Phòng dịch trong trường học cần thực tế hơn

Từ 21/03 nhiều trường học đã cho học sinh đi học trực tiếp trở lại trong bối cảnh dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát và một số địa phương có dấu hiệu qua đỉnh dịch. Trẻ con đi học, người lớn đi làm, đây chính là trạng thái bình thường mới mà chúng ta hướng tới. Để duy trì ổn định điều này, đã đến lúc cần nhìn lại và thay đổi những quy định không phù hợp.

Đây là quang cảnh giờ tan học tại 1 trường THCS trên địa bàn Hà Nội. Nhưng chắc chắn, đây cũng là cảnh tượng quen thuộc với nhiều trường học khác. Một trong những ý nghĩa quan trọng của việc đến trường là để kết nối, giao lưu với bạn bè. Yêu cầu các em học sinh giữ khoảng cách, không tụ tập khi đến trường là yêu cầu không tưởng.

Em NGUYỄN HÀ CHÂU, Học sinh lớp 9C1, trường THCS Lý Thái Tổ, Hà Nội: “Em nghĩ khá là chán khi đang muốn chơi với bạn bè lại phải giữ khoảng cách. Như thế thà học ở nhà còn hơn ạ.”

Em NGUYỄN THỊ QUỲNH ANH, Học sinh lớp 12Q, trường THPT Lý Thái Tổ, Hà Nội: “Sau khi đi học thì có những lúc không nhất thiết là ở trường, bọn em vẫn đi tụ tập, nói chuyện, tháo khẩu trang. Lúc đó khoảng cách cũng không còn hiệu quả nữa. Với lại ở trên lớp 1 phòng học cũng khá là hẹp so với sức chưa 30, 40 học sinh nên giữ khoảng cách cũng không có ý nghĩa.”

Không chỉ tréo ngoe đối với nhu cầu của các em học sinh, yêu cầu chống dịch liên quan đến khoảng cách hay không tụ tập cũng đặt thách thức lớn đối với cơ sở vật chất của các trường. Số phòng học có hạn, nhân lực giáo viên có hạn cùng với các điều kiện khách quan khó đảm bảo việc giữ khoảng cách ở học sinh.

Thầy TRỊNH HÀO QUANG, Giáo viên môn Toán, trường THPT Lý Thái Tổ, Hà Nội: “Sắp tới mà đi học trực tiếp thì sẽ là cái giai đoạn nắng nóng, cần phải bật quạt, bật điều hòa. Lúc đó đóng cửa bật điều hòa mà giữ khoảng cách thì cũng không còn tác dụng.”

Bên cạnh đó, quy định liên quan đến truy vết các “F” cũng cần điều chỉnh để phù hợp thức tế, tránh gây ra tình trạng các lớp học trống vắng vì F0, F1 trong khi các em vẫn đủ điều kiện học tập.

Thầy TRỊNH HÙNG SƠN, Hiệu trưởng trường THPT Lý Thái Tổ, Hà Nội: “Để tạo điều kiện cho học sinh đến trường thuận lợi thì các quy định liên quan đến F0, F1 chúng ta cũng nên nhẹ nhàng đi. F0 nếu đủ sức khỏe các con vẫn có thể đi học, như là công nhân vẫn có thể đi làm. Còn F1 thì thôi, cứ để các con đến trường học bình thường. Chứ để nửa lớp online nửa lớp offline thì chất lượng kém lắm.”

Để thực sự đạt được trạng thái bình thường mới, chúng ta không chỉ cần rà soát lại các quy định không phù hợp, mà cần có tư tưởng và chính sách nhất quán. Trong đời sống cũng như trong môi trường học đường, các quy định cần thực tế và thông thoáng hơn để tránh gây khó trước, khó sau.

Thế Anh