Phòng chống dịch Covid-19: Địa phương trả lại vaccine, dịch bùng phát, ai chịu trách nhiệm?

Đến nay, tình hình dịch bệnh trên cả nước đã được kiểm soát, số ca mắc giảm mạnh và chủ yếu là ca mắc nhẹ. Điều này dẫn đến tình trạng chủ quan ở cả người dân và các cấp chính quyền. Sáng nay 20/6, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương về công tác phòng chống dịch.

Tiến độ tiêm vaccine mũi 3 chậm rất nhiều; một số địa phương như Đắk Lắk, Quảng Nam.. chỉ đạt trên 30%. Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là người dân lo ngại tác dụng phụ do bị ảnh hưởng từ nguồn tin không chính thống; cán bộ y tế lo ngại về việc xử lý phản ứng phụ với các trạm tiêm lưu động. Đáng chú ý, có địa phương trả lại vaccine dù còn nguy cơ dịch. 

Ông ĐỖ XUÂN TUYÊN, Thứ trưởng Điều hành Bộ Y tế: “Trước đây, các đồng chí báo cáo là Bộ Y tế không cấp vaccine. Bây giờ cấp vaccine thì một số tỉnh không nhận, làm văn bản trả lại. Trả lại, sau đó dịch xảy ra thì ai chịu trách nhiệm? Tỉnh nào còn đối tượng tiêm mà không nhận vaccine hoặc trả vaccine lại, tôi đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh đó có cam kết với Chính phủ, với Thủ tướng Chính phủ”.

Tại cuộc họp, Bộ Y tế cũng hướng dẫn 1 số đối tượng cần tiêm mũi 4 vaccine phòng Covid-19 gồm: Người từ 50 tuổi trở lên; Người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; Người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19 như: Cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu, công nhân các khu công nghiệp. 

Tuy nhiên, có một số vaccine phải tiêm 3 mũi mới hoàn thành liều cơ bản như Vero Cell, Abdala, dẫn đến cách hiểu chưa thông suốt ở nhiều người về việc tiêm mũi 4; việc tuyên truyền cho người dân còn chưa rõ ràng.

Tiến Cường