Phó Chủ tịch Quốc Hội: Công tác giám sát của Quốc hội phải đổi mới về nội dung

Nhân dịp năm mới, Phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải xoay quanh Kỳ họp bất thường lần thứ nhất và một số nhiệm vụ trọng tâm của Quốc hội trong năm 2022. Mời Quý khán giả theo dõi những chia sẻ quan trọng của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Phóng viên Thanh Nga: Xin trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã trả lời phỏng vấn của Truyền hình Quốc hội Việt Nam. 

Thưa Phó Chủ tịch, tại kỳ họp bất thường, Quốc hội thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với tỷ lệ đồng thuận rất cao. Xin Phó Chủ tịch cho biết Quốc hội kỳ vọng điều gì khi bấm nút ban hành Nghị quyết này? 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải: Kỳ họp bất thường vừa qua, chúng ta tổ chức trong điều kiện hết sức gấp, cấp bách, và trong một thời gian ngắn, và chưa có trong tiền lệ. Để chuẩn bị cho nội dung chuẩn bị cũng hết sức lớn, liên quan đến nhiều vấn đề về kinh tế xã hội. Trong thời gian đó, đòi hỏi trước hết vài trò của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội phải tập trung chuẩn bị các nội dung, tập trung vào những nội dung hết sức thiết yếu. Đó là các nội dung về chính sách tài khoá, tiền tệ để phục hồi và phát triển kinh tế. Thứ hai là sửa một số luật, có liên quan trực tiếp đến tháo gỡ ách tắc để phát triển kinh tế, liên quan đến đầu tư công, liên quan đến các lĩnh vực mà chúng ta làm sao hỗ trợ các giải pháp cho tốt hơn. Bên cạnh đó cũng bàn một số cơ chế đặc thù, để làm sao cho các vùng động lực của các địa phương có thể vươn lên được. Chúng ta tiến hành họp trong điều kiện khó khăn của nền kinh tế thế giới nói chung, và trong nước, sản xuất thì đang bị đứt gãy. Tác động của dịch Covid-19 không nhỏ đối với người dân và doanh nghiệp, hơn lúc nào hết gói hỗ trợ kịp thời và đúng lúc lúc này hết sức quan trọng cho nên dù có khó khăn như nào, các cơ quan của Quốc hội rồi các cơ quan của Chính phủ cũng phải phối hợp một cách tích cực, chặt chẽ và khẩn trương để chúng ta triển khai và chúng ta ban hành chính sách kịp thời và đúng mục tiêu. Chiến lược này nó sẽ quyết định việc chúng ta nhanh chóng khắc phục hậu quả của dịch Covid-19 trong giai đoạn vừa qua, từng bước thích ứng với giai đoạn mới và phục hồi kinh tế, để đảm bảo đời sống cho người dân, đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp, và chúng ta có thể thực hiện được các mục tiêu dài hạn mà đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 đã đề ra và các kế hoạch kinh tế -xã hội 5 năm mà chúng ta vừa thông qua. 

Bên cạnh đó, khi xây dựng chính sách thì với đề xuất của Chính phủ, trước hết chúng ta phải xác định được quy mô và tính hợp lý, quy mô này phải phù hợp với nền kinh tế của chúng ta, và nó phù hợp ở chỗ với quy mô từ 1-1,2% của GDP hằng năm thì vừa với sức của nền kinh tế, và nó không gây ra các hậu quả lớn về kinh tế vĩ mô, ví dụ như chúng ta phải rất cẩn trọng với vấn đề lạm phát, vấn đề bội chi, vấn đề nợ công, và quan trọng nhất là gói này phải đi vào trực tiếp, tạo sự ổn định nền kinh tế. Và để giám sát này thì Quốc hội phải đặt ra mục tiêu trước mắt quy mô gói hỗ trợ hàng năm phải có tính toán cụ thể, và phải được tổng hợp vào ngân sách để việc kiểm tra, giám sát phối hợp cho nó có hiệu quả. Bên đó chúng ta phải có một chỉ tiêu dài hạn là đảm bảo mục tiêu dài hạn của kế hoạch 5 năm không được vượt qua những chỉ tiêu mà chúng ta đặt ra. Ví dụ ngưỡng của trần nợ công, bội chi, những vấn đề về mục tiêu phát triển kinh tế của GDP, tỷ lệ thất nghiệp, lạm phát, những vấn đề đó chúng ta phải quản lý được, và như vậy thì mới có tính bền vững của các giải pháp đề ra. 

