Phát huy tối đa quyền dân chủ ở cơ sở

Trong buổi khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ 6 vào sáng 27/4 tại Đà Nẵng, các thành viên Uỷ ban Pháp luật đã cho ý kiến thẩm tra dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đây được xem là bước thể chế hoá chủ trương phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Uỷ ban Pháp luật cơ bản tán thành với tên gọi và bố cục gồm 7 chương và 74 điều của Dự thảo luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đồng thời đề nghị trong mỗi chương cần quy định rõ quyền của người dân trong việc được biết, được tham gia ý kiến, bàn bạc, quyết định, giám sát, thụ hưởng, các vấn đề phải công khai minh bạch. Về thực hiện dân chủ ở cơ sở tại doanh nghiệp, có 2 luồng ý kiến nên hay không nên bao gồm cả hợp tác xã và tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động?

Bà TRẦN THỊ HỒNG THANH, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình: "Chúng ta vẫn phải cần thiết quy định việc thực hành cơ chế dân chủ cở sở ở tất cả các loại hình doanh nghiệp. Bởi vì hiện trong Bộ luật hình sự cũng đã quy định, tất cả các doanh nghiệp đều có thể bị chịu trách nhiệm về tội tham ô. Như vậy, tội tham nhũng cũng đã có sự mở rộng".

Uỷ ban Pháp luật đề nghị lý giải, vì sao hình thức sáng kiến của cử tri chỉ áp dụng đối với “các công việc khác” trong nội bộ cộng đồng dân cư, thôn, tổ dân phố, không trái với các quy định khác của pháp luật và phù hợp với thuần phong, mỹ tục và đạo đức xã hội mà không phải là toàn bộ những nội dung và nhân dân được bàn và quyết định như quy định tại Điều 13.

Bà NGUYỄN PHƯƠNG THUỶ, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật: "Về chủ thể có thẩm quyền bàn và quyết định ở Điều 15, Thường trực Uỷ ban Pháp luật đề nghị quy định cụ thể trường hợp nào thì toàn thể cử tri, trường hợp nào thì chỉ có cử tri đại diện hộ gia đình được tham gia bàn và quyết định.”

Bà NGUYỄN THỊ KIM THUÝ, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội: "Tại Điều 3 về nguyên tắc, tôi đề nghị cần bổ sung nguyên tắc đảm bảo về quyền bình đẳng, trong đó có bình đẳng giới”.

Trong quá trình thẩm tra, Uỷ ban Pháp luật cũng đề nghị làm rõ các trường hợp cộng đồng dân cư khác nhau cùng quyết định về một vấn đề có tác động, ảnh hưởng chung, nhưng nghị quyết của các cộng đồng dân cư này có sự không thống nhất thì giải quyết như thế nào? Với việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp ở Chương 4, đề nghị bổ sung quy định cụ thể hơn đối với doanh nghiệp nhà nước; quy định rõ hơn về hình thức người lao động thực hiện kiểm tra, giám sát tại doanh nghiệp./.

Lê Quang