Tạo chuyển biến căn bản trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV, Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với hoạt động giám sát công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã nhấn mạnh, Quốc hội không đơn thuần chỉ làm nhiệm vụ thống kê, tổng hợp chuyển đơn thư khiếu nại, tố cáo mà cần tạo chuyển biến thực chất trong công tác này.

Tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo là hình thức biểu hiện trực tiếp của mối quan hệ giữa nhân dân với Nhà nước. Ngay từ những ngày đầu thành lập Nhà nước Việt Nam kiểu mới - Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Người từng nói: Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dầu khó đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ tới đời sống của dân. Phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới. Đồng bào có oan ức thì mới khiếu nại, vì chưa hiểu chính sách của Đảng, Chính phủ mà khiếu nại. Chính bởi vậy đây luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng.

Theo chiều dài phát triển của đất nước, các Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo cũng lần lượt được ra đời để thể chế hoá các quyền chính trị, dân sự, kinh tế của công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp; tạo cơ sở pháp lý quan trọng để công dân thực hiện quyền khiếu nại, quyền tố cáo, qua đó góp phần tích cực nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước .

Tuy nhiên do quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhiều mối quan hệ phát sinh, diễn biến nhanh, việc điều chỉnh bằng văn bản pháp luật và công tác quản lý Nhà nước chưa theo kịp thực tiễn, nhất là trong các lĩnh vực đất đai, môi trường, đầu tư, xây dựng, y tế, giáo dục… Việc công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp của một số cơ quan có thẩm quyền còn chưa kịp thời, đầy đủ, khách quan, có biểu hiện hình thức. Vẫn còn bộ ngành, địa phương, người đứng đầu chưa thực hiện đầy đủ việc tiếp công dân định kỳ; hiện tượng khiếu nại đông người, vượt cấp có chiều hướng gia tăng, nhiều vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm… Do vậy, những tồn tại, bất cập, vướng mắc, hạn chế cần được nhận diện và cần có lời giải đáp thoả đáng; đi đến cùng trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc ban hành và tổ chức thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan. Đây cũng chính là lý do để UBTVQH lựa chọn, thông qua Nghị quyết 289 thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021” vào chiều 17/8/2021. Đoàn giám sát do Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương làm Trưởng đoàn.

Giám sát không phải là chờ xuân thu nhị kỳ Chính phủ gửi báo cáo sang rồi xem xét, mà còn phải đốc thúc Chính phủ, các cơ quan khác, giám sát cả việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, kiên trì để tạo chuyển biến tích cực; tạo niềm tin vững chắc của nhân dân, cử tri đối với Quốc hội.

Chủ quyền nhân dân là giá trị, đặc trưng cốt lõi của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Quyền lợi của mỗi người dân và lợi ích của Nhà nước là thống nhất. Do đó cần phải đảm bảo quyền khiếu nại, quyền tố cáo của công dân đã được Hiến định. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn: việc gì có lợi cho dân phải dốc sức làm, để dân hiểu, dân tin và thực hiện tốt chính sách. Vốn dĩ pháp luật và đạo đức chính là hai sức mạnh mang đến sự yên ổn. Suy cho cùng, mục đích, kết quả mà Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo" hướng đến cuối cùng cũng chính là bởi vậy.

Cao Hoàng