Quy mô gói hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế lên tới 350 ngàn tỷ đồng. Để chính sách hỗ trợ đến đúng đối tượng, Chính phủ cần thực hiện những biện pháp để gì? 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải: Vì gói hỗ trợ rất lớn và yêu cầu của Quốc hội là tiến hành có hiệu quả trong một thời gian ngắn, chủ yếu trong hai năm tới, cho nên vấn đề đầu tiên là vấn đề tổ chức thực hiện. Chính phủ phải nhanh chóng ban hành các văn bản liên quan để tổ chức hướng dẫn cho việc thực hiện các nội dung. Bên cạnh đó, quan trọng nhất là phải có kế hoạch, thể hiện lồng ghép với kế hoạch kinh tế xã hội đã được thông qua, và xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu, các cấp uỷ đảng và chính quyền địa phương, các bộ ngành, trong việc cụ thể hoá các nội dung của gói hỗ trợ. Đặc biệt là có nhiều vấn đề liên quan đến việc kế hoạch đầu tư công, liên quan đến các luật, văn bản quy định và hiện nay, chúng ta phải kịp thời điều chỉnh một số nội dung để làm sao triển khai gói hỗ trợ này tích cực và có hiệu quả. Việc giám sát của Quốc hội không chỉ là giám sát thông qua kế hoạch thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội, mà thực hiện nghị quyết mà nó phải thể hiện được trách nhiệm của các đoàn Đại biểu Quốc hội, từng đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Lần này, Quốc hội xác định rõ ràng vai trò của cơ quan kiểm toán; vai trò của các cơ quan giám sát trong việc thực hiện gói hỗ trợ này. Bên cạnh đó có thể khẳng định rằng vai trò của các cơ quan truyền thông, cơ quan báo chí trong việc phản ánh kịp thời, đưa tin việc thực hiện gói hỗ trợ này cũng là việc quan trọng. 

Vâng, vâỵ làm sao để Quốc hội có thể đo lường được hiệu quả của những chính sách này? 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải: Hiệu quả của một chính sách là hiệu quả cuối cùng là ổn định đời sống nhân dân. Thứ hai là các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, nhưng trên từng lĩnh vực một thì đã có chỉ tiêu cụ thể thì chúng ta phải đồng thời đánh giá qua hằng năm. Ví dụ như chỉ tiêu về giảm lãi suất thì hàng năm chúng ta phải xem cụ thể là hàng năm chúng ta giảm lãi suất cho người dân và doanh nghiệp của hệ thống ngân hàng cụ thể là bao nhiêu? Mức từ 0,5 đến 1%, chúng ta phải triển khai thực hiện trong từng năm là bao nhiêu? Và như vậy nó có liên quan đến các chỉ tiêu khác nữa tức là số doanh nghiệp được vay vốn, được hỗ trợ, các hộ gia đình được vay vốn. Nhưng bên cạnh đó là nợ xấu có tăng lên hay không? Nó biến động như thế nào? để chúng ta có giải pháp. Hoặc hỗ trợ chúng ta có chỉ tiêu về giảm thuế VAT giá trị gia tăng 2%, cho một số mặt hàng thì cái này nó có ảnh hưởng đến chỉ tiêu giá tiêu dùng, chỉ tiêu đến thu chi ngân sách. Nhiều khi chúng ta giảm thuế thế nhưng tiêu dùng được kích thích có khi chỉ tiêu thu, nộp của các doanh nghiệp qua chỉ tiêu về thuế chúng ta có thể đánh giá được hiệu quả. Ngoài ra chỉ tiêu chúng ta đánh giá là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công hàng năm và trực tiếp là công trình có liên quan đến gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế như thế nào? thì hằng năm nó có được nâng lên cao hay không? Đấy là mục tiêu chúng ta phải thực hiện trong một thời gian ngắn, và một vấn đề hết sức quan trọng, đó là chỉ tiêu các gói hỗ trợ liên quan trực tiếp tới an sinh xã hội, thì có trực tiếp đến được người dân, liên quan có hiệu quả hay không? Giải quyết việc làm có tăng lên hay không và tỷ lệ thất nghiệp được giải quyết như thế nào? Rất là nhiều chỉ tiêu về kinh tế chúng ta có thể đánh giá để phục vụ công tác giám sát. 

Năm 2022, Quốc hội sẽ thực hiện giám sát tối cao hai chuyên đề. Trong đó, đoàn giám sát đầu tiên là về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”. Quốc hội phân công Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm Trưởng đoàn. Đối tượng giám sát là Chính phủ và các Bộ (trong đó tập trung vào các ngành, lĩnh vực như Kế hoạch và Đầu tư, Tài Nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông vận tải, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 

Thời gian giám sát từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, từ ngày 01/01/2019, riêng các quy định về lập, thẩm định quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh có hiệu lực thi hành từ ngày 01/03/2018 đến ngày 15/12/2021./.

