Phát ngôn ấn tượng: Một văn bản từ TP.HCM đi Hà Nội có khi 2-3 tháng sau chưa có phản hồi

Mời quý vị và các bạn cùng xem lại những phát ngôn ấn tượng trong phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV ngày 10/6.

Ông NGUYỄN ĐẠI THẮNG, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên: “Triển khai đầu tư dự án đường Vành đai 4 của Thủ đô nếu chưa có lộ trình đầu tư rõ ràng mà đã dự kiến giải phóng mặt bằng có thể dẫn tới việc tái lấn chiếm, tăng tổng mức đầu tư của dự án.”

Ông TẠ ĐÌNH THI, Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội: “Riêng đối với cơ chế chính sách khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng …việc tăng công suất lên đến 50% mà không thực hiện đánh giá tác động môi trường sẽ khó bảo đảm được việc ngăn ngừa các rủi ro về môi trường có thể xảy ra, nhất là các tác động môi trường gây sạt lở lòng bờ, tác động dòng chảy, ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học trong quá trình khai thác ở Đồng bằng sông Cửu Long.”

Ông NGUYỄN CHÍ DŨNG, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Việc nâng công suất lên 50% đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Tại sao chúng ta không đề xuất là phải báo cáo lại đánh giá tác động môi trường? Bởi vì thiết kế quy định là tổng công suất của cả dự án đó không thay đổi, được phép bao nhiêu thì tổng đó chỉ là bấy nhiêu. Ở đây có điều chỉnh là điều chỉnh công suất hàng năm để tăng công suất của những năm đầu lên để phục vụ cho thi công, còn tổng của giấy phép được khai thác không thay đổi.”

Ông NGUYỄN ANH TRÍ, Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội: “Đề nghị phải xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật thật tốt, cao cấp nhất để có thể đảm bảo con đường sử dụng được khoảng 100 năm. Cần phải coi con đường là một loại bất động sản đặc biệt của quốc gia.”

Bà TẠ THỊ YÊN, Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên: “Để khắc phục tình trạng tương tự như các dự án quan trọng quốc gia trước đây, tôi đề nghị Chính phủ xây dựng cơ chế thưởng, phạt nghiêm minh, kịp thời đối với các địa phương, bộ, ngành có liên quan trong việc cam kết tổ chức thực hiện trách nghiệm về việc đảm bảo tiến độ, chất lượng của dự án.”

Ông NGUYỄN VĂN THÂN, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình: “Tôi đề nghị thiết kế về đường sá, cảnh quan, có những nhà thiết kế tốt thì người ta link được với nhau, các tỉnh mới link được với nhau, nếu ủy quyền cho lãnh đạo các tỉnh, tôi e rằng sẽ bị xôi đỗ và sẽ không đồng nhất.”

Ông TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh: “Chúng ta biết một khi đã giao hết cho Thủ tướng nghĩa là, từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh bay mất 2,5 giờ nhưng một văn bản từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Hà Nội có khi 2-3 tháng sau chưa có văn bản phản hồi.”

Ông TẠ VĂN HẠ, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam: “Đầu tư là ta chủ yếu dựa vào đầu tư công, hai là nguồn tiết kiệm, ba là gói phục hồi và bốn là vốn đối ứng của địa phương. Ở đây thì chủ yếu là nguồn đầu tư công, mà đầu tư công 2 triệu tỷ chúng ta dự kiến mới chỉ theo lý tưởng, đây là lý thuyết.”

Ông THẠCH PHƯỚC BÌNH, Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh: “Đầu tư cầu Đại Ngãi trên tuyến Quốc lộ 60 nối liền 2 bờ sông Hậu qua tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, là tuyến gắn kết với tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đang xin chủ trương Quốc hội kỳ họp lần này. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 6 năm, 6 tháng, 22 ngày dự án vẫn chưa được khởi công, làm cho cử tri, người dân trong vùng luôn thắc mắc, lo lắng, cảm thấy hụt hẫng.”

Ông NGUYỄN VĂN CẢNH, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định: Tôi đề nghị là có kế hoạch trồng cây che nắng, nếu vướng vào pháp luật đối với việc bảo vệ hành lang an toàn thì việc trồng cây để che nắng vẫn ưu tiên hơn. Tôi nghĩ việc trồng cây cũng không ảnh hưởng lắm tới việc bảo vệ hành lang an toàn của đường cao tốc.”

Ông NGUYỄN VĂN THỂ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: “Một việc nữa liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư của dự án. Chúng tôi nghĩ rằng địa phương phải quyết tâm và chúng tôi nói rồi, chúng ta không có mặt bằng, chúng ta không khởi công được. Cơ chế đặc thù thì hiện nay đang rất cần thiết và chúng tôi đang kiến nghị là áp dụng Nghị quyết 43, một phần của Nghị quyết 44 và một số cơ chế đặc thù nữa để khi phân cấp cho các địa phương thì các địa phương sẽ thực hiện được tốt.”

Bà NGUYỄN THỊ TUYẾT NGA, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình: “Cần có chính sách hấp dẫn, khả thi hơn để phát triển Khu kinh tế Vân Phong… Nghị quyết đưa ra những tiêu chí về tài chính cho một số lĩnh vực vốn điều lệ là 10.000 tỷ đồng trở lên hoặc tổng tài sản là 25.000 tỷ đồng thì rất khó khả thi. Nhiều đại biểu thảo luận ở tổ cũng băn khoăn về vấn đề này và cũng cho rằng số doanh nghiệp trên 10.000 tỷ đồng là đếm trên đầu ngón tay.”