Phản ứng quốc tế trước căng thẳng Armenia-Azerbaijan

Đụng độ giữa quân đội Armenia và Azerbaijan đã xảy ra đêm 12/9 (theo giờ địa phương), đánh dấu bước leo thang trong căng thẳng đã kéo dài hàng thập kỷ giữa 2 bên liên quan đến khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh. Armenia và Azerbaijan đã nhất trí ngừng bắn, nhưng thỏa thuận chỉ được duy trì trong vài phút.

“Hiện chúng ta đã ghi nhận 49 người lính thiệt mạng. Và rất tiếc khi tôi phải nói rằng, đây chưa phải là con số cuối cùng”. Thông báo của Thủ tướng Armenia đưa ra sau khi các cuộc đụng độ đã nổ ra giữa quân đội Azerbaijan và Armenia trong đêm ngày 12/9 (theo giờ địa phương).

Trung úy ANAR EYVAZOV, Bộ Quốc phòng Azerbaijan: Nhiều cuộc khiêu khích của các lực lượng vũ trang Armenia đã diễn ra tại khu vực biên giới với nhiều loại vũ khí khác nhau. Đồng thời, rất nhiều người đã thấy Armenia tập trung vũ khí tấn công, pháo hạng nặng và quân đội dọc theo biên giới Azerbaijan. Tất cả điều này chứng minh Armenia đang chuẩn bị cho một cuộc khiêu khích quân sự lớn

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Armenia xác nhận các vụ đụng độ vẫn đang tiếp diễn do hậu quả của cuộc khiêu khích quy mô lớn từ phía Azerbaijan. Các lực lượng vũ trang của Armenia đã tiến hành những biện pháp đáp trả tương xứng.

Thủ tướng Armenia NIKOL PASHINYAN: Azerbaijan nói rằng những hành động này là phản ứng với một loạt khiêu khích từ phía Armenia. Nhưng chúng tôi chắc chắn thông tin này hoàn toàn sai sự thật.”

PHẢN ỨNG TỪ CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ

Ngay sau khi giao tranh xảy ra, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, và kêu gọi “phản ứng thích hợp của cộng đồng quốc tế”. Azerbaijan và Armenia sau đó đã nhất trí ngừng bắn tại vùng Nagorny-Karabakh, bắt đầu từ 9h00 ngày 13/9 giờ địa phương (tức 12h00 cùng ngày giờ Hà Nội). Tuy nhiên, thỏa thuận này đổ vỡ chỉ ít phút sau đó.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã bày tỏ quan ngại trước tình hình giao tranh dọc biên giới Armenia-Azerbaijan, đồng thời kêu gọi hai bên chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch.

Ông ANTONY BLINKEN, Ngoại trưởng Mỹ: Các cuộc giao tranh không mang lại lợi ích cho một bên nào cả. Mỹ đã làm việc với cả hai bên và hói thúc họ làm mọi thứ có thể để chấm dứt xung đột, xây dựng một nền hòa bình lâu dài.”

Liên hợp quốc cũng kêu gọi hai bên thực hiện các biện pháp để hạ nhiệt căng thẳng, kiềm chế tối đa và giải quyết mọi vấn đề còn tồn tại thông qua đối thoại và theo các hình thức hiện có".

Hội đồng An ninh Tập thể của Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) đã nhất trí cử một phái đoàn tới Armenia, nhằm đánh giá tình hình hiện tại, chuẩn bị một báo cáo chi tiết cho phiên họp tiếp theo của hội đồng. Cuộc họp dự kiến sẽ được tổ chức vào mùa Thu này tại thủ đô Yerevan của Armenia để thảo luận về tình hình trong khu vực và trình bày các đề xuất nhằm giảm bớt căng thẳng.

Anh Tuấn