Pháp: Gay cấn “Đường đua” tới Điện Élysée

13h ngày 10/4 (giờ Hà Nội), các điểm bỏ phiếu tại Pháp đã mở cửa để đón khoảng 48 triệu cử tri tham gia bỏ phiếu trong vòng một cuộc bầu cử tổng thống nước này, bầu chọn ra hai ứng cử viên xuất sắc nhất trong số 12 ứng cử viên để bước vào vòng hai, sẽ diễn ra hai tuần sau đó.

Trong suốt một thời gian dài, Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron luôn dẫn trước trong các cuộc thăm dò nhưng trong những tuần gần đây, khoảng cách giữa ông và bà Marine Le Pen, thuộc đảng Tập hợp quốc gia theo đường lối cực hữu, đã thu hẹp đáng kể. Trong hai tuần gần nhất, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Macron giảm từ 3 đến 5% và hiện ông được dự báo sẽ chỉ nhận được khoảng 24-26% số phiếu bầu. 

Ngược lại, nếu như vào giữa tháng 3, bà Le Pen vẫn còn cách đương kim tổng thống đến 14% thì hiện nay chênh lệch được rút xuống chỉ còn là 3%. 

Ông JEAN-DANIEL LEVY, Chuyên viên thăm dò ý kiến của Harris Interactive:Bà Marine Le Pen chưa bao giờ tiến gần đến chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống đến như vậy. Bà đang đạt được số phiếu dự kiến khá cao và có khả năng sẽ tận dụng lợi thế của việc chuyển đổi lá phiếu từ phía ông Eric Zemmour hoặc từ bà Valerie Pecresse.”

Trong suốt cuộc vận động tranh cử của mình, bà Le Pen luôn thể hiện sự tự tin với nụ cười rạng rỡ cùng khẩu hiệu: "Chúng ta sẽ thắng!". Chiến dịch kéo dài hàng tháng của bà với tiêu điểm nhằm vào chi phí sinh hoạt, cùng việc đối thủ cực hữu Eric Zemmour đánh mất sự ủng hộ lớn, đã biến bà Le Pen trở thành ngôi sao sáng trên 

Cử tri Pháp: “Đảng của Tổng thống Macron đã bắt đầu lo lắng trước sự nổi lên của bà Marine Le Pen. Thành thật mà nói, tôi đã nghĩ rằng ông ấy cầm chắc chiến thắng trong tay rồi. Nhưng bây giờ, khoảng cách hai người đang gần nhau hơn, nên việc bà Le Pen trở thành Tổng thống là điều có thể. Vấn đề là bà ấy đã có một chiến dịch tranh cử tốt, tập trung vào ưu tiên của người dân Pháp.”

Ở chiều ngược lại, Tổng thống Macron bị mất điểm do các động lực ban đầu như hiệu ứng sau tuyên bố tranh cử, vị thế một nhà lãnh đạo mạnh mẽ mà ông thể hiện giai đoạn đầu cuộc khủng hoảng Ukraine không còn nữa. Trên thực tế, ông đã nhập cuộc rất muộn khi chính thức tuyên bố tranh cử ngày 25/2, ngay sát thời hạn chót nộp hồ sơ. Từ đó đến nay, ông chỉ tiến hành duy nhất một cuộc vận động lớn vào ngày 2/4 vừa qua. Chương trình tranh cử không rõ ràng, chiến dịch vận động vừa muộn màng, vừa đơn giản đến mức tối thiểu đã làm cho sự hào hứng của cử tri với đương kim tổng thống ngày càng phai nhạt.

 Cử tri Pháp: “So với cách đây 5 năm, khi Tổng thống Macron được coi là một “làn gió mới” trong chính trường Pháp, thì giờ đây, chúng ta đã có những ứng cử viên nhiều kinh nghiệm chính trường, điều này được mong đợi ở các chính trị gia tham gia bầu cử Tổng thống. Hơn hết, đối với tôi, ông Macron là người trẻ nhất, nhưng lại là người gây ra sự thất vọng nhất. Tia hy vọng chúng ta thấy cách đây 5 năm lại không còn".

Mặc dù vậy, kết quả thăm dò không phải bao giờ phản ánh được chính xác lựa chọn của cử tri, bởi nó phụ thuộc lớn vào một ẩn số - đó là tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu. Bên cạnh đó, trong các cuộc thăm dò dư luận mới nhất tại Pháp, cuộc chiến tại Ukraine giờ chỉ là chủ đề được quan tâm thứ 4 của người dân Pháp, sau vấn đề sức mua, y tế và an ninh. Điều này có thể khiến các lá phiếu đảo chiều.

