.

Ngoài ra cần xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa tầng; phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, hiện đại, hội nhập quốc tế theo hướng bao phủ toàn bộ lực lượng lao động; cải cách hệ thống hưu trí, đổi mới cung cấp đa dạng các sản phẩm bảo hiểm xã hội; phát huy đầy đủ các chức năng của bảo hiểm thất nghiệp; chủ động phòng ngừa, giảm thất nghiệp và duy trì việc làm bền vững cho người lao động.

Đức Minh