Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương thị sát dự án nghìn tỷ đồng bị treo 23 năm

Quốc hội đã quyết liệt giám sát, yêu cầu các bên liên quan khẩn trương tiến hành dự án. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cùng đoàn công tác của Quốc hội cũng đã trực tiếp thị sát và làm việc tại Đà Nẵng.

>> Mòn mỏi dự án làng Đại Học Đà Nẵng treo 23 năm

Nguyên nhân của dự án treo được xác định là thiếu vốn giải phóng mặt bằng. Đại học Đà Nẵng kiến nghị ưu tiên bố trí vốn cho các dự án Đại học Đà Nẵng từ nguồn ngân sách trung ương trong kế hoạch vốn trung hạn 2021-2025 để tập trung giải phóng mặt bằng. Trước mắt, bố trí vốn cho dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng tại phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam 

Ông NGUYỄN NGỌC VŨ - Giám đốc Đại học Đà Nẵng: “Kính đề nghị Quốc hội quan tâm bố trí vốn trung hạn trong giai đoạn tới, nhưng chúng tôi thấy cũng rất là khó. Nên trước mắt chúng tôi đề nghị quan tâm, bố trí phê duyệt dự án giải phóng 12ha phía Quảng Nam, mà sau này theo Bộ kế hoạch đầu tư yêu cầu là lập lại 9ha cộng với cấu phần xây dựng hạ tầng kỹ thuật với khoảng 181 tỷ (đồng)”.

Trước đó, Đà Nẵng cũng thống nhất dùng kinh phí địa phương để xây dựng khu tái định cư sẽ thu lại từ việc thu tiền sử dụng đất. Dự án Khu tái định cư quy mô 12,7 ha, tổng mức 227 tỷ, đồng thời bổ sung thêm quỹ đất từ 6 khu tái định cư đã hoàn thiện khác để đáp ứng nhu cầu tái định cư cho dự án này. 

Ông LÊ QUANG NAM - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng: “Đối với khu vực tái định cư này với 12ha thì phê duyệt 1/100 sẽ triển khai tháng 12/2021, dự kiến khởi công tháng 4/2022. Với tốc độ hạ tầng thì hy vọng sẽ kịp công tác giải toả của đại học Đà Nẵng”.

Trong khi đó phía Quảng Nam dù mong muốn đẩy nhanh tiến độ nhưng với hơn 700 hộ dân cần diện tích hơn 190ha, kinh phí dành cho giải phóng mặt bằng đã hơn 2.000 tỷ đồng. 

Ông LÊ VĂN DŨNG - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam: Chủ trương là như vậy nhưng cái nguồn lực thực hiện dự án này thì trung ương chưa đầu tư đúng mức nên khả năng thực hiện dự án này còn rất chậm. Cộng vào đó, là việc giải toả trắng, di dời người dân tái định cư đến nơi ở mới với số lượng hộ rất lớn như vậy thì vô cùng khó khăn cho những địa phương thực hiện dự án này. Bởi vì muốn tái định cư được thì phải có khu tái định cư. Nhưng mà phải tạo điều kiện để nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ. Đây cũng là việc khó đối với Quảng Nam.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương yêu cầu các bên liên quan khẩn trương thực hiện các giải pháp tháo gỡ, đồng thời khẳng định, Quốc hội đã giao Chính phủ thí điểm tách các dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án chung nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án treo cũng như tránh xảy ra tình trạng tương tự.

Thượng tướng TRẦN QUANG PHƯƠNG - Phó Chủ tịch Quốc hội: "Rất mừng là Đà Nẵng đã mạnh dạn đi trước việc ứng tiền ra để bố trí tái định cư. Theo luật thì muốn giải phóng mặt bằng, tái định cư, thì dự án phải được phê duyệt, và bây giờ vẫn chưa tách được dự án tái định cư cũng như giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án chung được. Vừa rồi các đại biểu Quốc hội cũng đề xuất rất nhiều. Và hiện nay Quốc hội cũng giao cho Chính phủ triển khai thí điểm tách các dự án giải phóng mặt bằng và tái định cư ra khỏi dự án chung. Chứ còn cái công trình quốc gia thì rõ rồi, còn hạng B, C thì đang giao cho Chính phủ thí điểm”.

Ở góc độ người dân vùng dự án, khi nền kinh tế thị trường phát triển, giá đất khu vực xung quanh đã tăng phi mã suốt hơn chục năm qua, thì việc thoả thuận, áp giá đền bù không thể theo bảng giá cũ. Đó thực sự là nhu cầu chính đáng. Nhưng xây dựng bảng giá như thế nào cho phù hợp, và đối thoại, thoả thuận với người dân như thế nào vẫn là câu hỏi còn đang bỏ ngỏ.

Mỹ Phượng