Để có một cái nhìn rõ hơn về “màn tái đấu” giữa hai ứng cử viên tiềm năng nhất cho chiếc ghế Tổng thống Pháp sắp tới, chúng tôi sẽ kết nối với Nhà báo Nguyễn Mỹ Linh, Thường trú Đài Truyền hình Việt Nam tại châu Âu.

BTV Kim Ngân: Xin chào chị Mỹ Linh, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và bà Marine Le Pen đang là những ứng cử viên sáng giá. Vậy điều gì trong cương lĩnh tranh của 2 ứng viên này nhận được sự ủng hộ của cử tri ?

Nhà báo NGUYỄN MỸ LINH, Thường trú Đài Truyền hình Việt Nam tại châu Âu: Những người ủng hộ Marie Le Pen là những người trung thành, họ trung thành với bà ấy và những chương trình hành động mà Marie Le Pen nghĩ rằng sẽ đưa nước Pháp trở về thành một đất nước Pure Francais – thuần tuý Pháp. Một trong những điểm nổi bật trong chương trình tranh cử của Marie Le Pen từ nhiều năm nay là hạn chế nhập cư. Ở lần tranh cử này dù đã từ bỏ ý định rút nước Pháp ra khỏi liên mình châu âu, nhưng những chính sách hạn chế nhập cư thì vẫn giữ nguyên. Ông Macron và những người ủng hộ ông thì khác, xây dựng một nước Pháp bình ổn trong một liên minh châu âu vững chắc và phát triển kinh tế là điểm nổi bật mà ông Macron khiến những người bỏ phiếu cho ông ấn tượng hơn cả. 

BTV Kim Ngân: Theo chị, liệu cuộc bầu cử Pháp năm nay có là một cuộc bầu cử "biết trước kết quả" hay không khi ông Macron luôn dẫn đầu trong các cuộc thăm dò?

Nhà báo NGUYỄN MỸ LINH, Thường trú Đài Truyền hình Việt Nam tại châu Âu: Không hề, điều này có vẻ đúng cho thời điểm 2 tuần trước khi ông Macron có số điểm ủng hộ vượt xa Marie Le Pen, còn vào ngày hôm nay thì không. Những người ủng hộ Macron nhưng lười đi bầy cử chắc chắn sẽ rất đau khổ nếu như họ để Marie Le Pen thắng thế, và nếu điều này xảy ra thì vòng hai sẽ đầy kịch tính.

BTV Kim Ngân: Vậy theo chị, cử tri Pháp thực sự mong chờ điều gì từ các ứng cử viên?

Nhà báo NGUYỄN MỸ LINH, Thường trú Đài Truyền hình Việt Nam tại châu Âu: Căn cứ vào những cuộc thăm dò gần đây và chương trình hành động của ba ứng cử viên dẫn đầu là Macron, Le Pen và Melenchon thì thấy rõ ba vấn đề mà người Pháp chờ đợi ở nhiệm kỳ tổng thống mới: Tăng trưởng kinh tế, giải quyết vấn đề việc làm, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo trong xã hội và chính sách hành động để bảo vệ môi trường một cách bền vững. Hạn chế nhập cư dù chưa bao giờ được coi là chương trình được ủng hộ một cách tích cực nhưng cũng đừng quên rằng nó luôn âm ỉ và được hơn 20% nước Pháp đồng thuận.

BTV Kim Ngân: Vâng, xin cảm ơn chị Mỹ Linh với những thông tin vừa rồi. 

KỲ VỌNG CỦA CỬ TRI PHÁP VÀO VỊ TỔNG THỐNG TIẾP THEO

Trong số hơn 10 chủ đề mà cử tri Pháp quan tâm nhất trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm nay, “nóng” nhất là sức mua, tiếp đến là xung đột tại Ukraine, sau đó mới đến các vấn đề khác như việc làm, nhập cư, an ninh, vấn đề tội phạm. Vậy người dân Pháp đặt kỳ vọng gì vào nhà lãnh đạo đất nước trong nhiệm kỳ 5 năm tới?

Cử tri Pháp:Nếu làm theo trái tim mình mách bảo, tôi sẽ bầu cho ông Melenchon hoặc ông Roussel, nhưng để an toàn hơn, tôi sẽ bầu cho Macron. Dù không phải như tôi mong muốn, nhưng đó là một lá phiếu chiến lược.”

Cử tri Pháp: “Nhiều người nghĩ việc bỏ phiếu cho người này người kia sẽ giúp mọi thứ thay đổi tốt hơn, nhưng theo tôi, không có gì phải phàn nàn khi ở Pháp rồi. Cho dù chúng ta ở tầng lớp nào, cuộc sống của chúng ta vẫn rất tốt. Hãy thử nghĩ khi chúng ta ở Ukraine xem, lúc đó sẽ khác.”

