Phố cổ Hội An không chỉ bị ảnh hưởng bởi quy định về bảo tồn di sản mà còn chịu sự điều tiết của nhiều quy định khác

Chiều 17/12, tham dự phiên toàn thể Hội thảo Văn hóa 2022 về “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hoá” diễn ra tại tỉnh Bắc Ninh, ông Phạm Phú Ngọc - Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã có bài tham luận về "Chính sách và nguồn lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới khu phố cổ Hội An".

Theo ông Phạm Phú Ngọc, số liệu thống kê về di tích trong khu vực I cho thấy, di tích thuộc sở hữu tư nhân là 929 di tích, chiếm 82,21%; di tích thuộc sở hữu cộng đồng là 13, chiếm 1,15%; di tích thuộc sở hữu nhà nước là 184 di tích, chiếm 16,28%. Với hơn 80% di tích thuộc sở hữu tư nhân và tập thể tạo nên sự đặc thù của Khu phố cổ so với các di sản khác ở Việt Nam. Di tích thuộc sở hữu tư nhân và tập thể đồng nghĩa trong từng di tích vẫn đang hàng ngày diễn ra hoạt động cư trú, sinh hoạt, hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân và vì thế khu phố cổ được xem là một “bảo tàng sống”.

Chủ nhân thực sự trong đó chính là cộng đồng dân cư. Cộng đồng dân cư ở đây không chỉ nắm giữ các di tích mà còn đang thực hành, bảo lưu các giá trị di sản văn hóa phi vật thể vô cùng phong phú như về nếp sống truyền thống của cư dân đô thị, lễ hội, tín ngưỡng dân gian, ẩm thực,… và luôn có sự sáng tạo để đưa giá trị di sản đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Với đặc thù này, trong khu phố cổ không chỉ có các quy định về lĩnh vực bảo tồn di sản, mà còn chịu sự điều tiết của rất nhiều quy định pháp luật khác của một địa phương thuộc hệ thống quản lý hành chính nhà nước. Điều này tạo nên đặc điểm khá đặc thù của khu phố cổ và đặt ra nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp trong quá trình quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị hơn so với nhiều di sản khác ở Việt Nam.

Mời quý vị và các bạn theo dõi bài tham luận của ông Phạm Phú Ngọc!

(*) Tham khảo thêm thông tin về hội thảo, mời các bạn truy cập tại đây: https://bit.ly/3HGk4nu

Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số