Ngay từ những ngày đầu của năm 2022, đoàn giám sát tối cao của Quốc hội về việc thực hiện Luật quy hoạch đã bắt tay vào triển khai công tác. Xin Phó Chủ tịch cho biết mục tiêu của chuyên đề giám sát này?

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải: Việc thực hiện giám sát, vì đây là giám sát tối cao thực hiện luật quy hoạch là rất quan trọng. Bởi vì luật quy hoạch chúng ta đã sửa đổi có liên quan tới rất nhiều luật và việc quy hoạch để chúng ta cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, chiến lược phát triển kinh tế xã hội. Nếu không có quy hoạch thì chúng ta sẽ không cụ thể hóa được các vấn đề kinh tế xã hội cụ thể. Nhưng có một khó khăn rất lớn là kế hoạch tổng thể, quy hoạch tổng thể quốc gia của chúng ta lại chưa hoàn chỉnh. Chúng ta phải đồng thời song song tiến hành việc giám sát này để thực hiện công tác phục vụ cho việc triển khai công tác quy hoạch. Bên cạnh đó quy hoạch còn liên quan tới nhiều vấn đề phát sinh, nó liên quan tới việc liên kết vùng, liên quan tới việc quản lý đô thị, liên quan tới việc quản lý đất đai và nó liên quan tới tình hình mà hiện nay đang diễn biến phức tạp về phòng chống thiên tai, thích đứng với biến đổi khí hậu. Do vậy đánh giá công tác quy hoạch và thực hiện luật quy hoạch tạo một nền tảng pháp lý để chúng ta có cơ sở triển khai thực hiện một cách có hiệu quả những vấn đề phát triển kinh tế dài hạn, cũng như là trước mắt của đất nước cũng như là của từng địa phương.

Xin Phó Chủ tịch cho biết công tác giám sát của Quốc hội năm nay sẽ có những đổi mới và thích ứng như thế nào với tình hình dịch bệnh? 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải: Công tác giám sát của Quốc hội thì trước hết phải đổi mới về nội dung, việc xây dựng một kế hoạch giám sát phải hết sức cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm và đổi mới phương thức giám sát, trước hết, việc chuẩn bị các báo cáo của Chính phủ và các bộ ngành, của các địa phương phải làm cho tốt, đó là bước đầu tiên, quyết định được các nội dung mà Đoàn giám sát tối cao cũng như là các địa phương phải tập trung để giám sát những nội dung đó vào việc giám sát phải thích ứng với tình hình, diễn biến phức tạp hiện nay của dịch bệnh nên có thể có kết hợp giữa hai hình thức là giám sát trực tiếp và trực tuyến và phải huy động được nhiều ý kiến của các chuyên gia và các nhà khoa học, các tổ chức xã hội và chúng ta phải tổ chức làm sao để chúng ta gọn nhẹ nhưng mà đi sâu và có trọng tâm, trọng điểm.

Nhân dịp đầu xuân năm mới, Phó Chủ tịch Quốc hội có điều gì muốn nhắn gửi tới cử tri cả nước ạ? 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải: Trước hết trên lĩnh vực kinh tế, chúng ta phải tập trung thực hiện Nghị quyết của Quốc Hội về các giải pháp hỗ trợ và phục hồi phát triển kinh tế và đối với đồng bào cả cử tri cả nước, chúng ta đã vượt qua một giai đoạn khó khăn, thể hiện sự đồng lòng quyết tâm. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với vai trò của mình, Quốc hội rất tin tưởng là các chính sách này sẽ đi vào cuộc sống. Đối với cử tri đã gửi gắm nguyện vọng của mình thông qua các vị đại biểu Quốc hội, thông qua các vị đại biểu hội đồng nhân dân ở các cấp, thì việc tổ chức thực hiện vai trò của các đại biểu cũng hết sức quan trọng, Hội đồng nhân dân, rồi các cơ quan của Quốc hội cũng phải có trách nhiệm tham mưu triển khai các vấn đề cụ thể và đồng thời phải tích cực thực hiện giám sát của mình theo vai trò. Bên cạnh đó là vai trò của các đoàn thể tổ chức chính trị xã hội. Nếu cả xã hội của chúng ta đồng lòng thì việc chúng ta thực hiện các giải pháp này sẽ có hiệu quả và có kết quả hơn. Mục đích cuối cùng là chúng ta đảm bảo đời sống của nhân dân, phục hồi và phát triển kinh tế./.

Xin trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch Quốc hội. Xin chúc Phó Chủ tịch Quốc hội sức khoẻ và có nhiều thành tựu trong hoạt động Quốc hội năm 2022. 

Thanh Nga