 Cử tri Pháp: “Tôi thấy bà Marine Le Pen phân biệt chủng tộc quá. Bà ấy có những ý tưởng quá đáng. Ông Melenchon thì cởi mở hơn, tôi nghĩ đó có thể là hy vọng."

Cử tri Pháp: “Tôi sẽ bầu cho ông Melenchon vì ông ấy hiểu tầng lớp trung lưu, tầng lớp người lao động. Ông ấy nhận ra sự khó khăn của người dân ở những tần lớp đó và cả người nghèo. Ông ấy duy trì giá cả hàng hóa cơ bản và điều đó tốt cho tôi, tôi có thể tiếp tục duy trì kinh doanh. »

Cử tri Pháp: "Tôi tới đây để thực hiện nghĩa vụ của mình. Điều này rất quan trọng, đặc biệt trong năm nay vì có rất nhiều vấn đề cần giải quyết.

Cử tri Pháp: “Tổng thống Macron đã xử lý rất nhiều vấn đê trong nước, từ phong trào Áo vàng, covid-19 và giờ là vấn đề Ukraine nữa. Tôi chắc chắn 97% là Macron sẽ thắng. Bà Pecress thì không thể nào, kể cả là La Pen.”

Kết quả vòng 1 bầu cử Tổng thống Pháp sẽ chính thức được công bố vào lúc 20h (giờ địa phương) trên tất cả các phương tiện truyền thông tại Pháp.

Những thông tin mới nhất liên quan đến cuộc bầu cử Tổng thống Pháp sẽ được chúng tôi cập nhật trong các bản tin thời sự tiếp theo.

QUỐC TẾ CAM KẾT HỖ TRỢ NGƯỜI DÂN UKRAINE HƠN 10 TỶ EURO

Ủy ban châu Âu (EC) thông báo sự kiện gây quỹ tại Ba Lan nhằm hỗ trợ người dân Ukraine bị ảnh hưởng bởi xung đột đã nhận được cam kết hỗ trợ quyên góp, vay và trợ cấp từ cộng đồng quốc tế lên tới 10,1 tỉ euro.

Phát biểu tại cuộc họp báo về sự kiện do EC và chính phủ Canada đồng tổ chức, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết chương trình đã gây quỹ được 9,1 tỷ euro cho người dân Ukraine phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn cả ở trong và ngoài nước, cùng với 1 tỷ euro cam kết từ Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu (EBRD). Cụ thể, theo chương trình gây quỹ này, các chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân đã cam kết hỗ trợ 4,1 tỷ euro, phần lớn sẽ được phân phối qua chính phủ Ukraine và Liên hợp quốc.

 Bà  URSULA VON DER LEYEN, Chủ tịch Ủy ban châu Âu: “Chúng tôi cam kết dành 1 tỷ euro, trong đó 600 triệu euro sẽ được chuyển đến Ukraine, cho các nhà chức trách nước này và một phần cho Liên hợp quốc, để các nhà chức trách tại đây có thể phân bổ một cách hợp lý. Và 400 triệu euro sẽ dành cho các bang tiền tuyến, những nơi đang giúp đỡ người tị nạn.”

Trong khi đó, các thể chế tài chính của EU sẽ cung cấp các khoản cho vay và trợ cấp 5 tỷ euro, nhằm hỗ trợ về nhà ở, giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho những người tị nạn Ukraine tới các quốc gia EU.

Theo EC, đã có hơn 4,4 triệu người Ukraine rời bỏ đất nước lánh nạn ở các nước láng giềng thuộc Liên minh châu Âu (EU), trong khi 6,5 triệu người phải sơ tán ở trong nước do xung đột.

AUSTRALIA TỔ CHỨC BẦU CỬ VÀO THÁNG 5

Thủ tướng Australia Scott Morrison đã kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử liên bang vào ngày 21/5 tới nhằm tìm kiếm một nhiệm kỳ tiếp theo, trong bối cảnh uy tín của ông suy giảm sau 3 năm nước này bị ảnh hưởng nặng nề do lũ lụt, cháy rừng và đại dịch COVID-19.

Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Morrison tuyên bố cuộc bầu cử này là vì lợi ích của cử tri, của đất nước và tương lai đất nước. Ngày bầu cử được xác định trong bối cảnh Thủ tướng Scott Morrison đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi giá cả sinh hoạt tăng cao, ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống. Dù uy tín của chính phủ liên đảng và cả Thủ tướng Morrison đang suy giảm, cuộc bầu cử này cũng không phải là quá thuận lợi cho Công đảng đối lập. Theo các cuộc thăm dò hiện tại, Công đảng đối lập đang dẫn trước 8 điểm so với liên đảng cầm quyền giữa đảng Tự do và đảng Quốc gia. Khoảng cách là không nhiều vì vậy cuộc bầu cử sắp tới tại Australia được cho là sẽ cuộc ganh đua sát sao và chưa thể sớm dự đoán kết quả.

THỦ TƯỚNG PAKISTAN KHÔNG VƯỢT QUA BỎ PHIẾU BẤT TÍN NHIỆM

Thủ tướng Pakistan Imran Khan (Im-ran Khan) đã không vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội và trở thành thủ tướng đầu tiên của nước này bị phế truất. Kết quả cuộc bỏ phiếu đã được Chủ tịch Hạ viện Ayaz Sadiq công bố vào lúc 1h sáng theo giờ địa phương sau phiên họp kéo dài 13 giờ, với nhiều lần trì hoãn. 

 Trong tổng số 342 thành viên Hạ viện Pakistan đã ủng hộ việc loại bỏ ông Imran Khan khỏi chức vụ người đứng đầu Chính phủ. Phiên bỏ phiếu không có sự tham dự của các thành viên Đảng PTI cầm quyền. Như vậy, sau cuộc bỏ phiếu này, chưa có một thủ tướng Pakistan nào trong lịch sử hoàn thành nhiệm kỳ 5 năm của mình. Và ông Imran Khan trở thành Thủ tướng đầu tiên của nước này mất chức sau một phiên bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội.

 Việc ông Imran Khan không vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đã khiến dư luận Pakistan “dậy song”. Có nhiều ý kiến cho rằng, ông xứng đáng với kết quả này, nhưng những người khác lại nghĩ ông vẫn có thể tiếp tục làm việc vì sự phát triển của đất nước. 

 Người dân Pakistan: “Ông ấy nên nghĩ về điều gì là tốt nhất cho đất nước và làm việc vì điều đó. Những điều mà ông ấy chưa thể làm được khi còn ở cương vị lãnh đạo đất nước.”

Người dân Pakistan: “Những gì đã xảy ra đều là gì mọi thứ đã trở nên quá tồi tệ. Lạm phát lên đến đỉnh điểm. Người dân sống khó khăn quá rồi.” 

Với kết quả này, hiện ông Shehbaz Sharif, 70 tuổi, là ứng cử viên hàng đầu để trở thành lãnh đạo mới của Pakistan. Ông Shehbaz là em trai của ông Nawaz Sharif, người từng 3 lần giữ cương vị Thủ tướng Pakistan.

Ông Imran Khan, 69 tuổi, lên nắm quyền vào năm 2018, tuy nhiên đã đánh mất thế đa số tại Quốc hội thời gian gần đây sau khi nhiều đảng quyết định rút khỏi chính phủ liên minh, cho rằng ông đã thất bại trong việc khôi phục nền kinh tế sau đại dịch cũng như không thực hiện được các cam kết tranh cử của mình./.

META CÓ KẾ HOẠCH TÍCH HỢP TIỀN ĐIỆN TỬ VÀO ỨNG DỤNG

Meta - công ty sở hữu mạng xã hội Facebook - đang lên kế hoạch tích hợp các token - một loại tài sản kỹ thuật số được phát hành và hoạt động trên một nền tảng chuỗi khối ( blockchain) - và các loại tiền điện tử vào các ứng dụng của công ty nhằm sử dụng để thưởng cho các nhà sáng tạo nội dung và cung cấp dịch vụ cho vay cũng như nhiều dịch vụ tài chính khác.

Theo đó, tiền điện tử của Meta có tên gọi nội bộ là “Zuck Buck”, dự kiến được dùng trong vũ trụ ảo (metaverse). Nếu được triển khai, kế hoạch trên sẽ đem lại cho Meta nguồn thu mới và kiểm soát các giao dịch trên những ứng dụng và dịch vụ, trong đó có Facebook, Instagram, WhatsApp và nền tảng thực tế ảo Meta Quest. Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Meta ngày càng chú trọng vào các dịch vụ trung tâm trong metaverse – môi trường ảo dành cho mọi người tương tác, giải trí và làm việc. Đầu năm nay, Meta đã gia nhập Liên minh Bằng sáng chế mở tiền điện tử (COPA), một nhóm doanh nghiệp cam kết thúc đẩy cách tiếp cận mở đối với công nghệ tiền kỹ thuật số.